Nghệ nhân tâm huyết với nghi lễ chầu văn
(LSO) – Đó là nghệ nhân Tạ Thị Bích Lộc, sinh năm 1945, trú tại khối Văn Miếu, phường Chi Lăng, thủ nhang đền Cửa Đông. Với 41 năm thực hành và truyền dạy diễn xướng nghi lễ chầu văn (hầu đồng), bà được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT) vì có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghi lễ chầu văn.
Bà Lộc chia sẻ: “Lúc nhỏ, tôi rất thích theo mẹ đi lễ đền, chùa và xem trình diễn hầu đồng. Năm 1978, tôi được thầy Nguyễn Thị Tỵ (sinh năm 1902) thủ nhang đền Kỳ Cùng truyền dạy thực hành nghi lễ chầu văn tại Tổ Sơn Phúc Thịnh Linh Điện – phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn”.
Nghệ nhân ưu tú Tạ Thị Bích Lộc thực hành giá Quan lớn đệ Tam tại đền Cửa Đông
Sau khi đã thực hành thành thạo các nguyên tắc, động tác kỹ thuật, nội dung các bài hát chầu văn, từ năm 1990 đến nay, bà Lộc thường xuyên tham gia diễn xướng, mở phủ, thực hiện các nghi lễ, nghi thức trong một năm theo quy định của tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 1995, được chính quyền địa phương và các ngành chức năng cho phép, bà cùng gia đình phát tâm công đức, sự đóng góp của các con nhang đệ tử và du khách thập phương hưng công, đầu tư trùng tu, tôn tạo đền Cửa Đông. Năm 2002, đền Cửa Đông được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đến năm 2013 được xếp hạng di tích Quốc gia.
Ông Nguyễn Hải Thanh, Thủ nhang đền Cô bé Thượng Ngàn, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn – người được bà Lộc truyền dạy nghi lễ chầu văn, chia sẻ: “Bà Lộc là người đi đầu trong việc gìn giữ và phát huy diễn xướng nghi lễ chầu văn trong tín ngưỡng thờ đạo Mẫu. Tôi rất may mắn được bà truyền dạy”.
Bên cạnh việc trực tiếp thực hành các khóa lễ tại nhiều đền, phủ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Lào Cai, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang…, bà Lộc tham gia nhiều liên hoan, hội diễn liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu trong và ngoài nước như: liên hoan hát chầu văn năm 2017 của Cục Văn hóa cơ sở; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái năm 2017; liên hoan nghi lễ chầu văn tỉnh Lạng Sơn các năm: 2016, 2017 và 2018; Liên hoan giao lưu Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc),…
Bà Lộc còn tổ chức truyền nghề cho 116 đệ tử, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy di sản nghi lễ chầu văn và tín ngưỡng thờ Mẫu. Hiện nay, bà Lộc là Phó Chủ tịch Hội bảo tồn văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam; hội viên Hội Bảo tồn văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Lạng Sơn.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn nhận xét: “Nghi lễ chầu văn là hoạt động không thể thiếu của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lạng Sơn. Nghệ nhân Tạ Thị Bích Lộc là người có tấm lòng và tâm huyết với nghi lễ chầu văn cổ truyền của dân tộc. Hiện nay, bà Lộc là một trong số những người thực hành nghi lễ chầu văn nắm được các lề lối cổ”.
Tháng 11/2015, bà Tạ Thị Bích Lộc vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “tập quán xã hội và tín ngưỡng” do có nhiều công lao trong việc thực hành, phát huy và truyền dạy di sản nghi lễ chầu văn. Mong rằng trong thời gian tới, bằng sự tâm huyết của mình, bà sẽ tiếp tục góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn và tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()