Nghệ nhân ưu tú nặng lòng với di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
– Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong số lớp lớp các nghệ nhân đang từng ngày miệt mài bảo tồn, phát huy tín ngưỡng này, không thể không nhắc đến nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Thìn Thu Hương, sinh năm 1960, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đã miệt mài bảo tồn, phát huy trong suốt 35 năm qua.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Xứ Lạng, nơi chứa đựng nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá và là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu miền Bắc, ngay từ khi còn trẻ, NNƯT Thìn Thu Hương đã có tình yêu đặc biệt với loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
NNƯT Thìn Thu Hương diễn xướng giá Cô bé Thượng Ngàn
Bà Hương cho biết: Lúc nhỏ, tôi rất thích theo gia đình đi lễ đền, chùa và xem trình diễn hầu đồng. Năm 1988, khi đó 28 tuổi, tôi được thầy Nguyễn Thị Tỵ (sinh năm 1902), thủ nhang đền Kỳ Cùng truyền dạy thực hành nghi lễ chầu văn, những lề lối cổ trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, thầy Tỵ đã dạy cho tôi quy trình của một giá hầu, cách chuẩn bị trang phục, động tác diễn xướng…
Sau khi được thầy truyền dạy, bà Hương nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc để phù hợp với bản thân, từ đó thực hành thành thạo các nguyên tắc, động tác kỹ thuật, nội dung của nghi lễ hầu đồng, các bài văn tế trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, để thực hành tín ngưỡng đúng chuẩn mực, lề lối, bà Hương đã gặp gỡ, học hỏi thêm các nghệ nhân cao tuổi đi trước, tìm đọc các tài liệu lịch sử, công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu của các nhà khoa học từ đó chắt lọc những nghi thức, nghi lễ và giá trị chuẩn của tín ngưỡng này. Mỗi lần thực hành nghi lễ, bà luôn chỉn chu từ trang phục, cung văn, thực hành mỗi giá đồng đảm bảo tôn nghiêm, thể hiện được tinh thần cốt lõi của tín ngưỡng, sự hoan hỉ, tôn vinh đấng sinh thành…
Kể từ năm 1988 đến nay, bà Hương thường xuyên tham gia diễn xướng, mở phủ, thực hiện các nghi lễ, nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu tại các cơ sở thờ tự (những nơi có ban thờ Mẫu) ở trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, bà còn tham gia nhiều liên hoan, hội diễn liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu ở trong và ngoài nước như: liên hoan diễn xướng chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng các năm 2017, 2018, 2019; trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam trong chương trình giao lưu nhân dân Việt Nam – Myanmar năm 2018… Đồng thời, bà còn cung cấp các thông tin, hình ảnh liên quan cho các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung ương, địa phương để phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền quảng bá về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Song song với việc trực tiếp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, bà Hương thường xuyên tham gia truyền dạy, hướng dẫn thực hành nghi lễ, quy trình diễn xướng hầu đồng cho 40 đệ tử trong và ngoài tỉnh như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định… Bà Trần Thị Nhuần, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Bà Hương là người tâm huyết trong việc gìn giữ và phát huy diễn xướng nghi lễ chầu văn trong tín ngưỡng thờ đạo Mẫu. Tôi đã được nghệ nhân Thìn Thu Hương truyền dạy đầy đủ các nghi thức, lề lối thực hành hầu đồng, đến nay tôi đã có 22 năm bảo tồn tín ngưỡng này.
Vì đam mê với di sản văn hóa truyền thống, bà Hương còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, phục vụ các sự kiện văn hóa – chính trị của tỉnh cũng như hoạt động giao lưu, đối ngoại giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Hiện nay, bà là hội viên Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, Hội Di sản văn hóa tỉnh.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh cho biết: Nghi lễ chầu văn là hoạt động không thể thiếu của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lạng Sơn. Nghệ nhân Thìn Thu Hương là một trong số những người nắm và thực hành thuần thục các lề lối cổ của nghi lễ hầu đồng. Bà là người có tấm lòng và tâm huyết với nghi lễ chầu văn cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra, bà còn là hội viên tích cực của Hội Di sản văn hóa Lạng Sơn trong việc diễn xướng, quảng bá tín ngưỡng này đến đông đảo nhân dân.
Với những đóng góp đó, nghệ nhân Thìn Thu Hương đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tháng 9/2022, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT ở loại hình “tập quán xã hội và tín ngưỡng” do có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của Việt Nam, một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Tín ngưỡng này tôn thờ hơn 50 vị thánh khác nhau, trong đó, tiêu biểu nhất là Mẫu Liễu Hạnh với đặc trưng là nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn. |
Ý kiến ()