Ngày xuân, nhớ về nghề làm hương truyền thống
(LSO) – Những ngày tháng Chạp, người làm hương truyền thống lại bước vào thời điểm bận rộn nhất trong năm, ai cũng tất bật với công việc để tạo ra những bó hương thơm phục vụ dịp tết.
Đến thôn Nà Phiêng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định vào những ngày cuối năm, vừa đến đầu làng, chúng tôi đã thấy phảng phất mùi hương thảo mộc nhẹ dịu, sâu lắng mà ấm áp đến lạ thường. Trong làng, người bận rộn vót tre, người hối hả dựng giàn phơi hương. Nghề làm hương có từ bao giờ, người dân ở đây cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng từ lúc họ sinh ra đã thấy ông, bà làm hương rồi.
Ông Hoàng Văn Thình, thôn Nà Phiêng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình tôi đã hơn 50 năm làm hương, sinh ra trong gia đình có nghề làm hương truyền thống nên từ nhỏ tôi đã biết làm. Công đoạn làm hương tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ. Đầu tiên, người làm hương phải đi chặt cây tre, cây mai đem về cưa thành từng khúc, chẻ nhỏ, vót rồi phơi khô, những que này dùng để làm cốt. Tiếp đó, người dân lên rừng lấy cây sau sau mục, phơi khô rồi nghiền nhỏ thành bột mịn. Để có chất kết dính phải chuẩn bị thêm lá cây hắt hái trong rừng, phơi khô, giã mịn, trộn với bột gỗ sau sau. Ngày xưa, các cụ nghiền bột bằng cối giã dùng sức nước, nay đã có máy nghiền cũng thuận tiện và đỡ vất vả hơn.
Người dân phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn sản xuất hương
Sau khi đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, công đoạn làm đầu tiên là nhúng cốt vào nước sau đó lăn bột. Đây là giai đoạn quan trọng lặp đi lặp lại 4 lần, lần cuối cùng chỉ lăn bột sau sau thật mịn. Sau đó đem phơi nắng thật khô, phết phẩm màu vào cán rồi đóng gói đem ra chợ phiên Thất Khê tiêu thụ.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Nghề làm hương truyền thống ở đây đã có từ rất lâu, tập trung chủ yếu ở thôn Nà Phiêng và Pác Cam. Hiện nay, ở Nà Phiêng còn 16/60 hộ làm hương truyền thống và 1 – 2 hộ thuộc thôn Pác Cam. Cứ 5 ngày một phiên chợ Thất Khê, người dân lại đem hương ra bán, hương được tiêu thụ nhiều nhất vào dịp cận tết.
Mỗi vùng ở Lạng Sơn, tùy điều kiện mà bà con làm hương lại có những kinh nghiệm và lựa chọn nguyên vật liệu khác nhau. Ở khu vực thành thị như phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hiện còn hơn 50 hộ làm hương truyền thống, đa số là nghề do “cha truyền con nối” từ rất lâu đời. Bà Hoàng Mệ Say, 80 tuổi, ở khối 7 phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi làm hương từ năm 20 tuổi. Hương truyền thống làm theo phương pháp thủ công từ khâu chẻ tre, nghiền lá cho đến lăn bột tạo nén hương. Ở đây, bột dùng để làm hương chủ yếu là mùn gỗ từ các xưởng mộc nghiền mịn ra nên có mùi thơm rất nhẹ, đặc biệt là không chứa hóa chất.
Nghề làm hương truyền thống là nghề mang tính thời vụ, vì thế mỗi dịp gần tết đến xuân về mới vào thời vụ chính và sức tiêu thụ nhiều nhất. Hiện nay, nghề làm hương truyền thống được bà con làm rải rác ở thành phố Lạng Sơn và các huyện trong tỉnh. Trong đó, tập trung nhiều ở thôn Nà Phiêng, Pác Cam, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định; thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; các khối: 6, 7, 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn; thôn Khum Khuông, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng; xã Chiêu Vũ, Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn… Nét chung của nghề làm hương ở đây chính là các công đoạn đều được người dân làm bằng phương pháp thủ công, sử dụng nguyên liệu tự nhiên không có hóa chất độc hại.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề làm hương đang dần bị mai một. Để bảo tồn nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề làm hương, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án bảo tồn, khuyến khích người dân phát triển nghề và quy hoạch vùng sản xuất…
Thắp hương thờ cúng tổ tiên là tập quán đi sâu vào đời sống tín ngưỡng của người dân và là nét đẹp văn hóa truyền thống. Mỗi nén hương được thắp lên khiến cho con người cảm thấy ấm lòng, tưởng nhớ đến tổ tiên. Vì vậy, mặc dù nghề làm hương thủ công không còn phổ biến nhưng nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng.
THÙY DUNG
Ý kiến ()