Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt và lễ then Tiểu án mùa xuân
– Xuân Quý Mão 2023, Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt (thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia) bước vào tuổi 102 với trên 80 năm thực hành then tín ngưỡng. Tuổi đã cao, song cụ vẫn luôn duy trì thực hiện 4 lễ then hằng năm, trong đó có lễ then “Tiểu án mùa xuân” (hay còn gọi là “Cáo lẩu mùa xuân”, “Bứt lẩu bươn chiêng”, “Lẩu bjóc”). “Tiểu án mùa xuân” là lễ then được những thầy then trên địa bàn tỉnh thực hiện tại tư gia vào tháng Giêng hoặc tháng Hai âm lịch. Lễ then được thực hiện nhằm dâng hương, hoa cho các vị quan, tướng, phật… với mong muốn cầu an, cầu phúc cho gia đình, làng xóm và cho các con hương, con ký (con nuôi) vào đầu xuân năm mới.
Ngay sau Tết Nguyên đán, Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt đã lựa chọn ngày tốt trong tháng Giêng để thực hiện lễ then Tiểu án mùa xuân (năm nay cụ chọn tổ chức vào ngày 29 tháng Giêng). Khi bắt đầu hành lễ, nghệ nhân sẽ thỉnh 3 hồi chuông để báo hiệu và xin phép, mời các quan thầy quan tướng xuống làm lễ (gọi là sỉnh tổ sư), đồng thời trình bày lý do tổ chức lễ then.
Những người đến nghe lễ then Tiểu án mùa xuân thường mang theo những "cộ én" để tặng cho thầy then. "Cộ én" là những dây treo gồm rất nhiều những con chim én được gấp bằng giấy, xâu chuỗi thành nhiều tầng. Khi thực hiện lễ, "cộ én" được treo ngay trước bàn thờ của nhà then và được coi như lễ vật quý. Theo quan niệm, chim én là linh vật trong then, báo hiệu cho mùa xuân và điềm lành, những chú chim én còn được coi là cầu nối trong then tín ngưỡng, én bay để báo tin cho các quan, tướng về việc nhà then tổ chức lễ then
Điểm đặc biệt của lễ then Tiểu án mùa xuân so với các Tiểu án khác đó là nhất thiết trên bàn thờ khi hành lễ phải có hoa (thường là bjóc khảo quang, bjóc rầm...), bởi vậy lễ then Tiểu án mùa xuân còn được gọi là "Lẩu bjóc" - bjóc là hoa. Hoa được hái vào sáng sớm ngày tổ chức lễ then và bó thành 2 bó nhỏ, treo ở 2 bên bàn thờ. Loại hoa thường được Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt sử dụng trong lễ then là "bjóc rầm" (một loại hoa rừng có bông trắng li ti), tuy nhiên do yếu tố thời tiết, nếu như loại hoa này chưa nở thì sẽ thay bằng những loại hoa khác nhưng đó phải là loại hoa mọc tự nhiên trên đồi, rừng.
Lễ then Tiểu án mùa xuân có thời gian hành lễ liên tục trong 9 - 10 tiếng. Trong đó, thầy then sẽ đi qua 9 cửa với khoảng 30 cung để cầu phúc, cầu an. Tương ứng với mỗi cửa sẽ có một vị quan, tướng; trên đường đến mỗi cửa lại phải đi qua nhiều cung khác nhau. Với hành trình then dài như vậy, thông thường khi thực hiện lễ then Tiểu án mùa xuân, các thầy then khác thường đến nhà then để hỗ trợ nhau đi qua các cung, cửa. Tùy vào số lượng thầy then đến hỗ trợ mà thời gian hành lễ sẽ được rút ngắn. Năm nay, có 4 học trò thuộc các đời cháu, chắt của Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt cùng tham gia hành lễ. Nhờ đó, chỉ trong 5 tiếng lễ then đã hoàn thành.
Trong quá trình hành lễ, cùng với đàn tính, Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt sử dụng các "phương tiện" như quạt, soóc mạ hỗ trợ để vào các cung, cửa khác nhau. Khi vào các cung, cửa trong hành trình của lễ then, nghệ nhân và các thầy then sẽ có lời thỉnh cầu các quan tướng, đức phật ở từng cung, cửa phù hộ cho mọi người được bình an, phúc lộc qua những câu hát của mình.
Soóc mạ là phần không thể thiếu trong nghi lễ then. Mạ có nghĩa là ngựa, được làm bằng kim loại (đồng, bạc, thiếc hoặc nhôm) với những vòng khuyên tròn đều, được móc vào nhau thành từng dây, sau đó dùng một móc to có treo những quả chuông bé để xâu các dây lại. Theo đó, những người phục vụ lễ then (hoặc có những cung cửa phải là các thầy then cầm soóc mạ) sẽ cầm mạ rung theo nhịp của đàn tính, tượng trưng cho việc điều khiển ngựa của binh đoàn then đi trên đường. Tiếng soóc khi thì khoan thai chậm rãi (nhịp nặng - nhẹ, đi bước kiệu), khi thì dồn dập (nhịp nhanh - đều, phi mã) như tiếng vó ngựa qua các cung, cửa khác nhau.
Sau khi đi qua hết các cung, cửa, đoàn then kết thúc hành trình và trở về nhà then (hồi binh). Lúc này, Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt sẽ gảy đàn cho đội chầu múa để thể hiện sự mừng vui khi hành trình của lễ then hoàn tất. Những người đến nghe then nếu biết múa cũng có thể cùng tham gia múa chầu.
Sau phần múa chầu tướng, các thầy then là học trò của Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt sẽ hỗ trợ cụ thực hiện nghi lễ cuối cùng trong lễ then Tiểu án mùa xuân đó là "Khao lẩu", có nghĩa là mở tiệc để dâng rượu, lễ vật (gà luộc, bánh kẹo, hoa quả...) và hóa vàng để cảm tạ các quan tướng. Lễ then Tiểu án mùa xuân là một trong những lễ then mang đậm bản sắc, tín ngưỡng của người dân tộc Tày, thể hiện khát vọng của các thầy then về một mùa xuân mới mang đến sức khỏe, bình an cho mọi người. Trải qua bao năm, nghi lễ này vẫn được những người thực hành tín ngưỡng then bảo tồn, gìn giữ và phát huy trên địa bàn tỉnh trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ý kiến ()