Ngày Quốc tế điều dưỡng: Cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho ngành điều dưỡng Việt Nam
Thiếu điều dưỡng; đầu tư cho lĩnh vực điều dưỡng, hộ sinh chưa tương xứng... là những điều mà Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam rất tâm tư. Ông mong điều dưỡng được các bác sĩ hỗ trợ và nhìn nhận điều dưỡng là người cộng tác đặc biệt của bác sĩ, và họ sẽ có thời gian tập trung vào chăm sóc người bệnh, nâng cao tính chủ động nghề nghiệp.
Những cống hiến thầm lặng của điều dưỡng
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyển, Trung tâm Thalassemia đã có hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Khi nghĩ về những người bệnh phải đi viện suốt cuộc đời, những gia đình có 2-3 con bị bệnh, các cháu nhỏ hằng tháng phải nghỉ học đi viện, chị càng muốn dành tất cả tình cảm, tâm huyết để chăm sóc người bệnh tốt hơn.
"Sau giờ làm chuyên môn, chúng tôi lại chơi đùa với các bạn nhỏ để các em vơi bớt nỗi nhớ bạn bè, trường lớp. Vì người bệnh phải đi viện thường xuyên nên chúng tôi luôn tâm niệm: hãy đem đến phòng bệnh một không khí ấm áp, gần gũi để người bệnh cảm thấy “ở viện như ở nhà”", điều dưỡng Tuyển tâm sự.
Trong quá trình làm việc, chị nhớ mãi câu nói của một cháu nhỏ nhập viện cấp cứu vì thiếu máu nặng do không đi viện thường xuyên. Khi tôi vừa lấy máu, vừa động viên cháu: “Con cố gắng nhé, cô lấy máu để làm xét nghiệm và xin máu truyền cho con, rồi con sẽ khỏe lại thôi!”; Cô bé chỉ nói: “Cô ơi, cô cứu con với!”, rồi mệt quá và thiếp đi.
Câu nói ấy đã trở thành một trong những động lực thôi thúc chị và các đồng nghiệp làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả trái tim. "Chúng tôi luôn mong đem lại sức khỏe cho người bệnh, các em nhỏ được đi học, người bệnh tìm được việc làm phù hợp với sức khoẻ và có cuộc sống chất lượng hơn", Tuyển chia sẻ nói.
Bén duyên với nghề điều dưỡng đã 12 năm, Vũ Thị Thành Tâm, Khoa Điều trị hoá chất tâm sự, làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề còn cần lòng trắc ẩn, nhẫn nại, biết lắng nghe và thấu hiểu người bệnh.
Mặc dù phải ăn dở miếng cơm khi trực, phải thức trắng đêm, nhưng họ luôn hạnh phúc khi giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần và nhìn thấy nụ cười vui vẻ của người bệnh khi xuất viện.
12 năm qua, điều dưỡng Vũ Thị Thành Tâm chứng kiến biết bao cảnh đời bất hạnh trong khoa của mình khi phải chiến đấu giành giật sự sống từng ngày. Những lời tâm sự của người bệnh: “Em ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà, đây như là ngôi nhà thứ 2 luôn mở cửa chào đón mỗi khi em đến” khiến cho Tâm và các đồng nghiệp luôn đồng cảm với người bệnh.
"Việc buồn nhất của điều dưỡng viên có lẽ là chăm sóc người bệnh khi sắp ra đi. Ý thức được trách nhiệm của mình, dù trong hoàn cảnh nào, tôi luôn giữ cho mình sự tỉnh táo để an ủi, động viên người bệnh và người nhà người bệnh. Vẫn biết ngành y nhiều vất vả nhưng khi nhiệt huyết với nghề luôn chảy trong tim, tôi biết mình phải trở thành một điều dưỡng tận tâm để có thể giúp người bệnh vượt qua đau đớn về thể xác cũng như tinh thần", Tâm nói.
Tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, điều dưỡng, kỹ thuật y chiếm khoảng 60% tổng số cán bộ nhân viên của Viện. Các điều dưỡng, kỹ thuật y công tác ở nhiều vị trí khác nhau, có những điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh, có các kỹ thuật y thầm lặng ở phía sau thực hiện các xét nghiệm, đóng vai trò không thể thiếu trong chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị cho người bệnh.
Điểm đặc biệt là Viện còn có đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật y tham gia vào quá trình tiếp nhận, sàng lọc, điều chế và cấp phát những đơn vị máu phục vụ cho công tác điều trị, cấp cứu cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát triển đội ngũ điều dưỡng lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng, trong đó gần 80% số điều dưỡng có trình độ đại học và sau đại học, đủ năng lực giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Các điều dưỡng thường xuyên chăm sóc hơn 110.000 bệnh nhi nội trú với nhiều ca bệnh nặng hiểm nghèo, nhiều mặt bệnh đa dạng, phức tạp với những kỹ thuật cao và chuyên sâu.
Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho hay, trong vòng 30 năm ngành y tế đã nâng cấp đào tạo điều dưỡng lên bốn cấp trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ/chuyên khoa I và từ 2019 đã đào tạo tiến sĩ điều dưỡng trong nước. Chức năng và phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng đã được mở rộng.
Hệ thống quản lý điều dưỡng đã được thành lập từ Bộ Y tế tới các Sở Y tế, các bệnh viện và tới tận các khoa phòng. Người bệnh đã được thụ hưởng chăm sóc ngày càng có chất lượng.
Cần coi điều dưỡng là người cộng tác đặc biệt của bác sĩ
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân thuộc nhóm thấp nhất, mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển so với mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 đến nay mới đạt 60%. Thiếu điều dưỡng, người bệnh thiệt thòi.
Hiện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp trực tiếp liên quan tới chất lượng khám chữa bệnh và an toàn người bệnh, là xương sống của hệ thống dịch vụ y tế nhưng đầu tư cho lĩnh vực điều dưỡng, hộ sinh chưa tương xứng đang phổ biến ở khắp mọi nơi và ở mọi cấp của hệ thống y tế, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc người bệnh.
Trong quá trình hành nghề, mỗi điều dưỡng từng chăm sóc cho hàng vạn người bệnh (ước tính 8 vạn), trực thức hàng ngàn đêm (ước tính 2.800 đêm) vì sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Những cống hiến không ngừng nghỉ của điều dưỡng rất xứng đáng được ngành y tế, toàn xã hội ghi nhận và tôn vinh.
So với các nước khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, theo ông Phạm Đức Mục, công tác điều dưỡng tại Việt Nam cần phải tiếp tục được quan tâm đầu tư nhiều hơn để rút ngắn khoảng cách với điều dưỡng các nước.
Kỷ niệm Ngày Điều dưỡng quốc tế 12/5 năm nay, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đưa ra Thông điệp “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng - Our Nurses, Our Future. Economic power of Care”.
Bởi vậy, lan tỏa thông điệp của ICN, ông Phạm Đức Mục rất mong được các bác sĩ hỗ trợ và nhìn nhận điều dưỡng là người cộng tác đặc biệt của bác sĩ. Công việc của bác sĩ và điều dưỡng luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và cùng giúp nhau hành nghề an toàn, cùng giúp nhau giảm stress trong môi trường chăm sóc sức khỏe đang có nhiều áp lực.
"Nghiên cứu của Việt Nam công bố một ngày điều dưỡng phải thực hiện tới hơn 100 đầu công việc, do điều dưỡng Việt Nam được giao nhiều công việc hành chính khi chăm sóc người bệnh trực tiếp. Như vậy, hoạt động chuyên môn của điều dưỡng có phạm vi rất rộng, chứ không bó hẹp trong việc thực hiện y lệnh bác sĩ. Vì vậy, điều dưỡng cần được giao nhiệm vụ tập trung vào chăm sóc người bệnh và nâng cao tính chủ động nghề nghiệp", ông Mục bày tỏ.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thông điệp của Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công tác điều dưỡng như một biện pháp chiến lược để mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng y tế các ngành, Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện hiệu quả các quy định về công tác điều dưỡng tại các văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu tài liệu về ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 để đơn vị lựa chọn nội dung hành động cho điều dưỡng tại đơn vị.
Ý kiến ()