Thứ 5, 06/02/2025 03:12 [(GMT +7)]
Ngày xuân đến với đền Bắc Lệ
Thứ 2, 06/02/2012 | 10:44:00 [(GMT +7)] A A
Đền Bắc Lệ giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng (sau phủ Giầy – Nam Định và phủ Tây Hồ - Hà Nội), là ngôi đền nổi tiếng ở Lạng Sơn. Với những giá trị lịch sử, tín ngưỡng và kiến trúc của mình, đền Bắc Lệ ngày càng thu hút nhiều du khách trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước đến hành lễ và tham quan.
LSO-Đã từ lâu, Lạng Sơn nổi tiếng bởi có những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú của các hang động, chùa, đền, có dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng, đỉnh núi Mẫu Sơn bốn mùa mây phủ, dịu mát quanh năm… Với mạch nguồn văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Mai Pha, văn hoá dân gian, văn hoá tín ngưỡng truyền thống, từ đời này qua đời khác, các thế hệ con người xứ Lạng mãi lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc qua các lễ hội với những làn điệu dân ca sli, lượn trữ tình, sâu lắng và làn điệu then cùng tiếng đàn tính đằm thắm, dịu dàng. Tục thờ Mẫu của người Việt ở Lạng Sơn được biểu hiện khá đầy đủ trong đền Bắc Lệ – có tên chữ là Bắc Lệ linh từ, thuộc thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng. Đây thường được người dân quan niệm như là di tích thờ Mẫu thượng ngàn – bà chúa cai quản rừng xanh. Ngôi đền này được Nhà nước công nhận di tích lịch sử, văn hóa năm 1992.
Trẩy hội xuân Xứ Lạng – Ảnh: H.T
Trong tâm thức người dân Xứ Lạng, đền Bắc Lệ thờ phụng Mẫu thượng ngàn, thường được quan niệm là Mẫu đệ nhị trong Tam Tòa thánh mẫu. Bà sáng tạo và cai quản tất cả mọi vùng rừng núi. Có truyền thuyết nói về sự ra đời của đền Bắc Lệ rằng: La Bình là con gái của Tản Viên và Mỵ Nương – người con gái đẹp nết, đẹp người và có đủ tài đức nên được Tản Viên rất yêu quý nên thường cho nàng đi săn bắn cùng. Đi đến đâu nàng cũng quyến luyến với núi non, rừng rậm, thấy vậy trời ban cho nàng là “Nữ chúa rừng xanh”. Vào thời kì đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, lại thêm nghĩa quân Lam Sơn đóng quân vào thế bất lợi nên việc chiến thắng là khó khăn. Thấy vậy, Nữ chúa đã giúp đỡ rất nhiều cho nghĩa quân. Sau này, nhớ đến công lao của “Nữ chúa rừng xanh” nhân dân cả nước đã tôn sùng là Mẹ (Mẫu Nghi thiên hạ) và lập đền thờ ở khắp nơi. Đền Bắc Lệ được dựng lên trên cơ sở sự tích đó. Căn cứ vào văn bia khắc năm Khải Định thứ 4 (1919), người ta được biết, trước đó đền là một am thờ nhỏ, nay bị hỏa hoạn. Năm 1919, được sự cung tiến của một số người, đền Bắc Lệ đã được xây dựng thành một ngôi đền 3 gian gồm 3 cung: đệ nhất, đệ nhị và đệ tam. Ngôi đền mang bóng dáng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc. Trong bia khắc năm Khải Định thứ 8 (1933) có ghi lại công đức của nhiều người trong đợt trùng tu ngôi đền lần thứ hai. Sau lần tu sửa này, đền càng trở nên linh ứng. Năm 1940, đền được tu sửa lần thứ ba. Ngôi đền 3 gian cũ được quay ngang lại, xây thêm cung đệ tam ở phía sau và cung đệ nhất. Một cổng tam quan to cao được xây nơi có bậc tam cấp trước cổng đền bây giờ. Sau lần sửa chữa này, đền Bắc Lệ đã trở nên khang trang, thu hút đông đảo khách đến lễ bái. Năm 1968, bom Mỹ gần như san phẳng ngôi đền này. Nhiều di vật quý đã bị chôn vùi hoặc thất lạc. Năm1973, đền Bắc Lệ lại được trùng tu lần thứ tư. Tuy nhiên, chỉ dựng được 3 gian nhà làm 3 cung, còn nhà khách chưa phục hồi được. Năm 1989, đền Bắc Lệ đã được sửa sang và từ đó đến nay, liên tục được củng cố để tồn tại như ngày nay.
Xuất phát từ niềm tin truyền thống của nhiều thế hệ về sự linh ứng của các thần linh được thờ phụng ở đền Bắc Lệ nên tại đây đã diễn ra nhiều sinh hoạt lễ hội, thu hút một số lượng đông đảo người tham dự. Đền Bắc Lệ có 5 ngày lễ lớn trong năm thu hút được đông đảo khách thập phương nhất. Đó là lễ Thượng nguyên, được tổ chức từ mùng 2 đến 15 tháng giêng. Đây là lễ nhỏ có ý nghĩa kính báo với thần linh về công việc của một năm mới bắt đầu và những lời thỉnh mang tính chất chúc tết, hy vọng ở năm mới. Lễ vào hè tổ chức vào đầu tháng 4 âm lịch. Nhân dân tin rằng làm lễ sẽ được các thần linh giúp đỡ, sống mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa tạo điều kiện cho lúa khoai tươi tốt, mùa vụ bội thu. Lễ ra hè tổ chức vào trung tuần tháng 7 âm lịch. Con người cảm tạ thần linh phù hộ cho quá trình sản xuất (được mùa thì phải tạ ăn, mất mùa cũng phải làm lễ sám hối, xin thần linh xá tội). Lễ tất niên từ 15 đến 25 tháng chạp âm lịch. Trong lễ tất niên, con người tiến hành các nghi thức tạ ơn sự gia ân của thần linh đối với cuộc sống của họ năm ấy. Lễ tiệc Mẫu từ 18 đến 20 tháng 9 âm lịch. Trong các lễ, đáng chú ý nhất là lễ tiệc Mẫu – chính hội. Đây là ngày hội lớn, nghi thức trọng thể nhất và được chuẩn bị công phu nhất.
Đền Bắc Lệ giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng (sau phủ Giầy – Nam Định và phủ Tây Hồ – Hà Nội), là ngôi đền nổi tiếng ở Lạng Sơn. Với những giá trị lịch sử, tín ngưỡng và kiến trúc của mình, đền Bắc Lệ ngày càng thu hút nhiều du khách trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước đến hành lễ và tham quan.
Phạm Tuấn
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()