Thứ 3, 31/12/2024 04:47 [(GMT +7)]
Ngày Tết, nói về truyền thống tôn sư trọng đạo
Thứ 3, 08/02/2011 | 11:04:00 [(GMT +7)] A A
“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” đã từ lâu trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt. Như đã thành thông lệ có giá trị nhân văn sâu sắc, cứ vào dịp đầu xuân, các thế hệ học trò lại nô nức tới chúc tết, thăm hỏi gia đình thầy.
Nhiều người thầy, trong ngày Tết đến Xuân về, mở cửa đón những lớp học trò của mình đến chơi như một nguồn động viên tinh thần để các thầy cô thấy thêm yêu người và yêu nghề.
Tôn sư trọng đạo thời xưa
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… , trong xã hội phương Đông thời xưa, vận hành theo chủ nghĩa Khổng – Mạnh, ba tầng lớp “quân, sư, phụ” (vua quan, thầy và cha) được xã hội đề cao, trân trọng.
Suốt nghìn năm phong kiến, giáo dục Việt Nam trên đại thể được coi là nền giáo dục Nho giáo. Giá trị nhân bản tốt đẹp của nền giáo dục này thể hiện rất rõ ở “hằng số văn hóa” thầy – trò.
Ở vào thời phong kiến, trước khi cho con đến theo học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó, gia đình có một “lễ mọn”, mang tính chất “lòng thành” dâng lên thầy. Tỏ lòng thành kính “tôn sư trọng đạo”, nhiều gia đình còn gửi gắm con mình theo học và ở luôn bên nhà thầy. Một năm chỉ về thăm nhà vài lần. Thỉnh thoảng, gia đình trò lại gửi biếu thầy ít gạo nếp, hoặc mớ rau, con cá như một thông điệp bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới công lao to lớn của thầy.
Thời gian ở nhà thầy, học trò không chỉ học chữ nghĩa mà quan trọng phải tu dưỡng bản thân, rèn nhân cách sống. Có thể nói, đạo trò xưa không chỉ rất khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ rất lớn lao. Khi ra đường, gặp thầy phải ngả mũ nón và vòng tay chào; lúc thầy già yếu, các đồng môn phải lo sắm cỗ thọ đường (áo quan)…
Những tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, về nhân cách ngời sáng được chúng ta biết nhiều như Chu Văn An (thời Trần) là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay như nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; Nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo Nguyễn Bỉnh Khiêm học thi đỗ Trạng nguyên; Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo cầm bút đánh giặc…
Truyền thống tôn sư trọng đạo còn được biểu hiện cao đẹp ở những nhân vật trong lịch sử hiện đại. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã từng dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Và, Người đã ra đi tìm đường cứu nước mang lại tự do, độc lập cho dân tộc. Người luôn kỳ vọng, tin tưởng vào thế hệ trẻ. Trong buổi khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”.
Hay đến tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành thần tượng của nhiều thế hệ học sinh.
Tôn sư trọng đạo thời nay
Như đã thành thông lệ có giá trị nhân văn sâu sắc, cứ vào dịp đầu xuân, các thế hệ học trò lại nô nức rủ nhau tới chúc tết, thăm hỏi sức khỏe gia đình thầy. Đây cũng là dịp để bạn bè cùng trang lứa gặp lại nhau, cùng thầy cô hàn huyên chuyện thủa đi học, cái thời “…thứ ba học trò” với những trò nghịch ngợm phá phách làm phiền lòng thầy cô.
“Bạn ơi, thầy yếu rồi nhưng vẫn nhớ lớp mình đấy, thầy vẫn nhớ là trước Tết bạn có đến thăm thầy. Thầy vẫn nhớ bạn thường phải đi bộ về nhà vào cuối tuần để lấy gạo.” Đó là câu chuyện tôi nghe được trong một quán cà phê mùng 6 Tết Canh Dần giữa hai người đàn ông tuổi lục tuần. Vậy đó, họ đã rời xa tuổi đi học, rời xa quê hương để đến lập nghiệp ở mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến nhưng điều họ không bao giờ quên được là hình ảnh người thầy – người gắn liền với tuổi thơ và cũng là người nuôi dưỡng, dìu dắt ước mơ của họ thành hiện thực.
Đến thế hệ chúng tôi những người được sinh ra và lớn lên trong hòa bình nhưng cũng là lúc đất nước còn nhiều gian khó, tôi không bao giờ quên được hình ảnh thầy cô vất vả, lo toan vì miếng cơm manh áo, bươn chải nuôi lợn, nuôi gà, may vá thuê để kiếm sống; đi chiếc xe đạp vá săm, băng lốp… Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thầy cô vẫn kiên trì thắp lửa, không chỉ chăm lo cho chúng tôi cái chữ mà cả cái ăn, cái mặc giữa thời bao cấp thiếu thốn đủ bề.
Và đến thế hệ trẻ ngày nay, các em sống trong sự bao bọc của gia đình, sự đủ đầy của đời sống vật chất, của thời văn hóa phong bì nên Tết thầy đã phai nhạt đi ý nghĩa của nó. Chị bạn tôi đã lặng người đi khi nhận được một bông hoa đào tự tay con gái làm ở lớp để mang về Tết mẹ. Rồi như bừng tỉnh, chị hỏi rằng, con có làm hoa tặng cô không. Cô con gái ngỡ ngàng trả lời “nhưng cô giáo con chỉ bảo bọn con làm hoa về tặng bố mẹ”.
Vậy đó, trong thời đại công nghiệp hóa, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt của xã hội: chạy trường, mua điểm, huyên náo trường thi, học giả bằng thật, ăn bớt khẩu phần trẻ nhỏ; hay đến chuyện thầy dạy theo kiểu bán chữ với thủ đoạn lừa đảo, bội tín, tống tiền, tống tình… Thì việc làm của một cô giáo trường tiểu học tư thục ở Hà Nội cho chúng ta thầy rằng, bỏ qua những mặt trái chỉ là thiểu số, hình ảnh người thầy ngoài việc truyền thụ kiến thức, nhân cách mới là tấm gương để thuyết phục học sinh và phụ huynh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()