Nghề chiếu Ðịnh Yên
Bến thuyền bán chiếu ở Định Yên. Trước những thách thức của nền kinh tế thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đã không thể đứng vững và ngày càng mai một.Nhưng với làng nghề dệt chiếu hơn trăm năm tuổi tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng đến nay làng nghề truyền thống này vẫn đang vững bước đi lên trên con đường hội nhập.Một thời vang bóngNếu xuất phát từ thị xã Sa Đéc, theo quốc lộ 80 đi chừng 30 km là đến thị trấn Lấp Vò, đi thêm chừng ba km nữa sẽ đến làng nghề dệt chiếu Định Yên. Nằm cạnh dòng sông Hậu hiền hòa, làng chiếu Định Yên là địa chỉ không thể thiếu trong các điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp với nghề dệt chiếu nổi tiếng, hình thành cách đây hơn một trăm năm.Nét độc đáo của chợ chiếu này là chợ được họp vào ban đêm, mỗi phiên chợ chỉ diễn ra trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Chính vì phiên họp chợ chỉ diễn ra vào ban đêm nên chợ chiếu Định Yên...
Bến thuyền bán chiếu ở Định Yên. |
Trước những thách thức của nền kinh tế thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đã không thể đứng vững và ngày càng mai một.
Nhưng với làng nghề dệt chiếu hơn trăm năm tuổi tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng đến nay làng nghề truyền thống này vẫn đang vững bước đi lên trên con đường hội nhập.
Một thời vang bóng
Nếu xuất phát từ thị xã Sa Đéc, theo quốc lộ 80 đi chừng 30 km là đến thị trấn Lấp Vò, đi thêm chừng ba km nữa sẽ đến làng nghề dệt chiếu Định Yên. Nằm cạnh dòng sông Hậu hiền hòa, làng chiếu Định Yên là địa chỉ không thể thiếu trong các điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp với nghề dệt chiếu nổi tiếng, hình thành cách đây hơn một trăm năm.
Nét độc đáo của chợ chiếu này là chợ được họp vào ban đêm, mỗi phiên chợ chỉ diễn ra trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Chính vì phiên họp chợ chỉ diễn ra vào ban đêm nên chợ chiếu Định Yên được người dân nơi đây gọi là “chợ ma”. Trước đây, chợ chiếu họp trước sân chùa An Phước, không có điện, chỉ có đèn dầu, nhưng rất nhộn nhịp. Phiên họp đêm sau thường sớm hơn đêm trước khoảng một giờ và cứ thế xoay vòng theo con nước lớn.
Trong khi trên bờ với rừng chiếu đầy mầu sắc rực rỡ dưới ánh đèn leo lét đầy huyền hoặc thì dưới bến, hàng trăm ghe, xuồng buôn chiếu, lát, phẩm mầu… từ các tỉnh đến đậu kề nhau san sát. Dù không có quầy, cũng chẳng có sạp kinh doanh nhưng chợ vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Một điểm đáng chú ý ở chợ chiếu Định Yên là người bán thì đi, đứng, trong khi người mua lại ngồi tại chỗ. Vào mỗi phiên chợ, người mua chiếu chọn tìm một chỗ ngồi chờ, còn người bán thì mang chiếu đến chào hàng, ngã giá. Sau khi thu mua được từ 500 đến 1.000 chiếc chiếu là thương lái nhổ neo, đi bỏ mối hoặc bán lẻ khắp miền sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, có những thời điểm chiếu Định Yên còn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu.
Cơ giới hóa sản xuất
Chủ tịch UBND xã Định Yên Nguyễn Văn Nguyên cho biết, qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhất là sau khi thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu không còn tiêu thụ mặt hàng chiếu, nghề dệt chiếu ở Định Yên lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn và ngày càng bị thu hẹp. Các tổ hợp sản xuất chiếu trong xã giải thể gần hết, chỉ còn sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình.
Mãi đến năm 2003, tỉnh Đồng Tháp mới có chủ trương khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Sau khi khảo sát và đánh giá, UBND tỉnh đã công nhận 4/4 ấp của xã Định Yên là làng nghề dệt chiếu gồm 2.731 hộ, với 5.462 lao động. Sau khi được công nhận làng nghề, các ngành tỉnh và huyện đã có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho Định Yên như: Hỗ trợ vốn vay mua máy dệt, cho vay giải quyết việc làm… Trên cơ sở đó, cấp ủy và UBND xã Định Yên tập trung khuyến khích, khôi phục và phát triển các gia đình sản xuất cá thể, đồng thời hỗ trợ những hộ có điều kiện về vốn, mặt bằng và kinh nghiệm thành lập hợp tác xã, các tổ hợp tác sản xuất chiếu nội địa cao cấp, tổ chức lại quy trình sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, đóng gói bao bì sản phẩm để ngày càng đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.
Hiện nay, toàn xã Định Yên đã có 387 máy dệt chiếu, 52 máy may bìa chiếu, hai máy se chỉ và hai máy lau bóng sản phẩm. Mỗi năm có thể cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu sản phẩm các loại.
Nhờ cơ giới hóa nên thu nhập của người lao động cũng tăng lên đáng kể. Chị Phạm Thị Đang, ngụ ấp An Khương cho biết: Mấy năm trước, dù cố gắng hết sức nhưng mỗi ngày hai chị em tôi với một khung dệt thủ công và tay nghề khá cao, nhưng dệt được tối đa cũng chỉ ba đôi chiếu, tính ra thu nhập mỗi người chỉ khoảng từ hai mươi đến ba mươi nghìn đồng. Hiện nay, nhờ có máy, chỉ cần một người thợ như tôi, mỗi ngày có thể dệt được hơn chục chiếc chiếu, thu nhập ít nhất cũnghơn bảy mươi nghìn đồng.
“Trước kia muốn có đủ chiếu để cung cấp ra thị trường, cơ sở của tôi phải thuê nhiều công nhân. Số lao động tuy đông nhưng sản lượng cũng không bằng như bây giờ. Hiện nay, nhờ dệt bằng máy cho nên dù lao động không tăng nhưng sản lượng tăng gấp bốn, gấp năm lần so mấy năm trước… Mừng nhất là chất lượng chiếu đã nâng lên rõ rệt, được người tiêu dùng ưa chuộng nên việc kinh doanh cũng ngày càng thuận lợi…”, chị Trương Thị Hiền, chủ cơ sở sản xuất chiếu Bé Hai tại ấp An Khương đã nói mà như khoe với chúng tôi.
Hiện nay, làng chiếu Định Yên đã thành lập Hợp tác xã Thanh Bình chuyên sản xuất và kinh doanh chiếu. Mỗi năm HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn chiếc chiếu. Ông Trần Văn Nô, Chủ nhiệm HTX cho biết: Đến nay, nghề dệt chiếu tuy vẫn còn là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính, nhất là đối với những hộ phi nông nghiệp, nó đã giúp người dân nơi đây ổn định đời sống một cách rõ rệt. Nhiều gia đình đã thật sự thoát nghèo từ nghề dệt chiếu như gia đình chị Kim Đường, chị Đang ở ấp An Khương… Ngoài hợp tác xã, tại làng nghề dệt chiếu Định Yên này còn có rất nhiều cơ sở kinh doanh, thu mua sản phẩm để cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh, một số đã vươn sang thị trường Cam-pu-chia và Thái-lan. Đây được xem là những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của người dân trong làng nghề ngày càng phát triển.
Chủ động công nghiệp – xây dựng thương hiệu
Một yếu tố quan trọng khác giúp cho làng nghề dệt chiếu Định Yên ngày càng khởi sắc là đã chủ động được công nghệ dệt chiếu ngay tại địa phương. Hiện trên địa bàn xã Định Yên đã có bốn cơ sở cơ khí sản xuất được máy dệt chiếu để cung cấp cho người dân trong khu vực. Cả các khâu: se chỉ, máy may bìa chiếu và sản phẩm dùng may bìa chiếu cũng được sản xuất và thi công tại chỗ.
Ông Phan Văn Phường, chủ cơ sở cơ khí Tuấn Anh cho biết, do thấy sự cần thiết của việc cơ khí hóa một số công đoạn trong hoạt động sản xuất của bà con nên chúng tôi đã tìm tòi, học hỏi và từng bước cải tiến thành công máy dệt chiếu để áp dụng vào sản xuất tại làng nghề. Sau hơn ba năm sản xuất, cơ sở Tuấn Anh đã cung cấp cho làng nghề hơn 300 chiếc máy dệt chiếu.
Trao đổi với chúng tôi, Phó phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lấp Vò Nguyễn Hồng Minh cho biết, ngoài việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, bố trí sản xuất và tạo điều kiện ngày càng thuận lợi để người dân phát huy hiệu quả của hoạt động sản xuất chiếu truyền thống, Phòng Kinh tế và Hạ tầng cùng với UBND xã Định Yên đã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận thương hiệu “chiếu Định Yên”.
Trải qua một chặng đường dài phát triển, làng nghề dệt chiếu Định Yên đã không ngừng thay đổi để tồn tại và phát triển. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, chắc chắn làng nghề dệt chiếu Định Yên sẽ không tránh khỏi sức ép cạnh tranh cũng như những khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Tuy nhiên, với chủ trương khôi phục chợ chiếu Định Yên, khôi phục nét văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời tích cực quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm… Tin rằng, làng nghề dệt chiếu Định Yên sẽ tiếp tục vươn xa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()