Ngày Thế giới không thuốc lá: Trồng cây lương thực không trồng thuốc lá
Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), WHO kêu gọi các chính phủ ngừng trợ cấp cho việc trồng thuốc lá và hỗ trợ tăng gia các loại cây trồng bền vững hơn để có thể nuôi sống hàng triệu người.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thuốc lá là nguyên nhân gây ra 8 triệu ca tử vong/năm nhưng các chính phủ trên khắp thế giới đã chi hàng triệu USD để hỗ trợ các trang trại trồng thuốc lá.
Hơn 300 triệu người trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Trong khi đó, hơn 3 triệu ha đất của hơn 120 quốc gia đang được sử dụng để trồng cây thuốc lá.
Nghề trồng thuốc lá gây bệnh cho chính người nông dân (do tiếp xúc với thuốc trừ sâu hóa học, khói thuốc lá) và ước tính có hơn 1 triệu lao động trẻ em đang làm việc tại các trang trại thuốc lá đã bỏ lỡ cơ hội được học hành.
Theo WHO, trồng thuốc lá là một vấn đề toàn cầu. Cho đến nay, trọng tâm hoạt động này vẫn là ở châu Á và Nam Mỹ nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy các công ty thuốc lá đang mở rộng sang châu Phi. Kể từ năm 2005, diện tích đất canh tác thuốc lá trên khắp châu Phi đã tăng gần 20%….
Từ những số liệu “báo động” như trên, WHO đã chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2023 là “Trồng cây lương thực, không trồng thuốc lá”.
Theo đó, WHO khuyến nghị các chính phủ chấm dứt trợ cấp trồng thuốc lá và sử dụng tiền tiết kiệm được để hỗ trợ nông dân chuyển sang các loại cây trồng bền vững hơn nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức trong các cộng đồng trồng trọt thuốc lá về lợi ích của việc từ bỏ thuốc lá và hướng đến trồng trọt bền vững…
Ý kiến ()