Nghề nuôi cá lồng ở các tỉnh phía bắc: Chưa phát huy hết thế mạnh
Với lợi thế có nhiều hệ thống sông ngòi, diện tích hồ chứa khá lớn nên nghề nuôi cá lồng ở các tỉnh phía bắc đã và đang phát triển khá nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân ở các địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng ở khu vực phía bắc hiện nay vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, chưa gắn với bảo vệ môi trường cũng như chưa tạo được hệ thống tiêu thụ và thị trường ổn định.
NDĐT – Với lợi thế có nhiều hệ thống sông ngòi, diện tích hồ chứa khá lớn nên nghề nuôi cá lồng ở các tỉnh phía bắc đã và đang phát triển khá nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân ở các địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng ở khu vực phía bắc hiện nay vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, chưa gắn với bảo vệ môi trường cũng như chưa tạo được hệ thống tiêu thụ và thị trường ổn định.
Tiềm năng mặt nước lớn
Nhờ hệ thống sông lớn như sông Đà, sông Lô, Thái Bình… và các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Ba Bể, Đại Lải, Núi Cốc nên nghề nuôi cá lồng ở các tỉnh phía bắc phát triển khá mạnh. Đặc biệt với ưu điểm là dễ chăm sóc, nuôi mật độ cao, dễ thu hoạch, đầu tư ban đầu không cao, chi phí thức ăn thấp do tận dụng thức ăn sẵn có ở địa phương như lá, củ sắn, lá, hạt ngô băm nhỏ nên tổng chi phí thường không cao.
Qua khảo sát ở một số mô hình nuôi cho thấy lợi nhuận của mô hình nuôi cá lồng trung bình thu được từ 10 đến 45 triệu đồng/lồng/vụ. Hơn nữa, cá được nuôi trong môi trường nước lưu thông, hàm lượng oxy cao, nước sạch, thức ăn phù hợp nên lớn nhanh, cho chất lượng thịt tốt và được người tiêu dùng ưa thích.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các tỉnh miền bắc có tiềm năng diện tích có thể phát triển nuôi thủy sản lồng, bè là hơn 200.000 ha diện tích mặt nước. Tuy nhiên, các địa phương mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ so với tiềm năng diện tích mặt nước của sông và hồ chứa. Theo thống kê, tổng diện tích lồng nuôi cá ở các tỉnh miền bắc ước khoảng 300.530 m3, số lượng gần 5.000 lồng, với năng suất đạt hơn 2.000 tấn/năm. Trong đó, các tỉnh có số lồng nuôi nhiều như Hòa Bình, Hải Dương, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Cạn, Tuyên Quang…
Các đối tượng nuôi lồng chính chủ yếu là cá truyền thống như trắm cỏ, chép, rô phi và một vài đối tượng cá có giá trị kinh tế khác như cá tầm, diêu hồng, nheo, anh vũ…Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng trong năm năm trở lại đây, phong trào nuôi cá lồng phát triển rất mạnh với các đối tượng nuôi chính là cá rô phi, diêu hồng, chép V1, lăng, nheo. Năng suất đạt được từ 5 đến 7 tấn cá/lồng (108 m3) tại một số hộ nuôi trên sông Kinh Thầy (Hải Dương), sông Đuống (Bắc Ninh), sông Trà Lý (Thái Bình), sông Hồng (Hà Nam).
Nâng cao đời sống nhân dân
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, việc nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía bắc hiện nay đã dần chuyển sang sản xuất hàng hóa và đang từng bước trở thành một trong những nghề sản xuất chính mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chất lượng và giá trị của các sản phẩm nuôi trồng ngày càng cao, đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung của cả nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, hiện nay nghề nuôi cá lồng trên địa bàn đang phát triển khá nhanh. Năm 2009 số lồng nuôi cá chỉ đạt 950 lồng, đến tháng 9 năm 2013 số lồng nuôi cá đã là 1.200 lồng. Các đối tượng nuôi chủ yếu là trắm cỏ, trắm đen, rô phi, trê lai, nheo, ngạnh, chim trắng cũng như một số loại đặc sản như lăng, chiên, bỗng, tầm. Việc nuôi cá lồng chủ yếu tập trung ở các xã ven hồ và được nuôi chủ yếu theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.
Qua thống kê, sản lượng cá lồng của Hòa Bình trong những năm qua đã tăng lên khá nhanh từ 400 tấn năm 2010 lên khoảng 800 tấn năm 2013; giá trị kinh tế thu lợi từ nuôi cá lồng (thể tích trung bình là 30 m3) đạt khoảng 40 triệu đồng/lồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc Xa Văn Chính cho biết: “Hiện nay trên địa bàn có 910 ha diện tích mặt hồ, môi trường nước trong sạch, không bị ô nhiễm do mưa lũ hàng năm vì vậy rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cá lồng. Thời gian gần đây, số lồng cá được nuôi ở lòng hồ đã tăng lên rõ rệt từ 20 lồng năm 2011 phát triển lên 179 lồng năm 2013; thu nhập trừ chi phí đầu tư đạt khoảng 7 đến 10 triệu đồng/lồng. Có nghề nuôi cá lồng, đời sống của hộ dân vùng hồ cải thiện rõ rệt. Thu nhập từ nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản đã chiếm 20% tổng thu nhập của toàn xã”.
Từ lợi thế diện tích mặt nước dọc sông Đà, nguồn nước sạch, phù hợp với nhiều giống cá truyền thống, đặc sản được thị trường ưa chuộng, năm 2011 huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) triển khai nuôi thâm canh cá lồng tại một số hộ dân ở xã Xuân Lộc. Đến nay, toàn huyện có hơn 50 lồng nuôi cá trên sông và các hồ chứa, thu hoạch 6-8 tấn/ lồng trên mỗi chu kỳ nuôi từ 5-6 tháng. Đối với lồng nuôi trong hồ chứa cho năng suất 4-5 tấn/lồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Minh Chí ở khu 4 xã Bảo Yên (Thanh Thủy) đang nuôi 12 lồng cá. Anh Chí cho biết, để có một lồng cá, đầu tư vật liệu, công và mua giống khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thu được lại cao và không phải nơm nớp lo dịch bệnh cũng như thị trường tiêu thụ.
Gia đình anh Nguyễn Hoài Văn, khu 8, xã Xuân Lộc (Thanh Thủy) có 20 lồng nuôi cá trắm, rô phi, diêu hồng và cá lăng chấm, năng suất bình quân đạt khoảng 4 tấn/lồng. “Các sản phẩm được tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn quanh vùng. Trừ chi phí, mỗi lồng gia đình thu lãi gần 40 triệu cho một vụ cá khoảng 5-6 tháng”, anh Văn nói.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Tùng, hiện nay, trên địa bàn có 575 lồng cá, trong đó có 127 lồng nuôi thủy sản thâm canh theo kỹ thuật mới; sản lượng thủy sản từ hoạt động nuôi cá lồng năm 2013 đạt hơn 1.000 tấn. Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm khuyến khích người dân tham gia nuôi cá lồng. Phấn đấu đến cuối năm 2013 toàn tỉnh có khoảng 150 lồng nuôi thủy sản thâm canh theo kỹ thuật mới.
Nghề nuôi cá lồng nước chảy trên sông tại tỉnh Hải Dương mới phát triển vài năm nay nhưng bước đầu đã mang lại lợi ích rõ nét. Các mô hình nuôi cá giống mới ngày càng được mở rộng phát triển ở nhiều huyện trong tỉnh.
Nếu như năm 2010 có hai hộ thôn Trung Hà, xã Nam Tân (Nam Sách) nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy với quy mô 10 lồng, thì đến nay, tại Hải Dương đã có năm huyện, thị xã, thành phố phát triển nghề nuôi cá lồng với 540 lồng nuôi cá, năng suất bình quân là 7,6 tấn/lồng; sản lượng nuôi cá lồng năm 2012 đạt 3.677 tấn chiếm 6,3% tổng sản lượng cá nuôi toàn tỉnh.
Qua thống kê, mỗi lồng cá rô phi cho lãi gần 30 triệu đồng; diêu hồng khoảng 60 triệu đồng; trắm, chép giòn lãi 85 đến 96 triệu đồng. Với chi phí hơn 20 triệu đồng để lắp đặt hoàn thiện một lồng nuôi cá, nếu làm ăn thuận lợi thì chỉ sau nửa năm người nuôi cá lồng đã có thực lãi.
Nghề nuôi mang tính tự phát
Tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lồng ở các tỉnh phía bắc là rất lớn nhưng hiện nay các địa phương vẫn chưa khai thác hết. Mặc dù năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiệm thu quy hoạch phát triển nghề cá hồ chứa đến năm 2020. Đây là căn cứ để các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án nuôi cá lồng, bè trên sông, suối, hồ chứa.
Trên thực tế một số địa phương đã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, trong đó quan tâm tới nuôi lồng bè nhưng cơ quan chuyên môn không chủ động tham mưu đề xuất để UBND các tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện các dự án nuôi cá lồng bè tập trung, các mô hình trình diễn, cơ chế khuyến khích phát triển dẫn đến quy hoạch không được thực hiện.
Bên cạnh đó, nghề nuôi cá lồng vẫn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, phát triển sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường, mùa mưa lũ dễ gặp rủi ro nên không bền vững. Hơn nữa, việc phát triển nghề nuôi cá lồng chưa thành vùng chuyên canh tập trung nên việc tạo được hệ thống tiêu thụ và thị trường ổn định gặp khó khăn.
Nhiều vùng hồ rộng lớn chủ yếu chỉ khai thác tự nhiên chưa được tổ chức thành nghề nuôi cá hồ và có sự hỗ trợ đầu tư cũng như quản lý của Nhà nước để hình thành các vùng nuôi cá bè hàng hóa tập trung và các dịch vụ kèm theo. Đối với một số đối tượng nuôi mới, thủy đặc sản bản địa có giá trị cao, hiện chưa chủ động được công nghệ sản xuất giống nhân tạo.
Khu vực trung du miền núi phía bắc người dân phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ thuật nuôi cá lồng bè còn nhiều hạn chế, vật liệu làm lồng chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có như tre, nứa, gỗ… không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật. Người dân nuôi cá truyền thống vẫn theo hình thức thả cá, thiếu sự chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh nên sản lượng cá nuôi năng suất chưa cao. Trung bình các đối tượng nuôi lồng chỉ đạt năng suất 7 kg/m3.
Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, phấn đấu đến năm 2014 nuôi cá lồng bè cả nước sẽ đạt khoảng 14.000 ha, sản lượng đạt 300.000 tấn. Để làm được điều đó, các địa phương cần thực hiện các dự án nuôi cá lồng bè tập trung, các mô hình trình diễn, có cơ chế khuyến khích phát triển để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, cá nước lạnh ở vùng có điều kiện khó khăn và nghề cá hồ chứa. Bên cạnh đó cần xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ, chi hội nuôi thủy sản; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ; quản lý chặt các hoạt động về cung ứng giống, thức ăn, xử lý dịch bệnh, chú trọng bảo vệ môi trường nước; tiếp tục rà soát và ban hành chính sách hỗ trợ nghề nuôi cá lồng, nhất là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm với các cơ sở nuôi, tạo vùng cung ổn định và bảo đảm an toàn thực phẩm…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()