Nghề báo: Không cần bằng cử nhân báo chí?
“Ở các cơ quan báo chí, họ đòi hỏi kỹ năng, năng khiếu cần thiết để bước chân vào nghề báo chứ không phải cần đến bằng báo chí’ – nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói.
Chương trình đào tạo phải tạo ra nhà báo
“Viết báo và làm báo là hai khái niệm khác nhau. Đặc thù của đào tạo báo chí là đào tạo nghề. Đơn đặt hàng của cơ quan báo chí cho cơ sở đào tạo báo chí là nghề”– nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM khẳng định trong buổi tọa đàm thảo luận về cải thiện chương trình giảng dạy báo chí vào ngày 16/3 tại TP.HCM.
Ông Nhân cho rằng, phải phân biệt giữa đào tạo cử nhân và đào tạo nghề. Các cơ quan báo chí đòi hỏi kỹ năng, năng khiếu cần thiết để bước chân vào nghề báo chứ không cần đến bằng báo chí. Và điểm thực hành khi ra trường nên được xem trọng hơn điểm các môn lý thuyết. Theo ông Nhân, nếu lấy điểm lý thuyết thì có thể toàn sinh viên (SV) giỏi nhưng chưa chắc làm báo được.
Ông dẫn chứng: khi ông còn công tác tại báo Lao Động, có hai phóng viên đoạt giải A báo chí nhưng cả hai đều không xuất thân từ cơ sở đào tạo báo chí. Và ông cho biết, chừng nào trường học còn có quan niệm dạy ra cử nhân chứ không phải dạy nghề, trường sẽ khó đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng báo chí.
SV khoa Báo chí Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM thực tập môn Nhiếp ảnh. Ảnh VietNamNet |
Đồng tình với ý kiến trên, nhà báo Trần Trọng Thức, Thư ký Tòa soạn Thời báo Doanh nhân Sài Gòn, cho rằng vấn đề ở các trường là làm sao đảm bảo chất lượng đầu ra. Chương trình đào tạo phải “tạo ra” được những nhà báo.
Bà Vũ Ngọc Dung, Tổng Biên tập báo Đất Việt kể lại một mẩu chuyện tại tòa soạn. Bà kể: Có lần, thấy một SV đến thực tập, bà hỏi muốn thực tập ở lĩnh vực nào, SV này liền chọn ban Văn hóa-Văn nghệ.
“Ở tờ báo Chính trị Xã hội, tin, bài mảng Văn hóa – Văn nghệ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ nên nhu cầu không cao. Nếu chọn mảng Kinh tế, tôi đã nhận ngay”– bà Dung cho biết.
Thông thường, SV khi đến các cơ quan báo chí xin thực tập phần lớn nguyện vọng đều mong muốn được bố trí vào ban Xã hội vì kiến thức về một chuyên ngành nào đó hiếm ai có được.
Bà Dung cho rằng nếu phóng viên hay biên tập viên không hiểu, không có kiến thức chuyên sâu ở một lĩnh vực, khó có thể viết được một bài báo thuộc lĩnh vực đó. Vì thế, có những SV không học báo chí nhưng có kiến thức chuyên ngành cụ thể cộng chút kỹ năng làm báo cơ bản đã có thể nhận vào làm.
Biến trường học thành tòa soạn
Để SV báo chí có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, ông Phan Văn Tú, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại tỉnh Đồng Nai đưa ra sáng kiến “biến cơ sở đào tạo báo chí thành một tòa soạn”. Tức là phải có một tờ báo mà ở đó thầy và trò cùng làm. Trong đó, bài viết là sản phẩm của SV. Thông qua tờ báo, SV có cơ hội làm nghề.
Ông Trần Ngọc Châu, Giám đốc kênh FBNC (HTVC) nói SV cuối năm nhất, đầu năm hai buộc phải đi thực tập tại các tòa soạn. Nhà trường đứng ra phối hợp với các cơ quan báo chí, kể cả các báo, đài ở địa phương để có chỗ cho SV thực tập.
Ông Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí, ĐH KHXH & NV TP.HCM mong muốn các cơ quan báo chí tạo điều kiện để nhận SV thực tập ở nhiều đợt; tặng nhiều báo cho SV trong khoa để tạo thư viện miễn phí dành cho SV.
Nói đến quy định, quy chế, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng cho rằng SV nên được thực hành nhiều hơn nhưng việc này không dễ dàng. “Đi thực tế thì không có tiền, quy định lại không cho thời gian nhiều để thực hành thì làm sao SV cọ xát”– ông Nhân nói.
Ông Trần Ngọc Châu cũng lo ngại việc SV đi thực tập từ sớm có thể gặp khó khăn vì phải xin ý kiến của Bộ GD – ĐT.
Nhiều ý kiến từ các lãnh đạo cơ quan báo chí và giảng viên báo chí cho rằng nên tạo ra “mô hình ngành y” cho các giảng viên báo chí. Với mô hình này, người dạy cũng chính là người làm nghề báo, lưu trú ở các cơ quan báo chí và thời gian về trường sẽ ít hơn thời gian làm nghề.
Theo bà Barbara Rowlands, Chủ nhiệm Bộ môn Viết tạp chí, ĐH City (London), đại diện Hội đồng Anh, ở Anh, các cơ quan kiểm định thường tổ chức diễn đàn và mời biên tập viên, nhà báo đến trường ĐH để gặp gỡ giảng viên và SV. Cứ 2 năm/lần, sẽ có đợt kiểm định chất lượng đào tạo tại các trường. Nếu chương trình giảng dạy không cập nhật kỹ năng mới, chứng chỉ cấp cho khoa sẽ bị rút. Các trường ĐH ở Anh còn có nhiều hoạt động khác như mời các nhà báo đến nói chuyện với SV để hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp hoặc bàn về một vấn đề nào đó có tính thời sự. Họ cũng mời các nhà báo đã nghỉ hưu hay có kinh nghiệm làm việc bán thời gian ở trường để giám sát các dự án, chương trình phát sóng… của SV tại trường. Ngoài ra, các trường ĐH còn biến trường học thành nơi để nhà báo tranh luận về một vấn đề cụ thể có SV cùng tham gia. Một số giảng viên thu xếp thời gian làm việc ở các cơ quan báo chí, mở rộng và duy trì mạng lưới cựu SV… Đặc biệt, chương trình đào tạo chỉ có 3 năm, nhưng SV báo chí có nhiều đợt thực tập ngắn kéo dài khoảng một tuần ở cơ quan báo chí, có khi suốt kì nghỉ của SV. |
Ý kiến ()