Nghệ An: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị xã miền núi với 5 dân tộc cùng sinh sống như Thái, Thổ, khơ Mú, Mông, Ơ Đu, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và 36% dân số trên địa bàn miền núi. Để tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia nhiều hơn các hoạt động, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, coi đây là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị và chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm và tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ đồng bào dân tộc đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu...
Tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị xã miền núi với 5 dân tộc cùng sinh sống như Thái, Thổ, khơ Mú, Mông, Ơ Đu, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và 36% dân số trên địa bàn miền núi. Để tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia nhiều hơn các hoạt động, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, coi đây là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh – quốc phòng.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị và chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm và tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ đồng bào dân tộc đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.
Tỉnh Nghệ An đã công nhận 1.175 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có nhiều già làng, người có uy tín đã gương mẫu đi đầu thay đổi các phương thức sản xuất lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp. Nhiều già làng, người uy tín là tấm gương sáng mẫu mực trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Nhiều người uy tín không những sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn vận động họ tộc giúp nhau vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Từ độc canh cây lúa và các loại cây củ quả sản xuất theo phương thức canh tác lạc hậu, người có uy tín đi đầu và vận động nhân dân thực hiện đa dạng hóa các mô hình kinh tế như: kinh tế trang trại trồng cam, trồng keo lai, mô hình trồng gừng, giong, riềng, dứa, cánh kiến, mận tam hoa, nuôi bò lai sind, gà đen, nhím, cải tạo vườn tạp, nuôi cá, ba ba, dệt thổ cẩm…
Hiện nay, trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh đã có trên 500 mô hình cho thu nhập ổn định từ 50 – 100 triệu đồng/năm, tiêu biểu như: già làng Vừ Giông Nênh, Cụt Kim Liễu (Tương Dương); Vi Đình Duyên, Lương Văn Chung (Quỳ Châu); Hoa Phò Khuôn, Lô Khắc Lợi, Moong Phò Ta (Kỳ Sơn); Vi Truyền Quynh (Thanh Chương); Quang Phương, Lương Thị Liên (Con Cuông).
Cùng với việc phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp không ngừng quan tâm, chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm được xây dựng ở hầu hết các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hệ thống nước sạch sinh hoạt, sóng phát thanh truyền hình đã phủ sóng hầu hết các thôn xóm.
Trong phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, các già làng, người có uy tín đã phát huy vai trò nòng cốt, xóa bỏ các phong tục lạc hậu như: đồng bào Mông đã xóa được tập tục để người chết trong nhà hàng tuần và mỗi con trai phải mổ một con trâu hoặc bò khi bố mẹ mất. Nhiều dân tộc khác đã xóa được tập tục thách cưới bằng bạc nến; thầy mo, thầy cúng chữa bệnh…
Phong trào lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn phát huy như câu lạc bộ văn hóa chữ Thái; câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thổ; các hoạt động văn hóa thể thao như: khắc luống, ném còn, kéo co, bắn nỏ…
Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả tinh thần Chỉ thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thật sự phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Với tinh thần trách nhiệm cao, những người có uy tín trong đồng bào DTTS đã kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền đấu tranh, xóa bỏ được gần 2.000 m2 diện tích tái trồng cây thuốc phiện; vận động gần 100 đối tượng ký cam kết không tham gia buôn bán trái phép chất ma túy, giao nộp hàng trăm khẩu súng các loại, hàng trăm hộ từ bỏ ý định di cư sang Lào.
Bên cạnh đó, những người có uy tín còn tích cực vận động nhân dân nâng cao ý thức, phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, tộc họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc dân tộc, không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, thực hiện tốt qui ước, hương ước của thôn xóm, làng bản.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()