Nghệ An phát huy vai trò giám sát của xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, tỉnh Nghệ An đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng gắn liền việc nâng cao nhận thức, phát huy vai trò giám sát của xã hội trong lĩnh vực công tác này.
* Gia Lai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững
Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp coi trọng công tác tự kiểm tra, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động của cán bộ, công chức; thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với thanh tra việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức; minh bạch các quy trình, thủ tục trong giải quyết các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm liên quan ngành, lĩnh vực của địa phương, đơn vị.
Sáu tháng đầu năm 2014, qua công tác phòng, chống tham nhũng, tại Nghệ An đã phát hiện số tiền liên quan sai phạm gần 160,5 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2013. Viện KSND tỉnh thụ lý kiểm sát điều tra tám vụ với 14 bị can phạm tội về tham nhũng; TAND thụ lý xét xử sáu vụ án với 14 đối tượng phạm tội liên quan tham nhũng. Nhằm sớm khắc phục một số yếu kém trong công tác này, Tỉnh ủy Nghệ An đang tập trung chỉ đạo các cơ quan khối nội chính nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
* Tỉnh Gia Lai đang tập trung rà soát các đối tượng là hộ nghèo; thực hiện các nhóm giải pháp quan trọng và phù hợp để tiến tới thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng bền vững. Hiện, toàn tỉnh còn hơn 17% số hộ nghèo; tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm số hộ nghèo xuống còn 12%, bình quân mỗi năm giảm từ 2% đến 3%.
Một trong những giải pháp đang được tỉnh tập trung là đẩy mạnh việc chuyển đổi đất lâm nghiệp (rừng nghèo) để hỗ trợ đất sản xuất cho người dân, đồng thời tiếp nhận lao động vào làm công nhân trong các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Ðối với những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ, tỉnh tập trung trợ giúp người nghèo học nghề để tự tạo việc làm, hoặc giao khoán rừng quản lý theo quy định của Nhà nước. Những hộ nghèo tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được tỉnh trích kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương với mức 200 nghìn đồng/ha/năm, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Ðối với số hộ mới thoát nghèo, tỉnh có kế hoạch bố trí kinh phí cho vay vốn với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (không phải là hộ nghèo) đi xuất khẩu lao động với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/người. Tỉnh phấn đấu mỗi năm có hơn một nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ðối với những hộ nghèo do thiếu lao động, đông con, bệnh tật, già yếu cô đơn… tỉnh đã có những giải pháp đặc thù bảo đảm đời sống ổn định, như hỗ trợ giá, cước một số mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ dịch vụ y tế đối với những hộ đông con. Tỉnh tạo cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển, thu hút lao động tại chỗ, phấn đấu hằng năm giải quyết từ hai đến ba nghìn lao động thuộc hộ nghèo có việc làm ổn định.
Từ năm 2010 đến nay, do tích cực thực hiện các chính sách chăm lo cho người nghèo cho nên bình quân mỗi năm số hộ nghèo của tỉnh giảm hơn 2%.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()