Nghệ An, Thanh Hóa khắc phục hậu quả mưa lũ
Tại tỉnh Nghệ An, trong cơn bão số 4 vừa qua, huyện Kỳ Sơn bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ và sạt lở đất. Toàn huyện có sáu người chết và mất tích; 440 hộ gia đình bị thiệt hại. Ngay sau lũ rút, Sở Y tế, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Nghệ An đã triển khai đoàn công tác khám, chữa bệnh miễn phí và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cho người dân Kỳ Sơn. Tổng giá trị tiền thuốc cấp phát là 75 triệu đồng. Trong ngày 21-8, đoàn đã khám và cấp thuốc, trao 300 phần quà các loại cho hơn 800 người dân. |
Ðã có khoảng 46 trạm điện thuộc tám xã vùng sâu miền tây Nghệ An bị mất nguồn. Gần 6.000 hộ dân các xã: Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Thôn, Nậm Nhoóng, Tri Lễ (huyện Quế Phong), ba xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông (huyện Tương Dương) mất điện hoàn toàn từ sáng 17-8 đến nay. Ngành điện lực Nghệ An đang cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất. * Sau bão số 4, tại địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), tình trạng sạt lở đất tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tính đến ngày 21-8, đã có ba ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng chục hộ dân khác phải di dời khẩn cấp. Hiện, huyện hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ có nhà bị sạt lở và bị cuốn trôi toàn bộ 10 triệu đồng làm lán ở tạm. * Tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị T.Ư hỗ trợ khẩn cấp 50 cơ số thuốc phòng, chống lụt bão, 1.800 bộ trang phục bảo hộ phòng chống dịch, 10 nghìn lít hóa chất sát trùng, 20 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng… để phục vụ công tác xử lý môi trường sau bão. Tỉnh đề nghị hỗ trợ 1.200 tấn khoai tây, 300 tấn hạt giống ngô, 500 tấn lúa… nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp. * Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiệu ứng phơn nên các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35 đến 37oC, có nơi trên 37oC. * Theo dự báo của Ðài Khí tượng – Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão. Mưa liên tục trên diện rộng với cấp độ phức tạp. Trong tháng 7 và từ đầu tháng 8 đến nay, lượng mưa toàn khu vực vượt cao so với trung bình nhiều năm. Cao điểm tháng 7, lượng mưa phổ biến ở Gia Lai và Kon Tum vượt hơn 300% so với cùng kỳ hằng năm. Do đó, hiện mực nước ở các sông, suối cao hơn quy luật. * Do lũ thượng nguồn đổ về kết hợp mưa tại chỗ khiến hàng nghìn héc-ta lúa tại huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) có nguy cơ bị nhấn chìm. Ngành chức năng đang vận động, hỗ trợ bơm nước, gia cố đê bao bảo vệ lúa. Nếu toàn bộ diện tích lúa bị ngập lũ, vụ này nông dân sẽ thiệt hại khoảng hơn 100 tỷ đồng. * Lũ về sớm cùng với triều cường cũng đã nhấn chìm hàng chục héc-ta rau màu của người dân ở đầu nguồn Ðồng Tháp. Nhiều địa phương đã huy động lực lượng dân quân tự vệ và người dân gia cố, bảo vệ lúa trong đê bao an toàn. * Huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang đề nghị các xã, thị trấn chủ động triển khai biện pháp để ứng phó, phòng chống mưa, bão, kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao, hệ thống cống, đập trên địa bàn. * Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, đập Thiết – Bai, xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Ðàn, tỉnh Nghệ An bị sụt lún nghiêm trọng, nước gây xói lở, ăn sâu vào thân đập khoảng 5 đến 7 m, bê-tông bị bong tróc. Nếu không có phương án tu sửa sớm, khả năng vỡ đập Thiết – Bai rất cao. Ðập có diện tích lòng hồ hơn 15 ha, phục vụ tưới hơn 45 ha lúa và cây màu các loại. * Tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi giai đoạn 2018 – 2020. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến hơn 311 tỷ đồng, tập trung nâng cấp bảy hệ thống kênh thiết yếu với hàng chục công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng như: Nam Thạch Hãn, Triệu Thượng, Ái Tử, Trúc Kinh, Hà Thượng cùng hệ thống đập dâng và trạm bơm. * Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ðác Lắc, do thời tiết diễn biến bất thường, nhiều diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sắn, tập trung ở huyện Krông Bông với diện tích hơn 120 ha. Chi cục khuyến cáo bà con nông dân không mua giống sắn nguồn gốc không rõ ràng; nhổ bỏ hết diện tích sắn bị nhiễm bệnh nặng; phun thuốc xử lý nấm, vi-rút gây bệnh. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()