Nghệ An đầu tư nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ
Lắp đặt thiết bị công nghệ cao tại Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ. - Nằm ở vị trí giao điểm của các tuyến giao thông quan trọng bắc - nam và đông - tây, tỉnh Nghệ An nói chung, TP Vinh nói riêng được đánh giá cao về lợi thế đầu tư, tăng trưởng kinh tế và là trung tâm khoa học và công nghệ (KH và CN) của vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này, tỉnh Nghệ An đang tìm cách đầu tư phát triển nguồn lực cả về lượng và chất nhằm nâng cao năng lực hoạt động KH và CN.Xây dựng trung tâm KH và CN vùng Bắc Trung Bộ Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa, Phó Chủ tịch Hội Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết: Dự án xây dựng "Hồ chứa nước bản Mồng" được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD (ngày 26-5-2009). Dự án là một trong những công trình thủy nông lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, có khả năng cắt giảm lũ vùng hạ du, đồng thời cung cấp...
Lắp đặt thiết bị công nghệ cao tại Viện Khoa học – kỹ thuật nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ. |
– Nằm ở vị trí giao điểm của các tuyến giao thông quan trọng bắc – nam và đông – tây, tỉnh Nghệ An nói chung, TP Vinh nói riêng được đánh giá cao về lợi thế đầu tư, tăng trưởng kinh tế và là trung tâm khoa học và công nghệ (KH và CN) của vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này, tỉnh Nghệ An đang tìm cách đầu tư phát triển nguồn lực cả về lượng và chất nhằm nâng cao năng lực hoạt động KH và CN.
Xây dựng trung tâm KH và CN vùng Bắc Trung Bộ
Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa, Phó Chủ tịch Hội Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết: Dự án xây dựng “Hồ chứa nước bản Mồng” được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD (ngày 26-5-2009). Dự án là một trong những công trình thủy nông lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, có khả năng cắt giảm lũ vùng hạ du, đồng thời cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và cải thiện môi trường cho hàng chục xã thuộc các huyện miền tây Nghệ An. Để xây dựng công trình, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) phải di dời 12 bản đồng bào các dân tộc thiểu số với 773 hộ (hơn 3.450 nhân khẩu). Ngoài ra, 215 ha đất lúa hai vụ cũng như các công trình điện, đường, trường, trạm của xã sẽ ngập chìm trong nước. Xã Châu Hội kề cận không tránh khỏi phải di dời sáu bản với 197 hộ gia đình… theo dự toán tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, bồi thường cho di dân tái định cư gần 900 tỷ đồng. Làm thế nào để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do phải di dân và giải phóng mặt bằng nhưng vẫn giữ được các bản, làng thân yêu, cánh đồng trù phú của người dân Châu Bình bao năm tạo dựng mà vẫn không làm thay đổi mục tiêu của dự án? Nguyên là Chi cục trưởng thủy lợi của tỉnh, kỹ sư Nguyễn Quang Hòa và nhóm cộng sự sau nhiều ngày, tháng tập trung nghiên cứu tài liệu, lăn lộn khảo sát thực tế dù địa hình phức tạp đã đề xuất ba giải pháp, kỹ thuật. Đó là đắp đập phụ để ngăn nước hồ bản Mồng đổ vào Châu Bình, xây kênh đổi dòng chảy sông Cô Ba đổ vào hồ bản Mồng và làm kênh tiêu Châu Bình để thoát nước cho vùng được bảo vệ và địa bàn lân cận. Sau một số cuộc hội thảo, giải pháp kỹ thuật do kỹ sư Nguyễn Quang Hòa đưa ra được các chuyên gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tình chấp thuận. Triển khai “Công trình hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình” vào Dự án hồ chứa nước bản Mồng đã đem lại kết quả ngoài mong đợi là 565 trong số 773 hộ không phải di dời, gần 140 ha đất trồng hai vụ cũng như trụ sở UBND xã và các công trình xây dựng của Châu Bình vẫn được giữ nguyên… Công trình nói trên đoạt giải ba Giải thưởng VIFOTEC năm 2011. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, thực hiện giải pháp, kỹ thuật này đã tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng (theo giá mới). Trong buổi giao lưu giữa nhóm tác giả của công trình với người dân được thụ hưởng dự án (giữa tháng 6-2012) từ lãnh đạo huyện Quỳ Châu đến người dân các xã Châu Bình đều tỏ niềm vui mừng, lòng biết ơn về ý nghĩa và tác dụng to lớn mà công trình đem lại cho người dân sở tại.
Tiến sĩ Trần Xuân Bí, nguyên Giám đốc Sở KH và CN Nghệ An cho biết: Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khá hiện đại cho nên khoảng ba năm trở lại đây năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống được nâng lên rõ rệt. Thành công của dự án nói trên là thí dụ điển hình. Chỉ tính hai năm gần đây (2010 – 2011), Nghệ An có gần 20 đề tài, dự án đoạt giải sáng tạo KH và CN cấp tỉnh (trong đó có một giải đặc biệt, ba giải nhất). Các công trình đoạt giải là những tiến bộ KH và CN, các giải pháp hữu ích được ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Những kết quả bước đầu đó có được là trên cơ sở thực hiện Đề án “Xây dựng TP Vinh thành Trung tâm KH và CN vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2010 và các năm tiếp theo” (Quyết định số 71/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An).
Sau sáu năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP Vinh thành Trung tâm KH và CN vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2010 và các năm tiếp theo”, đến nay 13 trong số 20 dự án (đầu tư hơn 246 tỷ đồng) cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đáng chú ý nhất là các dự án: Xây dựng và nâng cấp Viện Khoa học – Kỹ thuật nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ, Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An, Đài khí tượng – thủy văn Bắc Trung Bộ, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An… được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khá hiện đại, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống người dân trong vùng.
Đào tạo đội ngũ trí thức KH và CN
Hơn ba năm qua, Ban Chủ nhiệm chương trình KH và CN trọng điểm Nghệ An phối hợp các đơn vị nghiên cứu trên địa bàn triển khai, thực hiện 136 đề tài, dự án các cấp (trong đó khoảng 90 đề tài dự án đã được nghiệm thu). Từ đây đã xây dựng được hơn 100 mô hình và hàng trăm quy trình kỹ thuật được áp dụng vào thực tế cuộc sống, nhằm giải quyết các vấn đề: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sử dụng giống cây, con có năng suất và chất lượng cao, đồng thời phát triển các sản phẩm hàng hoá có lợi thế của Nghệ An như lạc xuất khẩu ở các huyện đồng bằng, cây công nghiệp và đàn bò sữa thuộc các huyện miền núi phía tây Nghệ An… Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, trên địa bàn Nghệ An hiện có không ít trường đại học, cơ sở nghiên cứu của trung ương và khu vực nhưng việc khai thác, tranh thủ lợi thế từ các đơn vị này chưa được phát huy. Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có gần 70 đơn vị hoạt động KH và CN, bao gồm các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu vùng (phần lớn tập trung ở khu vực TP Vinh). Nguồn nhân lực làm KH và CN trên địa bàn bao gồm 14 nghìn người, song theo đánh giá của các chuyên gia, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Bởi trình độ từ thạc sĩ đến tiến sĩ mới có khoảng 650 người, riêng đội ngũ giáo sư và phó giáo sư mới có hơn 30 người (cũng phần lớn tập trung ở Trường đại học Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật và Cao đẳng sư phạm Nghệ An). Điều đáng nói là cơ cấu đội ngũ cán bộ phân bố theo ngành và lãnh thổ còn bất hợp lý. Lĩnh vực nông – lâm nghiệp là một trong các lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật rộng, có số đơn vị và nguồn nhân lực làm công tác KH và CN lớn. Nhưng qua điều tra ở 17 đơn vị cho thấy, trong số 1.008 người công tác trong lĩnh vực KH và CN chỉ có một phó giáo sư, số tiến sĩ đếm trên đầu ngón tay, còn số có trình độ đại học và cao đẳng là hơn 400 trường hợp. Cũng vì lẽ đó, lâu nay, Nghệ An ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quản lý cũng như nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cho nên, các kết quả hoạt động về KH và CN ở Nghệ An những năm qua, khó tránh khỏi ở quy mô nhỏ, hàm lượng khoa học thấp… Để nâng cao năng lực hoạt động của KH và CN trong tỉnh cũng như xây dựng TP Vinh trở thành Trung tâm KH và CN của vùng Bắc Trung Bộ, từ năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã có Đề án “Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức KH và CN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước ở Nghệ An”. Theo Tiến sĩ Trần Xuân Bí, mục tiêu của đề án nhằm tạo môi trường dân chủ, công khai, thuận lợi cho đội ngũ làm KH và CN lao động và sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tập trung nghiên cứu tìm các giải pháp, cơ chế nhằm đào tạo, bồi dưỡng sử dụng và phát huy nguồn nhân lực ở cả ba loại hình: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cán bộ KH và CN. Tháo gỡ vướng mắc, thực hiện tốt hơn một số chính sách nhằm thu hút nhân lực trình độ cao, nhất là từ hơn 15 nghìn con em người Nghệ An theo học ở các trường đại học trong cả nước mỗi năm. Có chế độ hỗ trợ thích hợp các cán bộ KH và CN đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề. Đồng thời tôn vinh và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp to lớn cho sự phát triển KH và CN, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chú trọng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học nhằm tập hợp các nhà trí thức, chuyên gia trong và ngoài tỉnh phản biện các chương trình, dự án kinh tế – xã hội, dự án KH và CN nhằm tìm các giải pháp thực hiện tối ưu, hiệu quả nhất (như “Công trình hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình”). Trước mắt, Nghệ An có cơ chế động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ KH và CN nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng; khai thác có hiệu quả các trang thiết bị, phòng thí nghiệm vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng nhằm đưa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng có hàm lượng KH và CN cao, thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung.
Theo Nhandan
Ý kiến ()