tle=” Nghề khai thác cá ngừ đại dương”> Được mùa cá ngừ, nhưng ngư dân Phú Yên không vui do đầu ra không ổn định. Từ lâu, ngành thủy sản đã xác định cá ngừ đại dương là sản phẩm chủ lực trong phát triển nghề khai thác cá xa bờ và cũng là sản phẩm xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển nghề khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, còn nhiều việc phải làm.
Đón khách ở phương xa về, người dân các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thường thết đãi đặc sản cá ngừ đại dương (cá ngừ), vừa thơm ngon, lại vừa bổ dưỡng. Món cá ngừ sống cuốn cải xanh, gừng tươi, lá tía tô; chấm mù tạt, tương đen… đã để lại trong nhiều thực khách ấn tượng khó quên.
Từ nhiều năm nay, cá ngừ là một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng. Năm 2011, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ cả nước đạt 379 triệu USD, tăng 29% so với năm trước và chiếm 6,3% trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Dự báo, các con số nói trên sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012.
Để sản phẩm cá ngừ Việt Nam trở thành một thương hiệu mạnh, có vị thế trên thị trường thế giới và có hướng phát triển bền vững, có rất nhiều vấn đề cần được tập trung giải quyết, từ các khâu đánh bắt cho tới bảo quản, xuất khẩu cũng như xây dựng, bảo vệ thương hiệu…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam Võ Thiên Lăng cho biết, toàn quốc hiện có hơn 1.800 tàu câu cá ngừ đại dương, được chia thành hai nhóm. Nhóm đánh bắt hiện đại của các doanh nghiệp, với các tàu cá có công suất từ 200 đến 750 CV. Nhóm còn lại của ngư dân, tập trung ở ba tỉnh Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa, chủ yếu là tàu vỏ gỗ, công suất từ 90 đến 350 CV. Các tàu hiện đại có nhiều ưu thế trong việc xác định vị trí đàn cá; cá câu ở mực nước sâu, bảo quản tốt nên chất lượng bảo đảm, thời gian hoạt động trên biển dài, tiết kiệm được chi phí đi lại… Trong khi đó, tàu ngư dân nhỏ, trang thiết bị như máy thu câu, định vị, máy dò, thông tin liên lạc, dụng cụ sơ chế… còn rất hạn chế, lạc hậu. Vì vậy, mặc dù trữ lượng cá ngừ ở vùng biển nước ta từ 45 đến 50 nghìn tấn, nhưng, sản lượng khai thác của ba tỉnh được coi là chủ lực gồm Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa mỗi năm cũng chỉ từ mười nghìn đến 15 nghìn tấn, thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng cũng như sản lượng khai thác cho phép.
Phân tích những điểm yếu trong công tác khai thác, bảo quản cá ngừ của ngư dân, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Khánh Hòa Lê Kế Thương cho rằng: Các tàu cá hiện đại sử dụng công nghệ cấp đông ở nhiệt độ rất thấp, khoảng -50oC đến -60oC nên cá có chất lượng tốt. Để có được công nghệ này, phải đầu tư hàng triệu USD. Còn tàu của ngư dân ta nhỏ, hầm chứa cá chật hẹp, lại sử dụng đá lạnh non, chưa đủ cứng nên rất nhanh tan, không giữ được độ lạnh nên cá tươi không lâu. Chính vì vậy, bình quân, chỉ có từ 30 đến 40% sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cá không đạt chất lượng có giá trị thấp, có khi giá bán chỉ bằng một phần hai giá cá chất lượng cao. Chẳng hạn cùng một loại cá hơn 30 kg, cá của các doanh nghiệp bán hơn 6 USD/kg, còn cá của ngư dân chỉ khoảng 3,5 USD/kg.
Trưởng phòng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Nguyễn Duy Lâm cho rằng: Việc đánh giá chất lượng cá ngừ của các doanh nghiệp, cá nhân thu mua hiện hoàn toàn dựa vào cảm quan, chưa có bất cứ một tiêu chuẩn cụ thể nào. Hầu hết, người mua tự xếp loại, theo cảm nhận, rồi áp giá. Ngư dân luôn luôn chịu thiệt thòi. Công tác thu mua rất quan trọng. Mặc dù sản lượng cá ngừ các loại của Bình Định khá cao nhưng do chưa có doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu trực tiếp nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt thấp. Thí dụ như năm 2011, Bình Định có sản lượng 4.695 tấn cá ngừ nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 42 triệu USD. Do đó, cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng cá ngừ, cũng như có các giải pháp thu mua hợp lý để bảo đảm lợi ích cho bà con ngư dân cũng như doanh nghiệp.
Trong câu chuyện cùng chúng tôi về thu mua cá ngừ, Tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân, nguyên Giám đốc Trung tâm Giống và Nuôi trồng thủy sản Phú Yên bức xúc: Toàn tỉnh có hàng trăm tàu cá mà chỉ có sáu điểm thu mua. Tình trạng ép cấp, ép giá thường xuyên xảy ra. Thu nhập từ mỗi chuyến đi biển của ngư dân dường như không được quyết định bởi lượng cá nhiều hay ít, mà tùy thuộc vào sự định đoạt giá cả của các chủ vựa. Hiện tại, các nhà quản lý đều cho rằng, cần thiết phải có chợ giao dịch cá ngừ để minh bạch phân loại chất lượng cá cũng như giá cả. Ngư dân đang mong chờ sự ra đời của những chợ giao dịch cá ngừ đúng nghĩa, với đầy đủ các điều kiện bảo quản, cơ sở định giá và các thủ tục mua bán được tiến hành một cách sòng phẳng, dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, cho đến nay điều này vẫn chỉ là ước mơ.
Hiện nay, nghề khai thác, kinh doanh cá ngừ đang được Nhà nước quan tâm khuyến khích, hỗ trợ thông qua nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác ở các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương trong khu vực đã cố gắng thực hiện. Năm 2011, tỉnh Bình Định hỗ trợ 1.596 trường hợp với số tiền hơn 61 tỷ đồng; năm 2012 hỗ trợ khoảng 4.500 trường hợp, số tiền 160 tỷ đồng. Những chính sách trên đã giúp ngư dân bớt khó khăn, yên tâm bám biển sản xuất. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều ngư dân chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ. Do vậy, làm thế nào để những chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất vẫn luôn là vấn đề cần được quan tâm.
Lãnh đạo Hiệp hội Cá ngừ các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa thống nhất cho rằng, khi đã xác định cá ngừ là sản phẩm chủ lực trong phát triển nghề khai thác cá xa bờ và cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, các bộ, ngành liên quan cần tổ chức thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học đánh giá nguồn lợi, dự báo ngư trường; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản; có giải pháp tổ chức đội tàu khai thác, phối hợp các lực lượng khác vừa bảo đảm sản xuất hiệu quả vừa bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đẩy mạnh tổ chức dịch vụ hậu cần; ban hành tiêu chuẩn về phân loại chất lượng cá; nghiên cứu từng bước hình thành chợ bán đấu giá tại các cảng cá, bến cá; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm cá ngừ Việt Nam…
NHỮNG ngày này, các cảng cá phường 6 (Tuy Hòa), Hòn Rớ (Nha Trang), Tam Quan (Bình Định)… rộn ràng tàu câu cá ngừ về bến. Được mùa cá ngừ, nhưng ngư dân không thật vui. Bởi lợi nhuận không cao, do chi phí đầu vào lớn quá, giá xăng, dầu, vật tư tăng cao, mà giá cá lại không ổn định. Xem ra nghề câu cá ngừ đại dương, vui có, mà lo cũng nhiều.
Theo Nhandan
Ý kiến ()