tle=”Nghề hái rong biển ở Quảng Đông”> Phơi rong biển trên cát ở Quảng Đông. Cuối tuần, tôi chợt nhận được điện thoại: “Về Quảng Đông ngay đi để chứng kiến cảnh ngư dân kiếm tiền từ nghề hái rong biển, lạ lắm”. Gọi thêm bạn đồng nghiệp, từ Đồng Hới chúng tôi theo hướng bắc trực chỉ. Nhưng hỡi ôi, ra đến nơi, tôi lại nhận được thông báo: “Ông ra đúng vào lúc gió nam thổi mạnh, không khai thác được rong biển rồi”.
Xã Quảng Đông thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nằm dưới chân đèo Ngang “cỏ cây chen lá, đá chen hoa” vốn một thời níu chân tao nhân mặc khách. Bên này mái đèo Ngang, đời sống người dân Quảng Đông còn nghèo khó. Đã có lúc, tỉnh Quảng Bình đau đầu với hiện tượng người dân dưới chân đèo Ngang kiếm sống bằng nghề ăn xin trên đường bắc nam khi chưa có hầm đường bộ. Có người nói vui, đèo Ngangđúng là đang nghèo!
Nhưng giờ thì Quảng Đông đã khác. Dự án trung tâm điện lực dầu khí với công suất 2.400 MW đang được xây dựng hứa hẹn mang lại sức sống mới cho người dân bên này đèo Ngang. Và nghề biển cũng đã làm cho ngư dân vùng bãi ngang Quảng Đông cuộc sống no đủ hơn. Giờ đây, họ có thêm nghề mới là hái rong biển và cũng là nơi duy nhất có ở Quảng Bình.
Xã có năm thôn làm nghề biển thì có ba thôn làm nghề khai thác rong biển với hàng trăm người tham gia. Đêm, họ lênh đênh trên biển câu mực, soi cá, đánh lưới gần bờ; ngày thì hái rong. Mùa biển này nhờ có cây rong, ngư dân ở đây có thêm việc làm, thu nhập.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành ở thôn Đông Hưng kể rằng, chừng năm giờ sáng, bãi biển ở các thôn Đông Hưng, 19 tháng 5 đã í ới tiếng người gọi nhau, kéo thuyền ra biển để lặn rong. Mỗi thuyền hai người, một người lặn hái, người kia ngồi trên vớt rong. Ngày nào trúng, mỗi thuyền khai thác rong thu được triệu bạc.
Trưa. Gió Lào sàn sạt và nắng như đổ lửa trên cát. Chúng tôi tìm được nhà một người chuyên thu mua rong biển để tìm hiểu về loại thực vật này. Anh là Nguyễn Dũng ở thôn 19-5. Anh nói, ở vùng này mình là người đầu tiên thu mua rong biển bán qua Trung Quốc.
Theo anh Dũng, rong biển ở Quảng Đông sinh sôi ở những rạn đá ngầm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Nghề khai thác rong biển xuất hiện vài ba năm gần đây. Khi đi khai thác, người dân thường đi từng nhóm khoảng bốn, năm người, chủ yếu là nam giới.
Đầu mùa, ngư dân khai thác rong ở vùng biển nông, còn bây giờ phải đi xa hơn, lặn sâu hơn mới có nhiều. Để có được thuyền chứa đầy rong biển, những ngư dân phải làm việc tích cực từ sáng sớm đến chiều tối ngoài biển.
Anh Nguyễn Văn Thành cho biết, mỗi lần lặn xuống là phải nhanh tay dùng dao, liềm cắt ngang thân cây rong. Những chỗ tốt, cây rong có thể dài đến cả mét. Cắt xong là cứ thả vậy cho rong nổi lên khỏi mặt nước. Công việc của những người trên thuyền là vớt rong lên và chở vào bờ.
Không chỉ chịu đựng sự mặn mòi của biển khơi, người làm nghề vớt rong biển đôi khi cũng gặp phải những bất thường của mưa giông, gió lốc, hay bị rắn biển tấn công.
Nhiều ngư dân cho rằng, nghề lấy rong biển cũng phải xem thời tiết, hôm nào gặp gió to đành chịu. Có khi đang làm, gió nổi lên, sóng đánh te tua đám rong nổi trên mặt nước, lúc đó cũng phải quay thuyền trở về vì khó vớt rong.
Đến đây tôi mới hiểu vì sao, ra đến Quảng Đông giữa trưa để tìm hiểu nghề hái rong mà chúng tôi nhận được cái lắc đầu của người bạn: lúc gió nam thổi mạnh, ngư dân không thể khai thác được rong biển.
Trên bãi biển, chúng tôi gặp chị Phạm Thị Ngọc ở thôn 19 tháng 5 đang phơi rong. Chị chia sẻ niềm vui: “Mỗi ngày hai vợ chồng tui (tôi) làm tích cực cũng được chừng 70kg rong biển khô, bán được hơn 600 nghìn đồng, thu nhập này đã làm vơi bớt khó khăn cho gia đình”.
Cũng theo chị Ngọc, phần việc phơi rong và nhập cho các thương lái là của phụ nữ. Nói thế nhưng công việc cũng không kém phần gian nan. Để rong biển khô, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của người mua, chị em phải phơi mình trên cát trắng dưới cái nắng rát ngày hè. Họ cẩn thận lật, đảo từng mớ để rong được khô đều
.
Những giọt mồ hôi hòa trong vị mặn chát của biển, người vớt rong nhiều khi cũng trắng tay khi gặp những cơn mưa giông bất chợt. Tay làm, mắt cũng luôn canh chừng phía trời xa đề phòng mưa. Chị Ngọc giải thích: “Canh trời là bởi nếu không kịp thu rong mà gặp mưa thì hư hỏng hết, trắng tay cả khi tưởng được ăn”.
Theo những người hái rong, cứ ba tấn rong tươi phơi khô còn khoảng một tấn, bán với giá bảy đến tám triệu đồng. Rong càng dài càng được giá.
Trong nhà anh Nguyễn Dũng có hơn chục tấn rong đang chờ bốc lên xe vận chuyển đi. Rong khô đóng bao nhìn như những bao cỏ, có mùi hơi tanh.
Chúng tôi hỏi về tác dụng của cây rong biển, Dũng nói đại loại là để chiết xuất làm thuốc, mỹ phẩm và gì gì đó chưa biết cụ thể lắm. Nhưng khi cần có thể rửa sạch rong, nấu nước uống rất tốt cho cơ thể.
Nói rồi anh vo vo một nắm rong đưa lên miệng nhai và bảo chúng tôi làm thử. Quả thật, rong khô có vị mặn, hơi tanh nhưng dìu dịu và ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Dũng phá lên cười: “Loại này ủ với nước sôi như pha trà uống, thơm lắm”.
Gia đình anh Dũng làm đại lý thu mua rong đã năm năm nay. Bình quân mỗi năm đại lý này thu mua khoảng gần 1.000 tấn rong khô. “Loại này chỉ tiêu thụ bên Trung Quốc, chứ bên ta chưa thấy ai mua”- Dũng nói rồi biếu cho chúng tôi một túi rong khô để làm quà.
* Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Võ Quang Đạt nói, việc thu hoạch rong biển tạo thu nhập của bà con là rất chính đáng. Nhưng thời gian xuất hiện rong biển cũng là thời điểm các loại cá tôm, nhuyễn thể vào rạn đá để sinh sản. Vì thế, thu hoạch rong biển vào thời gian này có ảnh hưởng đến vụ cá năm sau. Đề nghị Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình hướng dẫn bà con thời gian thu hoạch rong để được lợi cả hai việc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()