Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hương: Tiếng ca ngát mãi hương hồi Xứ Lạng
–Tại Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 8 diễn ra tại thủ đô Hà Nội (năm 2016), hòa cùng niềm vui của 479 văn nghệ sỹ trong cả nước, Nghệ sĩ ưu tú Thu Hương đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Chị đã trở thành nữ nghệ sĩ dân tộc Nùng đầu tiên trong cả nước vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý này.
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hương hướng dẫn các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật Ca – Múa – Kịch (năm 2016)
“Khi những giọt sương long lanh trên cành lá
Khi nắng sớm mai về trên quê hương hối hả
Đoàn người gánh gồng từ muôn phía đi chợ xa
Con đường 4 dập dìu nối tiếp những bài ca…
Pì noọng lầu có nhớ chăng
Khăn vắt trên vai, Bác đi chiến dịch ngày ấy…”
Ca sỹ Thu Hương trong trang phục áo chàm nhuần nhị. Chị lĩnh xướng, và rồi hòa ca cùng tốp nữ. Tiếng hát trong veo giữa trời đêm Xứ Lạng. Để rồi ít phút nữa thôi là thời khắc giao thừa sẽ đến với mọi nhà… Bao nhiêu năm trong nghiệp diễn, biết bao nhiêu giao thừa của Thu Hương và đồng nghiệp đã qua đi như thế… Chị nhớ có lần biểu diễn ngay bậc thềm của tòa trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn, trong cái rét ngọt của mùa xuân Xứ Lạng, trong mưa xuân dìu dặt bay. Và rồi sau buổi biểu diễn, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của tỉnh đã mời các nghệ sỹ, diễn viên cùng nâng chén rượu xuân, cùng đón giao thừa. Đó mãi mãi là những kỷ niệm không thể nào quên…
Hồi nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào nghề, với Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hương là cả một nỗi niềm đầy xúc động.
Thu Hương quê ở huyện Chi Lăng song lại được sinh ra trên đất Sơn La vì mẹ theo bố lên công tác tại tỉnh Sơn La. Năm 1969, bố chị chuyển công tác về Lạng Sơn (là Phó trưởng ty Công an lúc bấy giờ). Kể từ khi ấy, gia đình Thu Hương mới “an cư” tại thị xã Lạng Sơn. Năm 1974, Hoàng Thành, chị gái thứ hai của Thu Hương trúng tuyển vào Đoàn Văn công Lạng Sơn khi mới tròn mười bốn tuổi. Trước đó, Hoàng Thành đã từng trúng tuyển Nhạc viện Hà Nội xong không được theo học vì bố không đồng ý. Năm 1980, chị gái cả của Thu Hương là Hồng Minh (nay là Nghệ sĩ ưu tú Hồng Minh), lúc này đang công tác trong ngành công an, là cảnh sát giao thông, nhưng vì mối duyên và tình yêu đặc biệt với nghệ thuật biểu diễn cũng đã chuyển về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn trong vai trò là ca sỹ. Lúc này, Thu Hương đang là nữ sinh của Trường cấp ba Việt Bắc, cũng là hạt nhân trong các phong trào văn nghệ của trường. Có ai đâu ngờ, tình yêu nghệ thuật đã ấp ủ trong Thu Hương từ những năm tháng ấy. Không một buổi biểu diễn nào của hai chị gái vắng mặt Thu Hương. Đứng khuất lấp ở phía khán giả, Thu Hương đã ước ao rằng, một ngày kia, mình cũng sẽ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, được biểu diễn trên những sân khấu lớn, lộng lẫy ánh đèn. Tốt nghiệp Phổ thông, không một chút do dự, Thu Hương đến đoàn nghệ thuật Lạng Sơn xin tuyển vào vị trí ca sĩ với giọng hát trời cho, với những kinh nghiệm từ người chị gái, với trọn vẹn tình yêu dành cho nghệ thuật biểu diễn mà không hề có chút kiến thức nào từ sách vở. Khi tờ giấy báo trúng tuyển ngành học ngân hàng đến trước, Thu Hương đã khóc cả mấy ngày trời. Đến khi nhận giấy báo trúng tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn, Thu Hương đã tự hứa với lòng mình, rằng chị sẽ luôn chung thủy với con đường mình đã chọn.
Những năm đầu mới vào nghề, cuộc sống vô cùng vất vả. Có một sự thật hết sức “ngược đời” là diễn viên phải làm nhiều nghề phụ để nuôi nghề chính. Bởi vậy, rời ánh đèn sân khấu là tay xách nách mang, chạy sô nơi này, chỗ kia để kiếm việc làm thêm. Thế mới biết, tình yêu nghề khi ấy nó mãnh liệt và chân chính biết nhường nào! Trong chặng đường 60 năm hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn, ở những quãng khó khăn, không ít người đã không trụ lại được với nghề. “Người đi đứt ruột, kẻ ở đau lòng. Chuyện nghề lắm nỗi tái tê… Với mình thì, cứ lên sân khấu, cứ được hát là quên đi tất cả nỗi buồn. Có lẽ vì mình quá yêu nghề nên nghề không phụ…” – Nghệ sỹ Thu Hương trải lòng.
Năm 1985, trên sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Thu Hương giành được Huy chương Bạc đầu tiên với ca khúc “Đỉnh gió Na Dương” của nhạc sĩ Vũ Thanh. Kể từ đó, giọng hát của chị đã hoàn toàn chinh phục khán giả. Tên tuổi của Thu Hương gắn với các ca khúc “Lạng Sơn quê tôi”. “Hương hồi Xứ Lạng”, “Gọi bạn đêm trăng”, “Mối tình Tô Thị”, “Sli lượn tình yêu”, “Chuyện tình trên đỉnh Mẫu Sơn” (song ca cùng Nghệ sĩ ưu tú Phùng Muộn)… Thu Hương giành nhiều giải thưởng cao ở các kỳ hội diễn, đồng thời, cùng với các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn, chị cũng đi diễn nhiều, miệt mài, năm này qua năm khác. Thời còn khó khăn, mỗi khi đi lưu diễn là ca sĩ, diễn viên phải tự mang theo gạo, muối chẳng khác nào như đi chiến dịch. Không một đồn biên phòng, chốt tiền tiêu nào mà chị chưa từng qua, không một xã nào trong tỉnh Lạng Sơn mà Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn chưa từng đến, chỉ trừ những xã chưa có đường cho xe ô tô vào đến tận nơi. Chứ còn ngay cả chưa có điện, anh chị em nghệ sĩ cũng vẫn sáng tạo để biểu diễn bằng cách bật đèn pha ô tô lên làm ánh sáng, và cứ thế múa thật say lên, hát thật to lên!. Làm gì tiếng hát át được tiếng động cơ ô tô cơ chứ! Nhưng vẫn hát, vẫn say sưa, xúc động vì nhìn thấy bà con cứ đứng lặng đi ở phía dưới, tay họ đã cầm sẵn những cành hoa sim, những bông râm bụt vườn nhà để rồi thu hết can đảm, chạy vụt lên sân khấu dúi vào tay các diễn viên… Thậm chí có lần đã từng đổ dầu ma-zút vào chai bia tàu, thắp lên mà diễn, diễn xong, người nào người nấy mặt mày đen nhẻm như anh thợ hầm lò, nhìn nhau mà bò lăn ra cười. Còn thì, xe bị chết máy giữa lúc đêm khuya, hay sa phải cung đường lầy lội là hết sức bình thường, lúc ấy thì cả nghệ sĩ lẫn diễn viên, cả nhân viên cùng lãnh đạo Đoàn cứ gọi là hò dô ta… chổng mông lên mà đẩy xe!
Nhiều năm liền, giọng hát Thu Hương là “con át chủ bài” trong đội ca của đoàn. Chị đã dành rất nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn chuyên nghiệp và không chuyên trong phạm vi khu vực và toàn quốc. Năm 2007, chị vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, Nghệ sĩ ưu tú Thu Hương được giao đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Đoàn và từ năm 2012, chị là Trưởng Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn. Trên cương vị là người quản lý, chị vẫn luôn sẵn sàng đảm nhận vai trò diễn viên, sẵn sàng ra sân khấu biểu diễn. Tại các hội diễn chuyên nghiệp những năm 2009 (tại Nghệ An), năm 2011 (tại Quảng Trị) và năm 2012 (tại Đắk Lắk) chị vẫn “chiến đấu” vì màu cờ sắc áo của đoàn do hai ca sĩ Bích Hồng, Hương Hương lần lượt chuyển công tác mà đội ngũ kế cận chưa kịp thời đáp ứng được nhiệm vụ. Và rồi, tiết mục của chị lại giành “chiến công” oanh liệt…
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hương là một trong số ít những nghệ sĩ thành danh mà không hề có bằng cấp “đáng kể” gì về chuyên môn. Quá trình rèn luyện của chị là quá trình tự thân vận động với sự giúp sức của bạn bè, đồng nghiệp. Chị rất biết ơn người chị gái Hồng Minh và “đàn chị” Nghệ sĩ nhân dân Thủy Tiên, là những người thân, người đồng nghiệp cận kề đã dày công “đào tạo” cho mình bằng kinh nghiệm từ chính bản thân họ. Chị cũng rất biết ơn những nhạc sĩ yêu quý chất giọng của chị, đã “nâng đỡ” bằng cách dành cho chị những ca khúc phù hợp, đó là các nhạc sĩ Lương Nguyên, Phạm Tịnh, Phó Đức Phương… họ chính là những người thầy, những người bạn lớn giúp Thu Hương có những bước trưởng thành trong sự nghiệp.
Người nữ nghệ sĩ đã đi qua gần bốn mươi năm tuổi nghề, vui buồn, đắng cay, hạnh phúc… chị đều đã trải. Nghiệm lại cả một cuộc đời nghệ sĩ, chị rưng rưng: “Nghề này có lẽ nó khắc nghiệt nhất trong những nghề khắc nghiệt. Nó thử thách tinh thần, tình cảm con người ta ghê gớm lắm! Nhưng tôi luôn thủy chung và tôn trọng nghề mà mình đã chọn. Có lẽ vì thế mà tôi nhận lại được sự tôn trọng của bạn bè, đồng nghiệp và tình yêu, sự cổ vũ của công chúng. Có tình yêu, có sự cổ vũ ấy, mới có một Thu Hương thủy chung, mãi mãi bền bỉ với nghề… Trước chủ trương tái lập một Đoàn Nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp của tỉnh Lạng Sơn, tôi rất kỳ vọng một sân chơi chuyên nghiệp để các bạn trẻ có cơ hội cống hiến tài năng, tâm huyết và tình yêu của mình cho nghệ thuật, cho Nhân dân”.
VI THỊ THU ĐẠM
Ý kiến ()