“Ngày Quốc tế Cây gậy trắng 15/10” đã chính thức khởi động lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 14/10 với sự kiện nhiều tình nguyện viên, chuyên gia giáo dục đặc biệt và hơn 50 người khiếm thị cầm cây gậy trắng đi trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh của thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình do Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh, Mái ấm Thiên Ân, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng và Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa tổ chức.Sự kiện này nhằm giúp công chúng Việt Nam biết rõ hơn về “Ngày Quốc tế Cây gậy trắng 15/10” với biểu tượng về người khiếm thị là cây gậy trắng; gửi thông điệp đến công chúng cần lưu ý nhu cầu đi lại của người khiếm thị, nhường đường cho họ; đồng thời kêu gọi người khiếm thị có ý thức sử dụng gậy như một công cụ di chuyển an toàn và độc lập.Chương trình truyền thông “Cây gậy trắng” bắt nguồn từ ý tưởng của thầy giáo khiếm thị Lê Dân Bạch Việt....
“Ngày Quốc tế Cây gậy trắng 15/10” đã chính thức khởi động lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 14/10 với sự kiện nhiều tình nguyện viên, chuyên gia giáo dục đặc biệt và hơn 50 người khiếm thị cầm cây gậy trắng đi trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh của thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình do Khoa Giáo dục đặc biệt – Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh, Mái ấm Thiên Ân, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng và Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa tổ chức.
Sự kiện này nhằm giúp công chúng Việt Nam biết rõ hơn về “Ngày Quốc tế Cây gậy trắng 15/10” với biểu tượng về người khiếm thị là cây gậy trắng; gửi thông điệp đến công chúng cần lưu ý nhu cầu đi lại của người khiếm thị, nhường đường cho họ; đồng thời kêu gọi người khiếm thị có ý thức sử dụng gậy như một công cụ di chuyển an toàn và độc lập.
Chương trình truyền thông “Cây gậy trắng” bắt nguồn từ ý tưởng của thầy giáo khiếm thị Lê Dân Bạch Việt. Thầy là người khiếm thị Việt Nam đầu tiên có bằng thạc sĩ định hướng di chuyển tại Mỹ. Khi còn sống, thầy Lê Dân Bạch Việt từng trăn trở về chương trình truyền thông kêu gọi cộng đồng hãy nhường đường cho người khiếm thị mang cây gậy trắng; đồng thời kêu gọi chính những người khiếm thị sử dụng gậy làm công cụ hỗ trợ di chuyển. Ngày 2/1/2011, thầy Lê Dân Bạch Việt qua đời vì bệnh ung thư, trong khi những dự định của thầy còn dang dở. Sự kiện “Ngày Quốc tế Cây gậy trắng 15/10” năm nay là một trong những hoạt động tưởng nhớ thầy và tiếp tục hoài bão của một người khiếm thị trăn trở vì cộng đồng.
Theo Ban tổ chức, những năm đầu thế kỷ 20, phong trào sử dụng cây gậy sơn trắng để báo sự hiện diện của người khiếm thị lan ra khắp nước Anh và khu vực Bắc Mỹ. Cây gậy trắng được xem như một biểu tượng để nhận dạng và là biểu tượng sự độc lập của người khiếm thị, là một công cụ di chuyển hữu hiệu cho họ. Năm 1930, Mỹ thông qua sắc lệnh “Cây gậy trắng”, đến ngày 15/10/1964 trở thành “Ngày an toàn của Cây gậy trắng” của nước này; sau đó trở thành “Ngày Quốc tế Cây gậy trắng” được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận./.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến ()