Ngày xuân - xem Chèo Hà Nội
Cứ độ xuân về, khán giả yêu chèo Thủ Đô lại được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc với những tiết mục hấp dẫn, đậm chất dân gian mà tươi mới, sinh sắc, với phong cách thật riêng – Phong cách chèo Hà Nội.
Xuân là phải vui, phải đầy ắp tiếng cười đem lại sự sảng khoái, vận may, sự an lành cho một năm mới. Đó cũng là tiêu chí để chèo Hà Nội xây dựng kịch mục biểu diễn chào xuân 2010.
…“Chiếc nón ba tầm, chiếc khăn nhiễu xanh… tóc vấn đuôi gà, kìa ai lướt nhanh…Em là cô gái kẻ Mơ, em đi bán rượu tình cờ gặp anh…”, điệu Lới lơ xuống phố của nhạc sĩ Hạnh Nhân vui tươi nhí nhảnh, như đem theo khí xuân, đem theo sự thanh lịch của người Hà nội ùa tràn vào Nhà hát đã mờ màn cho đêm diễn. Tiếp theo là các trích đoạn được rút ra từ những vở chèo cổ, chèo hài nổi tiếng…
Trích đoạn Việc làng |
Lớp trò Việc làng – tiêu biểu cho ngôn ngữ “trò nhời” rất nổi tiếng của chèo cổ truyền (Quan âm Thị Kính) sống động trên sân khấu, đem lại những tiếng cười sảng khoái, mà cũng thật triết lý, sâu cay…Câu chuyện từ xa xưa nhưng vẫn ngồn ngộn đấy tính thời sự qua sự diễn xuất tài tình của các nghệ sĩ Chèo Hà Nội. Đặc biệt, Thị Màu danh giá nhất làng chèo hiện nay – NSƯT Thu Huyền đã vào vai rất sắc với “cái chum thật” sắp đến ngày khai hoa của mình, không phải “độn “ bụng như tất cả những ai đã từng làm Thị Màu trên sân khấu!
NSƯT Thu Huyền với cái “chum” thật |
NSUT Quốc Anh, người vừa khiến không biết bao trái tim yêu chèo thổn thức, rơi lệ khi anh hoá thân làm Nguyễn Trãi trong vở Oan khuất một thời – tại Hội diễn SK chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Trở lại với sở trường hài, anh lại làm khán giả cười nghiêng ngả. Lối diễn xuất tinh tế, đài từ gia giảm lúc bổng, lúc trầm, khi khoan khi mau đúng tình, đúng cảnh… Quốc Anh đã khắc hoạ nên Bá Kiến – một lão già đến nỗi chỉ ngồi trên lưng bắt người khác cõng thôi, cũng đủ mệt mà phải xin “tha” cho xuống đất… Vậy mà lão vẫn khát khao, vẫn thèm muốn… vẫn sáng suốt “thiết kế” trò ghen tuông để “đấu” với mợ ba đương thì xuân sắc… Khán giả lại được phen cười nghiêng ngả vì anh đã diễn tả cái “bi”trong ngôn ngữ hài hước hoá của chèo một cách thật nhuyễn. (Trích đoạn: Chuyện nhà Bá Kiến – đạo diễn NSND Lê Hùng).
Tiểu phẩm Chuyện nhà Bá Kiến |
NSƯT Thuý Mùi với lối diễn tưng tửng “như không”, ấy vậy mà người xem bấm bụng cười ngay từ lúc chị “trượt” ra sân khấu cùng âm điệu “lão say” vui nhộn. Đôi guốc mộc làm đà “phanh gấp” theo nhịp hát, khiến người đổ xiêu đổ vẹo, lắc lư tưởng chỉ còn nước ngã lăn ra sàn…Khán giả được dẫn từ cảm giác hồi hộp, khoái chí đến cười chảy nước mắt dõi theo từng cử chỉ, động tác, và đặc biệt là giọng nói “hài hoá” đặc sệt chèo, xách mé thổ ngữ đồng bằng Bắc Bộ khi chị hoá thân thành bà mẹ chồng khó tính, khó đến oái oăm. Bà lặn lội ra thành phố với mục đích duy nhất là “để iem rậy con râu”, nhưng lại làm mọi chuyện rối tinh rối mù … khiến cô con dâu người thành phố không biết ứng phó sao cho phải đạo! (Tiểu phẩm hài Bà già ra thành phố).
NSƯT Thúy Mùi (trái) và NS trẻ Minh Tuyết trong tiểu phẩm Bà già ra thành phố. |
NSƯT Xuân Hinh và nghệ sỹ Thanh Thanh Hiền đã tạo được ‘tiếng đế” từ khán giả hết sức tự nhiên, để họ được ngẫu hứng, được thăng hoa cùng cảm xúc vui buồn của người diễn. Chẳng thế mà Người ngựa, ngựa người đã từng thu đĩa, bao người đã thuộc lòng…nhưng với tài diễn xuất luôn tươi mới, kẻ tung người hứng tài tình, họ đã chinh phục cả những người khó tính, vốn hay dị ứng với những kiểu đùa quá đà trong các tiểu phẩm hài thường gặp.
NSƯT Xuân Hinh và nghệ sỹ Thanh Thanh Hiền với Người ngựa – ngựa người |
Nghệ sỹ Thanh Hiền, người vừa đoạt giải vàng vai hoàng hậu Thị Anh trong Oan khuất một thời (Hội diễn sân khấu chèo chuyện nghiệp toàn quốc 2009) vào vai Thị Hến xinh đẹp. Sở trường “lệch”của Hiền lại có dịp thăng hoa. Chị hoá thân vào vai diễn để làm nên một Thị Hến ỡm ờ, lơ lẳng…Song với tất cả sự thông minh, sắc sảo, Thị đã khéo vạch trần nhân cách xấu xa của bọn chức sắc chỉ quen ức hiếp dân lành… (Trích đoạn hài chèo: Mưu cao thị Hến).
Những điệu hát dân gian ngào ngọt qua sự thể hiện của các nghệ sĩ Hoài Nam, Phương Mây, Quang Phòng…cùng tập thể diễn viên, nhạc công nhà hát xen giữa các tiểu phẩm làm nên sự thoải mái, thư giãn..
Tạo được phong cách tươi mới mà vẫn đậm hồn cốt dân gian, thổi vào đó hơi thở hiện thực, đó là một việc làm mà có lẽ chỉ Chèo Hà Nội mới có. Vì thế, có những tiết mục diễn đi diễn lại, nội dung vẫn vậy, mà sau mỗi lần diễn, lại thấy các nghệ sĩ, diễn viên ngẫu hứng tạo nên sự hấp dẫn hơn, phù hợp với thẩm mỹ người đương đại, tránh được cảm giác cũ kỹ, sáo mòn..
Chẳng gì buồn hơn cứ xem đi xem lại mãi “các phiên bản” không mới hơn, không đẹp hơn cái đã được định hình từ các bậc cổ nhân làng Chèo còn lưu lại. Vậy nên các nghệ sỹ nhà hát Chèo Hà Nội đã không biến mình thành những “bản rập” của nghệ thuật chèo cổ truyền, mà trên hình hài ấy, khuôn mẫu ấy, họ đã có sự sáng tạo trong phong cách biểu diễn, để hơi thở của thế hệ hôm nay sẽ làm tươi mới hơn, lung linh hơn, hấp dẫn hơn..
Để mỗi độ xuân về, những khán giả yêu nghệ thuật cổ truyền lại có dịp đắm say, nghiêng ngả cùng Chèo Hà Nội!
Ý kiến ()