Theo báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An, từ năm 2012, nhằm bố trí đủ công chức cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh cho phép các huyện được điều động giáo viên về làm viên chức biệt phái. Trong đó, theo quy định, ngoài số công chức biên chế được phép tuyển dụng, mỗi phòng giáo dục và đào tạo sẽ được nhận thêm từ 4 – 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ngoài công tác chuyên môn, viên chức biệt phái trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương lại nhận viên chức biệt phái vượt tiêu chuẩn cho phép. Báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An mới đây cho thấy: Qua rà soát ở 21 huyện, thành phố, thị xã có bốn huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong và Tương Dương có số viên chức biệt phái vượt quá quy định với số lượng 20 người. Trong đó, nhiều nhất là hai huyện Kỳ Sơn (bảy người) và Quế Phong (năm người). Hai huyện còn lại, mỗi huyện vượt quá bốn người. Số viên chức biệt phái tập trung tại một số trường vùng đặc biệt khó khăn, rẻo cao, biên giới có chính sách ưu đãi tiền lương, phụ cấp cao.
Trước thực tế này, Sở Nội vụ đã tham mưu để UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần: Bố trí đủ số biên chế công chức và đúng số lượng viên chức biệt phái theo quy định của UBND tỉnh. Ngoài ra, cần tuyển chọn rà soát, bố trí viên chức biệt phái đúng đối tượng, tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính… để ban hành chính sách hỗ trợ viên chức công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo trên nguyên tắc bảo đảm tương quan mặt bằng chung.
Ý kiến ()