Nghệ An: Giáo viên mỏi mòn chờ biên chế
Trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện nay đang tồn đọng 127 giáo viên thuộc các bậc học mầm non, tiểu học và THCS nằm ngoài biên chế, trong đó đông nhất là giáo viên bậc mầm non với 40 giáo viên và hơn 40 giáo viên bậc tiểu học.
Số giáo viên này đều do UBND huyện đứng ra hợp đồng, cá biệt lâu nhất từ năm 1999 và 2004 đa số từ năm 2009 và mới nhất là năm 2010.
Trong danh sách giáo viên, nhân viên do huyện hợp đồng giao xuống các trường học, chủ yếu có bằng cấp cao đẳng, trung cấp ở các bộ môn: mỹ thuật, nhạc còn lại đa số là nhân viên kế toán, thư viện, thiết bị thí nghiệm, tin học…
Tuy nhiên, do không có nguồn ngân sách chi trả nên thù lao hằng tháng cho số giáo viên này hiện nay chỉ nằm ở mức: nếu bằng trung cấp thì theo hệ số 1,86, mỗi tháng hưởng 1.953 nghìn đồng; cao đẳng mức 2,10 mỗi tháng hưởng 2.205 nghìn đồng. Số tiền này chủ yếu được lấy từ các khoản chi khác của nhà trường. Nếu lấy số lương bình quân một giáo viên hợp đồng là hai triệu đồng thì mỗi năm các nhà trường phải bớt xén trong các nguồn chi khác để chi trả cho 127 giáo viên trên với số tiền hơn ba tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc các trường phải bớt xén và thậm chí phải lược bớt một số hoạt động cần phải chi khác. Trong lúc đó nhiều trường đã đủ định biên và tự bố trí sắp xếp được giáo viên hiện có để đảm nhận các vị trí mà giáo viên đang hợp đồng do huyện “ấn xuống”.
Trước tình trạng thừa chỉ tiêu biên chế và hợp đồng tràn lan trong ngành giáo dục, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Chỉ thị số 39, ngày 6-10-2004 về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong điều 3 chỉ thị này nêu rõ: “Các cơ quan, đơn vị không được hợp đồng giáo viên, nhân viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao; hợp đồng với cá nhân không đủ điều kiện không đủ điều kiện tiêu chuẩn tuyển dụng. Tổ chức cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý theo quy định của Nhà nước, đồng thời phải đền bù số kinh phí hợp đồng sai quy định”. Thế nhưng không hiểu sao, trong lúc không có định biên, lực lượng lao động đối với các bộ môn trên trong ngành giáo dục của huyện không đến nỗi thiếu mà ngành giáo dục lại tham mưu cho UBND huyện phải quyết định hợp đồng thêm để thêm gánh nặng cho các trường.
Việc này không chỉ gây bức xúc cho các nhà trường mà còn gây bức xúc cho bản thân số giáo viên do huyện hợp đồng với hứa hẹn sẽ được vào một suất biên chế. Nhưng đã nhiều năm họ phấn đấu, cống hiến cật lực và “dài cổ” chờ đợi trong vô vọng với đồng lương ít ỏi do thời gian hợp đồng không được xét nâng lương và hưởng đầy đủ mọi chế độ thực sự như một giáo viên nhân viên.
Thực tế như Bí thư huyện ủy Thanh Chương nói: Số này không thể nào vào biên chế được do trường lớp ngày một giảm và số biên chế của ngành giáo dục – đào tạo của huyện Thanh Chương phải nhiều năm nữa mới được bổ sung. Hoặc nếu được bổ sung nhiều người trong số hơn 120 giáo viên đang hợp đồng cũng không đủ tiêu chuẩn theo quy định như độ tuổi, trình độ… để vào biên chế. Ông thừa nhận đó là việc làm trái quy định Chỉ thị số 39 của UBND. Ông cũng cho hay, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy đã có nhiều cuộc họp tìm biện pháp giải quyết vấn đề này nhưng cho đến nay vẫn còn nan giải.
Được biết trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngoài huyện Thanh Chương, còn rất nhiều giáo viên ngoài biên chế đang “sống dở, chết dở” nằm rải rác ở các trường học như huyện Nam Đàn, Đô Lương, Con Cuông, Yên Thành… Cũng như huyện Thanh Chương, hiện nay rất khó thanh lý hợp đồng đối với các trường hợp này, dẫn đến các trường rất bức xúc do phải san sẻ số tiền ít ỏi trong cái túi của mình mà không có gì bù đắp để thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của một trường học. Vậy thì số phận của số giáo viên này sẽ đi về đâu? Có lẽ chỉ những người cầm bút ký vào quyết định hợp đồng với họ mới biết và họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những con người này và lớn hơn là phải truy cứu chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng của Nghệ An cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ.
Ý kiến ()