Nghề nuôi cá bè trên sông Hậu
Về Châu Ðốc, nơi đầu nguồn dòng Cửu Long, hình ảnh những chiếc bè nối nhau hình thành làng bè nổi vô cùng độc đáo. Và nơi ấy cũng khởi nguồn của nghề nuôi cá ba sa nức tiếng một thời. Dẫu ngày nay chỉ còn lại hư danh và nghề nuôi cá cũng chìm nổi như dòng nước sông Hậu hai mùa lên xuống. Nhưng, làng bè vẫn còn đó, với bao khắc khoải hoài niệm về một thuở khai phá nghề nuôi cá ba sa tạo nên thương hiệu cá Việt.
Về Châu Ðốc, nơi đầu nguồn dòng Cửu Long, hình ảnh những chiếc bè nối nhau hình thành làng bè nổi vô cùng độc đáo. Và nơi ấy cũng khởi nguồn của nghề nuôi cá ba sa nức tiếng một thời. Dẫu ngày nay chỉ còn lại hư danh và nghề nuôi cá cũng chìm nổi như dòng nước sông Hậu hai mùa lên xuống. Nhưng, làng bè vẫn còn đó, với bao khắc khoải hoài niệm về một thuở khai phá nghề nuôi cá ba sa tạo nên thương hiệu cá Việt.
Chẳng ai biết đích xác làng bè trên sông Hậu ra đời từ khi nào, người bảo từ thời kháng chiến chống Mỹ, người đinh ninh lúc đất nước giải phóng…, dẫu nó ra đời từ khi nào thì chắc chắn một điều, ngày nay, làng bè trên sông Hậu (Châu Ðốc, An Giang) không chỉ là nghề nuôi cá truyền thống nuôi sống bao thế hệ bà con làng bè, mà đây đã là một “thương hiệu”, một thắng cảnh độc đáo thu hút du khách đến với miền tây và đời sống làng bè cũng trở thành nét độc đáo trong sinh hoạt, văn hóa của người dân Nam Bộ.
Những người mở đầu cho việc nuôi cá ba sa làng bè sông Hậu có thể nhắc đến như: Hai Bưởi, Bảy Nhựt, Tám Ðiểm, Chín Oanh, Út Giỏi, Út Lít, Út Nhàn, Hai Bé, Tám Châu, Năm Mến, Thiệt mập, Ba Dân… Nghe chuyện về những ngày đầu nuôi cá ba sa, Hai Thái (Huỳnh Văn Minh, thế hệ thứ hai trên làng bè), trầm tư: “Giăng câu, giăng lưới mãi cuộc sống càng cơ cực, mấy chú trong làng nghĩ chuyện sao mình không thử nuôi con cá bán sang chợ Châu Ðốc chừng đỡ cực hơn. Ðược cái lúc sống trên đất bạn, anh em đều biết con cá ba sa có nguồn gốc từ Biển Hồ, thịt ngon. Vậy là mấy chú như chú Út Nhàn, Tám Châu… ngược sông lên đất bạn mua con giống ba sa tự nhiên về chia anh em nuôi. Một hộ rồi nhiều hộ cũng bắt đầu nuôi theo.
Theo anh Hai Thái, chiếc bè đầu tiên vùng này được đóng khoảng năm 1975, 1976, người đầu tiên đóng bè phải kể đến ông Chín Ðậm. Chiếc bè của ông Chín Ðậm được đóng nên từ việc ghép nhiều bè tre lại. Ðáy bè sâu hơn hai mét, vừa bảo đảm con cá hứng được nước chảy mà giảm tỷ lệ hao hụt cộng với nuôi được nhiều cá hơn. Học hỏi Chín Ðậm, anh em làng bè bắt đầu đóng nhiều bè hơn, cây đóng cũng được nâng chất lượng bằng những loại cây tốt như căm xe, cà chất, mun, thao lao… Rồi bà con bắt đầu dùng tấm cám trộn với ốc, cá con cho cá ăn dặm, thêm vào phần thảo dược, đất sét trị bệnh, cá lớn nhanh.
Những vụ cá ba sa đầu tiên trúng đậm, dân làng bè đem cá bán ở chợ Châu Ðốc được giá, nhờ cá có người mua được cả mấy trăm cây vàng. Nhà nhà phất lên, con cá ba sa từ dạo ấy trở thành nguồn nuôi sống dân làng bè. Những thế hệ con em làng bè bắt đầu đến trường, làng bè trở nên sung túc. Những tỷ phú trên sông đã xuất hiện. Câu cửa miệng “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” thật chính xác khi nhắc về những tỷ phú làng bè thuở ấy.
Cá ba sa bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi nguồn cá giống được lai tạo thành công, làng bè từ chỗ vài trăm chiếc nay tăng lên hàng nghìn chiếc. Con cá ba sa bấy giờ không chỉ bán ở chợ mà bắt đầu được chế biến xuất khẩu, nghề nuôi cá bè càng có dịp phất lên gấp bội. Vậy là nghề nuôi cá ba sa bắt đầu trở thành nghề “hót” nhất vùng đất An Giang. Từ ngã ba sông Châu Ðốc, những chiếc bè nối nhau lên tận biên giới Cam-pu-chia, chạy xuống Long Xuyên. Trong vòng khoảng mười năm từ 1990 đến 2000, chỉ riêng khu vực làng bè ngã ba sông Hậu đã có hơn bốn nghìn chiếc. Kín một dòng sông bè với bè, những đại gia bè cá với ô-tô đắt tiền, những thương hồ quanh năm ngụp lặn cùng dòng sông, con cá ngày nào bỗng chốc thành những đại gia bè cá.
Thế nhưng, cái quy luật tự nhiên không thể tránh “bạo phát, bạo tàn”, cái gì phát nhanh quá mà không có sự định hướng bài bản thì cũng sớm tàn lụi, con cá ba sa cũng không thoát khỏi quy luật ấy. Từ những năm 70, 80, 90 của thế kỷ 20, con cá vẫn phát triển tốt là do người nuôi ít, chủ yếu là dân làng bè, sống quen sông nước, biết ý, biết tính loại cá này. Trong khi đó, nhiều người ở trên bờ thấy nuôi cá ba sa dễ ăn liền lao xuống bỏ cả “núi” tiền đóng bè ồ ạt. Nguồn nước ô nhiễm, cá chết do dịch bệnh, cá ba sa không đủ xuất khẩu, con cá tra thế ngôi… dần dà nghề bè cũng dần tàn lụi.
Nhớ lại thời điểm ấy, Hai Thái kể: “Sau liên tục bốn đến năm năm cá ba sa, cá tra phất thì đến năm 1996, bà con làng bè bị lỗ nặng do cá ba sa không tiêu thụ hết. Tới vụ cá tra năm 2000, cả làng bị nhà máy chế biến ép giá, cá tồn đọng mấy chục nghìn tấn. Chủ bè tụi tôi đứng ngồi không yên, lúc xuống Long Xuyên, bữa qua Ðồng Tháp kêu doanh nghiệp đến mua. Mình là chủ bè mà bán cá như năn nỉ, họ mua với giá rất thấp, từ mười mấy nghìn đồng một ký, giờ xuống năm, bảy nghìn đồng cũng chấp nhận, tiền thì năm thì mười họa mới nhận xong. Vậy mà nhà bè nào cũng buộc phải bán ráo miễn sao gỡ được vốn không thì cá quá lứa chỉ biết cân chợ, bán làm khô”. Liên tục ba năm từ 2000 đến 2003, làng bè gánh hàng loạt vụ mùa rớt giá. Những đại gia làng bè ngày nào thật sự bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần. Hàng loạt nhà bè bị ngân hàng phát mãi tài sản, nhiều chủ bè bỗng chốc tán gia bại sản, chỉ số ít trong đó còn bám víu nghề cá nhờ nhanh chóng chuyển nuôi cá từ bè sang hầm. Làng cá bè bắt đầu thời kỳ thoái trào.
Người bán bè xẻ gỗ, người bị ngân hàng phát mãi, kẻ bỏ trốn biệt xứ, người nào cố lắm thì vớt vát bán bè lên bờ đào ao nuôi gỡ chút đỉnh. Sau thời điểm khó khăn đó, làng bè giảm sút số lượng nghiêm trọng từ hơn 4.000 chiếc xuống chưa đầy 2.000. Gia đình Hai Thái là một trong những hộ giờ đây vẫn còn bám làng, anh kể: “Lúc đó, gia đình mình cũng không nằm ngoài quy luật. Nhà nhà, bè bè suy sụp, ba tôi mấy độ cũng có dự định bỏ bè lên bờ tìm kế khác sinh nhai. Nhưng âu cũng do cái duyên, cái phận, sau nhiều tháng trằn trọc với con cá ba sa, rồi cá tra gây dựng bao phen lại đến hồi thoái trào nhanh thế, ba tôi quyết đánh liều, ông hỏi tôi: “Theo ba nghĩ, con cá ba sa ngày trước sống được với làng bè mình cũng nhờ bán chợ, vậy vì sao mình không thử nuôi mấy loại cá nước ngọt khác?”. Vậy là ba tôi cho thợ đóng, chỉnh cái bè nhỏ nuôi lứa cá lóc đồng, cá bông. Vận dụng kỹ thuật nuôi cá ba sa bấy lâu nay cùng với học hỏi kinh nghiệm của kỹ sư, báo chí, lứa cá đầu tiên thành công. Một hướng mới đã đến với làng bè”. Tiếp nối cha con Út Lít, Hai Thái, nhiều nhà bè còn lại cũng chuyển dần sang con cá mè dinh, cá diêu hồng, cá heo nước ngọt… và bám trụ lại với làng đến ngày nay.
Trên chiếc ghe đưa tôi rà dọc làng bè, trời chiều sông Hậu, nước sông bắt đầu dậy sóng, làng bè dập dềnh trên sóng nước như sự chìm nổi của loài cá ba sa tạo dựng nên làng. Ngồi trên thuyền, hướng mắt nhìn tượng đài đôi cá ba sa sừng sững tôi cũng mong thầm, một ngày, một ngày không xa con cá ba sa sẽ trở lại ngày hưng thịnh và làng bè sông Hậu sẽ mãi tồn tại như nét đặc trưng văn hóa, biểu tượng của đất và người An Giang.
Theo Nhandan
Ý kiến ()