Nghe báo cáo công tác của các cơ quan pháp luật và thảo luận hai dự án luật
Ngày 28-10, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII, bước sang ngày làm việc thứ sáu. Buổi sáng, QH đã nghe báo cáo của các bộ, ngành về kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 và báo cáo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và công tác thi hành án năm 2013; và một số tờ trình, báo cáo thẩm tra; thảo luận hai dự án luật.
Ngày 28-10, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII, bước sang ngày làm việc thứ sáu. Buổi sáng, QH đã nghe báo cáo của các bộ, ngành về kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 và báo cáo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và công tác thi hành án năm 2013; và một số tờ trình, báo cáo thẩm tra; thảo luận hai dự án luật.
Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp
Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân. Theo đó, trong năm 2013 đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động làm gia tăng các loại tội phạm. Số vụ án khởi tố mới tăng 1,23% so với số vụ năm 2012. Tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong đó, tội phạm đánh bạc tăng 16,66% về số vụ, các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp, quy mô lớn gắn với hoạt động cho vay nặng lãi, cầm cố tài sản với lãi suất cao, xảy ra ở nhiều địa phương. Các tội xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% về số bị can so với năm 2012, nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tội phạm về tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, điều tra tăng 12,9% về số vụ; 15,56% về số bị can. Tội phạm về ma túy ngày càng tinh vi, tăng 0,62% số vụ, 2,14% số bị can và 59,28% số lượng hê-rô-in bị thu giữ so với năm 2012. Hoạt động của các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy lớn có chiều hướng ngày càng gia tăng. Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá ngày càng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn kéo theo nhiều tụ điểm phức tạp. Số thanh niên, thiếu niên sử dụng ma túy tăng. Hiện cả nước có 180.783 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 5,4% so với năm 2012…
Nguyên nhân tình trạng nói trên chủ yếu là do tình hình kinh tế – xã hội còn khó khăn, số người thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót làm phát sinh tội phạm. Công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng còn hạn chế. Chưa chủ động nắm chắc tình hình nổi lên trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tội phạm lộng hành có nơi còn chưa nghiêm… Tuy nhiên, năm 2013, chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm có chuyển biến tốt hơn. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm vi phạm trật tự xã hội đạt tỷ lệ cao, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 76,6% và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%.
Cũng trong buổi sáng, QH đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của hai ngành và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH; nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo về công tác thi hành án và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra các Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đánh giá, so với năm 2012, công tác phòng ngừa, chống vi phạm đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ những hạn chế như: các báo cáo chưa phản ánh toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; chưa phân tích, đánh giá toàn diện nguyên nhân tình hình tội phạm, nhất là những tội phạm có chiều hướng gia tăng như tội kinh tế, tham nhũng; chưa phân tích sâu những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử của tòa án…
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Hải quan (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Hoạt động tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức
Buổi chiều, Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú (NC, XC, CT) của người nước ngoài tại Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật NC, XC, CT của người nước ngoài tại Việt Nam. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và cho rằng, vấn đề NC, XC, CT của người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị – pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm QP – AN và trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi nước ta đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật về cơ bản bảo đảm sự thống nhất với quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi, vì được xây dựng trên cơ sở kế thừa, bổ sung những nội dung cần thiết rút ra từ tổng kết thực hiện Pháp lệnh hiện hành. Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật gồm tám chương, 46 điều.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp công dân. Thảo luận ở hội trường về dự án luật này, nhiều đại biểu: Nguyễn Thanh Thụy (Bình Ðịnh); Vũ Chí Thực (Quảng Ninh); Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Hà Thị Lan (Bắc Giang); Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ); Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa); Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)… cơ bản nhất trí Dự thảo Luật Tiếp công dân trình ra QH lần này và đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH. Ðóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp công dân, một số đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, giúp việc; đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Về mối quan hệ giữa tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa phân định rõ tính chất tiếp công dân của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo với hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức còn lại (như các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị – xã hội…); chưa làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân. Hoạt động tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; và quy định về việc tiếp công dân cần đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hoạt động giám sát của QH và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Ðại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) và một số đại biểu khác đề nghị trong dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung các điều, khoản quy định về vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc giám sát thực hiện Luật Tiếp công dân. Hơn nữa, quy định chế tài xử lý đối với người đứng đầu, người tiếp công dân không hoàn thành nhiệm vụ cũng như các biện pháp chế tài đối với những cá nhân, những hành vi vi phạm quy định trong tiếp công dân nhằm bảo đảm hiệu quả của việc tiếp công dân. Việc các cơ quan văn phòng cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra văn phòng đoàn đại biểu QH và HÐND tỉnh phải phân công cán bộ, công chức tham gia công tác tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân trên thực tế không có cán bộ để bố trí. Thực tế cho thấy, số vụ việc mà công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cơ quan này ít hơn rất nhiều so với các cơ quan quản lý nhà nước.
Các đại biểu cũng cho ý kiến chung quanh các nội dung liên quan việc tiếp công dân của các cơ quan của QH, đại biểu QH; về quy trình tổ chức tiếp công dân; xử lý trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; về điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()