Nghề làm hương truyền thống - giữ gìn bản sắc xứ Lạng
LSO-Nhắc đến Lạng Sơn là nhắc đến những nghề thủ công nổi tiếng như: nấu rượu, dệt thổ cẩm, làm ngói âm dương hay làm cao khô. Đặc biệt, trong số đó, không thể không kể đến nghề làm hương– một nghề đặc biệt đã và đang được bao thế hệ phụ nữ Nùng, Tày xứ Lạng gìn giữ, phát huy.
Người dân thôn Nà Phiêng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định làm hương |
Bà Đàm Thị Khao, thôn Nà Phiêng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Nghề làm hương của thôn tôi có tự rất lâu rồi. Hiện nay, trong thôn có 54 hộ thì cả 54 hộ đều làm hương. Ưu điểm lớn nhất của nghề này là nguồn nguyên liệu tự nhiên. Tận dụng vỏ và thân cây gỗ thông, gỗ sau sau hoai mục kết hợp cùng lá cây ba hắt, phơi, nghiền thành bột để tạo nên. Chính vì vậy, hương khi thắp lên có mùi thơm dịu nhẹ, ngọt ngào và an toàn tuyệt đối với người sử dụng, bởi không có thêm bất cứ một thứ hóa chất nào.
Lạng Sơn với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nguyên liệu làm hương tương đối dồi dào, nên hiện nay nghề hương được bà con làm rải rác ở trong thành phố và tất cả các huyện trong tỉnh. Trong đó, tập trung nhiều nhất hình thành các làng làm hương quanh năm phải kể đến thôn Nà Phiêng, thôn Pác Cam, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định; thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; khối 6,7,8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn… Nét chung nhất của nghề làm hương ở đây là các công đoạn đều làm bằng phương pháp thủ công truyền thống từ khâu chẻ tre, nghiền lá đến tạo nén… Tuy nhiên, để hương có mùi thơm chuẩn nhất, theo những thợ ở đây cho biết, quan trọng nhất chính là công thức pha bột lá ba hắt và bột của vỏ hay thân cây làm hương. Bởi nếu pha trộn tỷ lệ bột không đều nén hương sẽ không dính, không thành hoặc thành nhưng không có mùi thơm đặc trưng của lá. Sau 4 lần lăn bột, những nén hương được tạo thành với nét to, đều, tròn chặn… Vì vậy, những nén hương được làm theo phương pháp thủ công truyền thống được nhiều khách hàng lựa chọn. Ví như các gia đình đồng bào dân tộc ngày làm lễ, làm then hay tết, đa phần bà con đều lựa chọn hương làm thủ công trong tỉnh.
Bà Hoàng Thị Viền, thôn Bắc Nga, xã Gia Cát có hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề hương cho biết: Hằng năm, sau mỗi vụ mùa nông nhàn tôi lại tranh thủ làm hương. Những tháng gần tết làm hương đem lại nguồn thu cao hơn. Bởi nếu những ngày thường trong năm thì 5 ngày, tôi mới đi 1 phiên chợ, nhưng tháng tết âm lịch này thì 5 ngày phải đi được 3 đến 4 phiên chợ mà nhiều khi vẫn không có đủ hàng bán. Bình quân tháng tết mỗi ngày, tôi bán được từ 1 đến 1,2 triệu đồng tiền hương cả bán lẻ và giao buôn. Trừ chi phí cũng được khoảng 300 – 400 nghìn đồng. Trước đây, khách hàng mua ít hơn, vài năm trở lại đây, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao nên hương được làm nhiều hơn và làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghề thủ công, UBND tỉnh luôn quan tâm và dành những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (khuyến công) trong đó có nghề làm hương. Tuy nhiên, để mở rộng và phát triển hơn nữa nghề truyền thống này, chính quyền địa phương nơi có nghề cần định hướng, hướng dẫn bà con khâu tổ chức liên kết, cải tiến phương thức sản xuất, có thể nghiên cứu sử dụng máy móc hỗ trợ để nâng cao năng suất lao động, cải tiến công thức làm, từ đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm hiện có trên thị trường, phát huy hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của một nghề thủ công truyền thống vốn mang những nét đặc trưng, đặc sắc riêng như nghề làm hương xứ Lạng.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()