Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc
Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chọn kỷ niệm vào ngày 28/4 hàng năm kể từ năm 2003, nhằm thúc đẩy việc ngăn ngừa tai nạn lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu.
Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4) cũng góp phần nâng cao nhận thức và thu hút sự chú ý của quốc tế tới các vấn đề nổi trội trong an toàn vệ sinh lao động và mức độ ảnh hưởng của các vụ thương tích, tai nạn lao động và bệnh liên quan đến nghề nghiệp trên thế giới.
(Ảnh: ILO).
Ngoài ra, đây cũng là dịp để ILO tổ chức tưởng niệm và vinh danh những người lao động trên thế giới bị tử vong và thương tích do nghề nghiệp, đồng thời tổ chức chiến dịch về an toàn vệ sinh lao động trên phạm vi toàn cầu.
Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhiều người lao động đang cảm nhận áp lực mạnh mẽ để có thể đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống công việc hiện đại. Những nguy cơ về tâm lý phải đối mặt như: Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, những trông đợi ngày càng cao về hiệu suất công việc và thời gian làm việc dài góp phần khiến cho nơi làm việc trở thành một môi trường ngày càng căng thẳng hơn.
Không những thế, với nhịp độ làm việc được quyết định bởi những cuộc giao tiếp tức thời và mức độ cạnh tranh cao trên thế giới, sợi dây chia rẽ giữa công việc và cuộc sống riêng tư đang ngày càng trở nên khó xác định. Ngoài ra, với nhiều thay đổi quan trọng trong các quan hệ công việc và sự suy giảm kinh tế hiện tại, người lao động đang phải đối mặt với những thay đổi về tổ chức và tình trạng tái cấu trúc, thiếu cơ hội, việc làm ngày càng tạm thời, với nỗi sợ hãi mất việc làm, bị sa thải hàng loạt, thất nghiệp, sự suy giảm ổn định tài chính, với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của con người.
Trong những năm vừa qua, hiệu ứng của các nguy cơ về thể chất và của những căng thẳng liên quan tới công việc đã và đang nhận được sự chú ý nhiều hơn của giới nghiên cứu, các chuyên gia và các nhà chức trách chính trị. Căng thẳng trong công việc được nhận thức là một vấn đề toàn cầu tác động tới tất cả các quốc gia, tất cả các nghề nghiệp và mọi người lao động ở những nước phát triển cũng như đang phát triển. Trong bối cảnh phức tạp này, địa điểm làm việc chính là nguồn gốc quan trọng dẫn tới những nguy cơ về tâm lý xã hội, song đồng thời cũng là nơi lý tưởng để ứng phó với những nguy cơ đó nhằm bảo vệ sức khỏe và thể chất của người lao động.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc năm nay (28/4/2016), ông Guy Ryder – Tổng giám đốc ILO nêu rõ: Đã đến lúc cần loại bỏ gánh nặng là những căng thẳng tại nơi làm việc. Theo người đứng đầu Tổ chức Lao động Quốc tế, ngày kỷ niệm năm nay tập trung vào sức khỏe và phúc lợi của người lao động trên toàn thế giới thông qua việc loại bỏ những căng thẳng trong môi trường làm việc của họ.
Mục tiêu thứ 8 của Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030 đặt ra yêu cầu phải xây dựng “môi trường làm việc an toàn và an ninh cho tất cả người lao động”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm môi trường làm việc an toàn, không chỉ bảo đảm an toàn về thể chất của người lao động mà còn cả về phúc lợi tinh thần và tâm lý của họ.
Thực tế những căng thẳng liên quan tới công việc ảnh hưởng đến người lao động trong tất cả các ngành nghề ở các nước phát triển và đang phát triển. Nó có thể gây hại nghiêm trọng không chỉ tới sức khỏe của người lao động mà còn tới hạnh phúc của gia đình họ. Theo Tổng giám đốc ILO, nhiều dữ liệu và phân tích cho thấy, tình trạng căng thẳng tại nơi làm việc đã tạo ra gánh nặng đáng kể. Một nghiên cứu gần đây được trích dẫn trong báo cáo của ILO chỉ ra rằng, hơn 40 triệu người bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng liên quan tới công việc trong các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và tổn thất kinh tế ước tính của bệnh trầm cảm liên quan tới công việc là 617 tỷ Euro mỗi năm.
Chính vì vậy, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế nhấn mạnh, việc bảo vệ sức khỏe tâm thần của người lao động phải tập trung vào các chiến lược phòng ngừa. Đánh giá và quản lý rủi ro về tâm lý từ gốc rễ sẽ giúp xây dựng được những biện pháp tập thể và cá nhân cần thiết nhằm cải thiện chất lượng đời sống lao động cho cả phụ nữ và nam giới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()