Nghệ An nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó đã chuyển đổi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các nông, lâm trường, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó đã chuyển đổi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các nông, lâm trường, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tiếp tục sắp xếp lại các nông, lâm trường
Trong công tác sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh tỉnh đã sắp xếp lại năm nông trường và ba công ty thành tám công ty nông nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, sắp xếp sáu lâm trường và một công ty thành bảy công ty lâm nghiệp. Theo Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An Võ Hồng Dương, tính đến giữa năm 2012, toàn tỉnh đã có 13 công ty nông, lâm nghiệp và 14 Ban quản lý các rừng phòng hộ. Cùng với việc chuyển đổi các nông, lâm trường thành các công ty theo Luật Doanh nghiệp, tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt công tác đổi mới quản lý, sử dụng đất. Trước khi sắp xếp lại, toàn tỉnh có hơn 223 nghìn ha đất nông, lâm trường, hiện nay có hơn 504 nghìn ha, tăng 281 nghìn ha. Các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trước khi sắp xếp có 128 nghìn ha, hiện nay là 427 nghìn ha, tăng 299 nghìn ha, trong số diện tích trên có 122 ha đất đã chuyển sang ký hợp đồng thuê đất. Ðánh giá những kết quả cũng như hạn chế của công tác sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh của tỉnh Nghệ An cho thấy, hệ thống các công ty nông, lâm nghiệp đã được chuyển đổi và sắp xếp phù hợp với yêu cầu phát triển, hoàn thiện việc quy hoạch sử dụng đất; các công ty phần lớn thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ và dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời thực hiện tốt các dự án như: Dự án trồng rừng Việt – Ðức, Dự án 661, 147… Hằng năm, bình quân toàn tỉnh trồng mới hơn 10 nghìn ha rừng tập trung, góp phần cải tạo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nâng độ che phủ của rừng từ 45% năm 2002 lên 53,3% năm 2011.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định còn nhiều hạn chế từ công tác rà soát quỹ đất được giao, trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xác định mốc giới. Ðặc biệt, tại nhiều nơi, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất, cho thuê, cho mượn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Phó Trưởng phòng kinh tế tổng hợp thuộc UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Quang Thiềm cho biết, hiện nay các công ty nông, lâm nghiệp đang được tỉnh cấp đất với hình thức không thu tiền sử dụng đất. Thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại còn thấp, nhiều nơi diễn ra tình trạng nợ bảo hiểm xã hội người lao động. Ðây chính là những hạn chế mà tỉnh đã chỉ ra, cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp trong thời gian trước mắt và lâu dài nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất đai, không ngừng nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Thực hiện Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô lớn do Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH làm chủ đầu tư, tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất của các nông, lâm trường trên địa bàn huyện Nghĩa Ðàn và thị xã Thái Hòa với tổng diện tích 4.043,12 ha, trong đó Dự án đã thực hiện đền bù và nhận bàn giao 3.600 ha đất để trồng cây làm nguồn thức ăn cho bò. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có quyết định công bố vùng quy hoạch nguồn nguyên liệu cho Dự án là 8.100 ha. Ðến nay, tổng diện tích đưa vào trồng trọt khoảng 2.500 ha đất, công ty cũng đã thực hiện gieo trồng thành công một số loại cây trồng phục vụ việc chăn nuôi bò sữa.
Mới đây, để đổi mới mô hình tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất hiện có của các công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Nghệ An đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Sông Con thành Công ty TNHH hai thành viên với sự góp vốn của Công ty cổ phần mía đường Sông Con; đồng ý UBND tỉnh Nghệ An góp toàn bộ vốn và tài sản trên đất tại Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Sông Con thành lập Công ty TNHH hai thành viên; đồng thời chỉ đạo tỉnh rà soát, đo đạc lại đất đai và quy hoạch cho doanh nghiệp thuê phù hợp với mục đích yêu cầu, bảo đảm thực hiện đúng Luật Ðất đai; đánh giá lại giá trị doanh nghiệp Công ty TNHH nông nghiệp Sông Con theo nguyên tắc thị trường, trong đó có vườn cây và rừng trồng để xác định giá trị vốn góp, không thực hiện chuyển giao nguyên trạng. Công ty TNHH hai thành viên nông nghiệp Sông Con có trách nhiệm tiếp nhận và sử dụng toàn bộ lao động; kế thừa nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Sông Con; ký hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các bên liên quan xây dựng phương án chuyển đổi để tỉnh phê duyệt, đồng thời thành lập Ðoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra toàn diện đối với Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Sông Con để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án chuyển đổi; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp xử lý. Mặc dù công tác triển khai diễn ra còn chậm, song đây là một chủ trương đúng đắn của Ðảng bộ và UBND tỉnh Nghệ An nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai thực hiện.
Cùng với việc thu hút các dự án đầu tư, đẩy mạnh đổi mới hoạt động doanh nghiệp, trên mặt trận nông nghiệp, tỉnh Nghệ An đang chú trọng quan tâm đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ðây là những định hướng đúng, phù hợp với thực tiễn nhằm phát huy thế mạnh vốn có, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()