Nghệ sĩ của những chiếc bút chì màu
Để thỏa mãn giấc mơ sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nghệ sĩ Lê Xuân Hưởng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) đi rất nhiều nơi, tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm mới ở trong nước và thế giới, tạo nên nhiều tác phẩm điêu khắc từ cây bút chì màu, những tác phẩm nghệ thuật có một không hai ở Việt Nam.
Thuở ấu thơ, ước mơ của cậu bé Lê Xuân Hưởng là hộp bút chì 36 màu. Ước mơ ấy đã trở thành sự thật khi một ngày anh được bố mua tặng. Hộp bút chì màu đầu tiên đó không ngờ trở thành cái duyên để anh gắn bó với mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Lê Xuân Hưởng xác định cống hiến trọn đời cho mỹ thuật. Thế nên khi ra trường, dù bén duyên với ngành du lịch nhưng anh vẫn mở một phòng tranh trên phố Văn Miếu (Hà Nội) để theo đuổi đam mê. Một ngày, anh nhớ lại những cây bút chì màu thời thơ ấu và bừng lên niềm thôi thúc phải làm điều gì đó từ cây bút chì màu, ghi dấu ấn nghệ thuật cho riêng mình và xã hội…
Nghệ sĩ Lê Xuân Hưởng bên sản phẩm bàn cờ vua làm từ những chiếc bút chì màu của anh. |
Một cây sống cả đời cho đến lúc điêu tàn có khi là cả quá trình trải dài trăm năm, nhưng khi chỉ còn một khúc gỗ mục nát sẽ chẳng còn ai quan tâm. Đăm chiêu trước sự lãng quên, nghệ sĩ Lê Xuân Hưởng đã ứng dụng mỹ thuật vào những khúc gỗ này. Anh có khát vọng đưa đồ gỗ không còn giá trị như những khúc cây, thân cây hỏng, bỏ đi… thành sản phẩm nghệ thuật mang tính ứng dụng cao trong đời sống con người. Đưa tâm niệm thuần thiên nhiên vào thời đại công nghiệp hóa đang xa rời thiên nhiên, anh biến hàng nghìn chiếc bút chì màu thành đồ vật trang trí bắt mắt. Từ 36 màu sắc pha trộn của chiếc bút chì màu, không hạn chế biên độ sáng tạo về màu sắc, anh Hưởng không chỉ tạo ra hàng triệu tác phẩm nghệ thuật khác nhau mà đó còn là những sản phẩm mang nhiều ứng dụng thực tế, dùng trong những không gian khác nhau nên được nhiều khách hàng ưa thích.
Để làm ra những sản phẩm điêu khắc từ bút chì, người thợ cắt bút theo kích cỡ và theo mẫu đã được thiết kế trước, xếp vào khuôn rồi đổ keo nhựa epoxy. Quá trình này đòi hỏi phải xử lý thật khéo léo, tỉ mỉ. Sau đó là công đoạn làm nhẵn bề mặt cho bóng, sáng, mịn… Từ đây, các loại bàn trà, bàn cờ, lọ hoa, cốc, bình và nhiều sản phẩm độc đáo, độc bản từ vài trăm cho tới hàng nghìn chiếc bút chì màu lần lượt ra đời. Trong đó, sản phẩm kỷ lục được công chúng biết đến là chiếc bàn được anh Hưởng làm từ 30.000 chiếc bút chì màu hợp thành. Cái khó của việc điêu khắc nghệ thuật bằng bút chì là vì chất liệu dễ gãy, lõi mềm, gỗ có độ dẻo cao, nếu làm không khéo rất dễ hỏng, dẫn đến chi phí đắt đỏ. Nghệ sĩ Lê Xuân Hưởng đã nhiều lần phải bỏ đi hàng nghìn cây bút chì vì làm không đúng kỹ thuật. Nhưng với anh, niềm đam mê nghệ thuật và sự yêu thích của khách hàng mới là điều anh luôn hướng đến, kích thích sự tìm tòi và sáng tạo trong anh.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nổi tiếng với nghề điêu khắc sơn mài, một người bạn lâu năm của nghệ sĩ Lê Xuân Hưởng, cho biết: “Anh Hưởng có tư duy mỹ thuật rất tốt. Những chiếc bút chì màu của anh tạo nên những tác phẩm có giá trị cao cho cuộc sống từ thẩm mỹ đến công năng sử dụng. Tại Việt Nam, tác phẩm của anh có nhiều sự khác biệt về chất liệu, độc bản như bàn cờ, bàn uống nước, quân cờ đều làm bằng bút chì màu độc đáo, đạt độ tinh xảo rất cao”.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nghe-si-cua-nhung-chiec-but-chi-mau-746134
Ý kiến ()