Nghệ An thiếu nguồn nhân lực y tế
![]() Cán bộ Trạm y tế xã Diễn Ngọc, Diễn Châu (Nghệ An) tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em. |
Diễn Châu là huyện đồng bằng ven biển có 39 xã, thị trấn trong đó có chín xã vùng biển và một xã miền núi, với số dân hơn 300 nghìn người. Tuy thuận lợi về giao thông (có quốc lộ 1A, quốc lộ 7, các tỉnh lộ 38, 48 và đường sắt bắc – nam chạy qua) nhưng do địa bàn quá rộng, cho nên hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân còn nhiều khó khăn. Hệ thống y tế tuyến xã, ngoài trạm y tế xã Diễn Vạn có thầy thuốc Ưu tú Trần Đình Thông và các cán bộ nhân viên toàn tâm toàn ý thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, thì toàn huyện còn 15 xã có những hạn chế về mặt này, mặt khác. Như xã Diễn Ngọc chỉ cách thị trấn huyện vài km, nhưng cơ sở vật chất, nhà trạm còn thiếu thốn, khó khăn, vì vậy việc triển khai các chương trình y tế quốc gia tại xã có phần chưa hiệu quả. Cũng may Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu (220 giường điều trị), tuy xây dựng chắp vá, cơ sở vật chất các khoa nội, sản – nhi xuống cấp, nhưng nhờ có đội ngũ cán bộ khá đều tay (14 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2), thái độ phục vụ không ngừng được cải thiện, nên hằng ngày đã tiếp nhận khám và điều trị cho từ 350 đến hơn 500 người bệnh. Hơn ba năm qua, bệnh viện thực hiện liên doanh liên kết lắp đặt các trang thiết bị hiện đại như siêu âm mầu 4D, nội soi tai – mũi – họng, X quang kỹ thuật số, sinh hóa máu tự động… góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho nhân dân trong vùng. Mặc dù còn thiếu nguồn nhân lực, nhưng mỗi năm bệnh viện phân công bảy bác sĩ luân phiên nhau về các xã còn hạn chế, yếu kém, hỗ trợ cập nhật, chuyển giao các kỹ thuật cho các thầy thuốc tuyến dưới.
Các huyện vùng cao phía tây tỉnh Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân còn hết sức khó khăn. Mạng lưới y tế khu vực này còn không ít khó khăn, bất cập. Bác sĩ thiếu về số lượng và yếu về năng lực, cho nên chất lượng khám, chữa bệnh tại một số trạm y tế và cả bệnh viện đa khoa huyện còn nhiều hạn chế. Như vấn đề chuyển giao các kỹ thuật mới và khó từ tuyến trên về tuyến dưới còn chậm và lúng túng; việc giải thích, tư vấn cho người bệnh và người nhà chưa thấu đáo khi phải chuyển tuyến, thái độ y đức kém của một bộ phận cán bộ nhân viên chưa được khắc phục. Nghệ An hiện có 479 xã, trong khi số bác sĩ là người địa phương chỉ có 290 người. Đáng chú ý, phần lớn các huyện miền núi vùng cao, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đến nay mới chiếm 25 đến 30%. Đây cũng là yếu tố giải thích vì sao ở các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… tỷ lệ trẻ trong độ tuổi bị suy dinh dưỡng còn ở mức 24 đến 28% (cả nước là 18%).
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 1.728 bác sĩ, đạt tỷ lệ 5,9 bác sĩ/mười nghìn dân (cả nước là 7,2 bác sĩ/mười nghìn dân); dược sĩ đại học có 205 người, đạt 0,7/mười nghìn dân (cả nước là 1,3/mười nghìn dân). Thiếu bác sĩ và dược sĩ đại học một cách gay gắt, nhưng phân bố không đồng đều càng làm cho sự thiếu hụt xảy ra trầm trọng đối với các huyện miền núi vùng cao Nghệ An, cũng như các đơn vị y tế dự phòng và các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần. Bởi vậy, trong Đề án “Phát triển nguồn nhân lực bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học, ngành y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020”, như bác sĩ Phạm Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sau khi cân đối Nghệ An xác định để có bảy bác sĩ/mười nghìn dân, 90% số trạm y tế xã ở đồng bằng và 70 đến 80% số trạm y tế miền núi có bác sĩ công tác vào năm 2015 thì cần 2.132 bác sĩ và thêm 100 dược sĩ đại học; trong đó tuyến huyện cần có 670 bác sĩ và tuyến xã cần 396 người. Thật ra, nguồn tuyển dụng đối với Nghệ An không khó, bởi số sinh viên hệ chính quy là con, em trong tỉnh hiện đang học tại các trường đại học y – dược trong nước là khoảng 900 người. Mặt khác hằng năm, Nghệ An gửi đi đào tạo bác sĩ các hệ khoảng 100 trường hợp. Vấn đề quan trọng và trước hết là Nghệ An đề ra và thực hiện được các chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực nói chung và ngành y tế nói riêng. Đối với tuyến y tế cơ sở, cùng với tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống bệnh viện đa khoa huyện, các trung tâm y tế và nâng cấp hơn 60 trạm y tế đã xuống cấp đến năm 2015, tỉnh cần ưu tiên trong quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Riêng các huyện vùng cao còn lắm khó khăn, có hình thức khuyến khích con, em đồng bào các dân tộc tham gia các lớp đào tạo bác sĩ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ để trở về phục vụ quê hương nhằm khắc phục tình trạng thiếu và yếu cán bộ lâu nay ở địa bàn này.
Trong nhiều biện pháp để khỏa lấp sự chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi, thì việc tiếp tục tăng cường đưa bác sĩ từ tuyến trên về công tác tại tuyến dưới; đồng thời có cơ chế định kỳ luân chuyển bác sĩ công tác ở xã về huyện để có điều kiện cập nhật kiến thức, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân là điều Nghệ An cần duy trì, phát huy và thực hiện một cách hiệu quả hơn.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()