Tại Nghệ An, nhiều cây trồng được xác định là cây trọng điểm, được ngành nông nghiệp và các địa phương có chủ trương phát triển đã không đạt được mục tiêu đề ra, có cây trồng đang có nguy cơ “phá sản”, gây khó khăn, thua lỗ cho nông dân. Đơn cử như cây dứa, cách đây khoảng 3 năm được xem là một trong những cây trồng quan trọng, tỉnh và ngành nông nghiệp xác định là loại cây “cứu cánh” cho nông dân nhiều xã trong huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu. Vào thời điểm đó, tại những địa phương này “nhà nhà trồng dứa, người người trồng dứa”. Tỉnh Nghệ An và Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An đã tốn kém nhiều tiền bạc đầu tư vùng nguyên liệu, hỗ trợ giống, xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu; hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật trồng, rải vụ dứa được tổ chức. Tuy nhiên, những ngày này, vùng nguyên liệu dứa theo quy hoạch đang có nguy cơ “phá sản”, nông dân đứng ngồi không yên do không tiêu thụ được dứa. Chỉ riêng tại huyện Quỳnh...
Tại Nghệ An, nhiều cây trồng được xác định là cây trọng điểm, được ngành nông nghiệp và các địa phương có chủ trương phát triển đã không đạt được mục tiêu đề ra, có cây trồng đang có nguy cơ “phá sản”, gây khó khăn, thua lỗ cho nông dân.
Đơn cử như cây dứa, cách đây khoảng 3 năm được xem là một trong những cây trồng quan trọng, tỉnh và ngành nông nghiệp xác định là loại cây “cứu cánh” cho nông dân nhiều xã trong huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu. Vào thời điểm đó, tại những địa phương này “nhà nhà trồng dứa, người người trồng dứa”. Tỉnh Nghệ An và Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An đã tốn kém nhiều tiền bạc đầu tư vùng nguyên liệu, hỗ trợ giống, xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu; hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật trồng, rải vụ dứa được tổ chức. Tuy nhiên, những ngày này, vùng nguyên liệu dứa theo quy hoạch đang có nguy cơ “phá sản”, nông dân đứng ngồi không yên do không tiêu thụ được dứa. Chỉ riêng tại huyện Quỳnh Lưu, dự kiến trong vụ dứa này, Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An chỉ tiêu thụ được 2.500 tấn, còn khoảng 2.500 tấn nữa nông dân không biết bán cho ai. Thực tế, dứa đến kỳ thu hoạch không thể để trên cây được lâu và nếu đã hái quả rồi, chỉ để khoảng 8 đến 10 tiếng không thu mua, bảo quản theo quy định của nhà máy chế biến thì sẽ làm quả dứa hư hỏng. Hàng ngàn tấn dứa của nông dân không tiêu thụ được, đồng nghĩa với thua lỗ, nợ nần chồng chất vì phần lớn hộ đều phải vay vốn ngân hàng để trồng dứa.
Tại Nghệ An, việc phát triển cây cao su cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cho dù Công ty cổ phần đầu tư phát triển cao su có nhiều cố gắng, nhưng lại gặp hết vướng mắc này đến vướng mắc khác, có cả những vướng mắc do văn bản ban hành của tỉnh chồng chéo, mâu thuẫn, dẫn đến chưa năm nào đạt được chỉ tiêu trồng cao su đã đề ra. Ông Phạm Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An cho biết : “Thực hiện dự án phát triển cây cao su theo quy hoạch do tỉnh Nghệ An phê duyệt, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các huyện làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm đếm, trích lục, trích đo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công việc áp giá, công ty phát hiện một số bất cập trong văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An”. Những bất cập này đang làm chậm quá trình phát triển vùng nguyên liệu cao su tại địa phương, đang được công ty và Tập đoàn cao su Việt Nam đề nghị tỉnh Nghệ An điều chỉnh.
Đó là 2 trong số rất nhiều cây trồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang gặp khó khăn, vướng mắc trong phát triển. Đây là những cây trồng chính, nằm trong cơ cấu cây trồng chủ lực của tỉnh, có ý nghĩa dân sinh, kinh tế xã hội quan trọng. Tuy nhiên, khi đề ra mục tiêu phát triển, các ngành chức năng, doanh nghiệp và địa phương đã không lường trước những khó khăn hoặc đã lường trước những khó khăn nhưng vẫn “nhắm mắt” làm. Đến nay, khi vùng nguyên liệu dứa không tiêu thụ được, trong báo cáo của mình, Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An lại cho rằng : “Năm 2012 là một năm cực kỳ khủng hoảng của thị trường nước dứa cô đặc và được xem là tồi tệ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”.
Việc phát triển vùng nguyên liệu tại Nghệ An luôn là bài toán khó và là bài học đắt giá. Từ thực tế ở Nghệ An, đã đến lúc cần có những quy hoạch sát đúng, nghiên cứu kỹ những yếu tố liên quan trong phát triển vùng nguyên liệu, tránh để những thiệt hại hoặc “phá sản” như thời gian qua. Các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh phải cùng đồng thuận để tháo gỡ những khó khăn nếu có.
Theo CPV
Ý kiến ()