Thứ 3, 26/11/2024 10:14 [(GMT +7)]
Ngày thứ hai kỳ thi tốt nghiệp PTTH Kỷ luật phòng thi được duy trì, số thí sinh bỏ thi tăng
Thứ 6, 04/06/2010 | 08:56:00 [(GMT +7)] A A
Hôm qua (3-6), hơn một triệu thí sinh cả nước tiếp tục ngày thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với hai môn tự luận cùng có thời gian làm bài 90 phút là môn Địa lý buổi sáng và môn Lịch sử buổi chiều.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau hai ngày thi, cả nước có hơn 1,045 triệu thí sinh dự thi, 5.245 thí sinh bỏ thi (chiếm 0,5% tổng số thí sinh đăng ký). Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại các địa phương cho biết, ngày thi thứ hai diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác coi thi ngày thi đầu ở một số địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường, kỷ cương thi cử và kỷ luật phòng thi tiếp tục được giữ vững. Các vụ việc tiêu cực nghiêm trọng và những sự cố bất thường trong thi cử đã không xảy ra.
Về đề thi môn Địa lý và Lịch sử được nhiều người nhận xét là khá chặt chẽ, không có những ý gây hiểu lầm cho thí sinh. Kết thúc các môn thi, phần lớn các thí sinh khi ra khỏi phòng thi đều phấn khởi vì đã làm tốt bài thi môn Địa lý. Nhiều em cho biết, đề thi không khó, chỉ cần nắm bắt và hiểu được câu hỏi và kiến thức cơ bản, biết khai thác, sử dụng cuốn Atlat địa lý cũng giúp một phần đáng kể cho kết quả bài thi. Đối với môn Lịch sử, với cấu trúc đề hợp lý, không quá dài, đa phần học sinh đều cảm thấy hài lòng với kết quả bài làm sau khi kết thúc buổi thi. Theo cô giáo Phạm Thị Thúy, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Lê Lợi, huyện Đồng Xuân (Phú Yên): So với các năm trước, đề thi môn Lịch sử năm nay dễ hơn vì không có những câu yêu cầu thí sinh phải tổng hợp kiến thức. Với đề này, thí sinh chỉ cần học bài theo chương trình ôn tập thì có thể làm được. Tại Hội đồng thi Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), phần lớn thí sinh khi được hỏi đều cho rằng sẽ đạt điểm trung bình khá trở lên. Tuy nhiên, một số thí sinh cũng cho rằng, môn Địa lý hơi dài còn môn Lịch sử bao phủ trên phạm vi tương đối rộng. Mặt khác, vẫn còn một số ít học sinh làm bài thi chưa tốt, nhất là ở môn Lịch sử do ít chú ý trong quá trình học và ôn tập, đến gần ngày thi mới ôn kiểu “nước rút”, “học tủ” cho nên khi làm bài trên cơ sở “học thuộc”, “học lệch” mà không có sự nắm bắt kiến thức khoa học, theo lô-gích cho nên vẫn nhầm lẫn hoặc làm không hết câu hỏi trong đề thi. Sau hai ngày thi, chưa có ý kiến thắc mắc gì về đề thi; dư luận nhìn chung biểu lộ thái độ tích cực đối với đề thi của môn thi.
Tuy nhiên, ngày thi thứ hai, một vài sự cố vẫn xảy ra khiến nhiều thí sinh không thể dự thi. Cả nước có 5.245 thí sinh bỏ thi, tăng 582 thí sinh so với ngày thi đầu tiên như: Kiên Giang 127 thí sinh, Cần Thơ 73 thí sinh, Quảng Bình có 58 thí sinh… Đáng chú ý, số thí sinh đến chậm quá giờ làm bài tăng lên 35 thí sinh. Ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng muộn giờ, nguyên nhân chủ quan là sự lơ là của chính thí sinh. Mặc dù, thời gian làm bài chỉ có 90 phút nhưng tại điểm thi Trường THPT Yên Thủy A (Hòa Bình) có thí sinh không được tiếp tục dự thi do đến muộn quá 30 phút. Tình trạng mang tài liệu, vi phạm quy chế thi vẫn diễn ra, có 62 thí sinh bị đình chỉ thi. Số thí sinh bị tai nạn giao thông không thể tham dự kỳ thi cũng tăng lên 52 em. Ngoài ra, tại Nghệ An có một cán bộ coi thi bị tai nạn giao thông phải nghỉ coi thi. Mặt khác, trải qua một kỳ ôn thi miệt mài cùng với tâm lý, áp lực kỳ thi khiến thí sinh bị đau ốm không thể dự thi cũng tăng lên không ngừng với 540 thí sinh, tăng 143 thí sinh so với ngày thi đầu. Trong đó, tỉnh Đác Lắc có ba thí sinh, Kon Tum có hai thí sinh đang dự thi phải nghỉ do bị ốm… Tại Hội đồng thi Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) sau hai ngày thi có những thí sinh viết nhầm số tờ thi vào phần chấm điểm bài thi và một số em viết nhầm số tờ thi bằng chữ trong khi chỗ đó yêu cầu viết bằng số hoặc ngược lại khiến giám thị phải lập biên bản bất thường, sau đó cho hai thí sinh trên tiếp tục được làm bài thi. Trên địa bàn thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đầu giờ thi buổi chiều, trời mưa to, gây sấm sét làm mất điện trên diện rộng, các hội đồng thi bị mất điện khoảng 30 phút. Đáng chú ý, tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) thí sinh phải lội nước đến phòng thi do nước mưa tồn đọng không có cống thoát. Tình trạng này rất cần được tỉnh Hải Dương khắc phục.
Để ngày thi cuối cùng an toàn, hiệu quả, các hội đồng coi thi cũng như các bậc phụ huynh cần nhắc nhở thí sinh nâng cao ý thức, chủ động đến sớm hơn giờ thi; tránh tình trạng chậm, muộn, vội vàng ảnh hưởng không tốt đến buổi thi hoặc không được dự thi. Động viên các em tự tin tham dự kỳ thi và giữ gìn sức khỏe, không nên quá căng thẳng có thể bị ốm không thể dự thi. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là vào thời điểm thí sinh đi thi hoặc tan giờ thi; tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tăng cường phổ biến thực hiện tốt quy chế thi cũng như triển khai tốt các phương án dự phòng khi xảy ra sự cố.
Hôm nay (4-6), thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng, buổi sáng thi môn Toán, thời gian làm bài 150 phút; buổi chiều với thí sinh THPT thi môn Ngoại ngữ 60 phút (những thí sinh học môn Ngoại ngữ không đủ ba năm hoặc có khó khăn thực tế trong quá trình học tập được thi thay thế bằng môn Vật lý, theo hình thức trắc nghiệm, thời gian 60 phút), với thí sinh giáo dục thường xuyên thi môn Vật lý theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()