Thứ 2, 10/02/2025 08:54 [(GMT +7)]
Nghề mới trong mùa tuyển sinh năm nay
Thứ 6, 04/03/2011 | 08:45:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Ngày 9/2/2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 204/QĐ-UBND về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án số 32/2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2011-2020.
Sinh viên Trường cao đẳng Y tế Lạng Sơn thực hành dược |
Cần có sự hiểu đúng về một nghề mới
Từ khi có Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH) nhiều học sinh phổ thông đã có ý tìm hiểu về nghề này. Song do nhiều luồng thông tin khác nhau, nên họ vẫn phân vân giữa việc lựa chọn các ngành nghề mang tính “truyền thống” với các nghề mới, trong đó có ngành CTXH. Và câu hỏi chung là: Công tác xã hội là gì, học ở đâu, “đầu vào” có khó không và khi ra trường làm việc gì, có dễ xin việc không…? Theo định nghĩa của Hiệp hội QG nhân viên xã hội Mỹ (NASW), thì CTXH là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Một định nghĩa khác: Nghề CTXH nhằm thúc đẩy sự tiến bộ XH, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống XH, CTXH tương tác vào điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng XH là các nguyên tắc căn bản của nghề. Mới đọc các định nghĩa, học sinh phổ thông trước “ngưỡng cửa cuộc đời” khó có thể tưởng tượng, song đây là nghề vô cùng sôi động, vì là nghề luôn giao tiếp với những người, hoặc nhóm người đặc biệt trong xã hội; trợ giúp họ và cộng đồng đối phó với những khó khăn trong cuộc sống, góp phần cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Với đặc điểm của một đất nước hứng chịu nhiều hậu quả của chiến tranh lại phải thường xuyên đối phó với thiên tai thảm họa… chúng ta rất cần những con người làm CTXH. Theo thống kê, cả nước có 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; ngoài ra còn có 7,5 triệu người cao tuổi và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ cấp, trợ giúp. Bên cạnh đó, các vấn đề nảy sinh do mặt trái của cơ chế thị trường tác động như các TNXH, đại dịch HIV/AIDS; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các vấn đề phát sinh trong các nhóm gia đình tại các thành phố cũng như làng quê chịu ảnh hưởng trong quá trình CNH-HĐH…Đó là đối tượng cần trợ giúp của những người làm CTXH.
Cân nhắc giữa sở thích và khả năng
Trong cơ chế thị trường, sự “thực dụng” của thanh niên trong lựa chọn nghề nghiệp để mong muốn có được việc làm và thu nhập ổn định đã trở thành chuyện “tất nhiên”. Lời khuyên “Nhất Y, nhì Dược …” đến nay vẫn rất bổ ích cho sự lựa chọn. Ngành y, dược vẫn là ngành rất hấp dẫn; song yêu cầu “đầu vào” rất cao. Hằng năm, số học sinh Lạng Sơn thi đỗ vào các trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngành sư phạm đang ở vào thời điểm “bão hòa”; một số ngành khác thì “đầu ra” khá “hẹp”. Vì vậy, cùng với nhiều ngành mới, ngành LĐXH đang rất rộng mở với học sinh tốt nghiệp lớp 12 của tỉnh ta. Tuy nhiên, ngành CTXH cần những người có khả năng giao tiếp tốt, hiểu và đồng cảm với số phận con người, có tính kiên nhẫn. Vì đối tượng của những người làm CTXH đa số là những người “lệch chuẩn”, là nhóm người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Đúng như tên gọi của ngành, người làm nghề này không chỉ bó hẹp trong giờ hành chính, mà cần nhiều thời gian đến với cộng đồng, đến với từng số phận, chia sẻ và giúp đỡ họ. Khi học ngành này, người học sẽ được trang bị các kiến thức về CTXH với cá nhân, nhóm, tổ chức và phát triển cộng đồng. Những vấn đề XH và an sinh XH, quản trị ngành CTXH, chính sách XH, xây dựng và quản lý dự án XH… Bộ Nội vụ đã ban hành các chức danh, mã số ngạch viên chức CTXH, bao gồm 3 chức danh như: CTXH viên chính (mã số 24.291), CTXH viên (mã số 24.292) và nhân viên CTXH (mã số 24.293).
Đã vào mùa tuyển sinh, các nhà trường, thầy cô giáo, các tổ chức đoàn thanh niên, Hội LHTN cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn học sinh lớp 12 có đủ những hiểu biết cần thiết về một nghề mới. Giúp họ suy nghĩ về yêu cầu của nghề, khối thi, các môn thi, các trường đào tạo và khả năng xin việc sau khi ra trường.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()