Ngày mới ở “thôn thông minh” Quán Thanh
– Hết năm 2022, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) đã hoàn thành xây dựng tiêu chí thôn thông minh theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Qua đó, thôn Quán Thanh là 1 trong 2 thôn thông minh đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Thôn Quán Thanh có 127 hộ dân với gần 600 nhân khẩu và 3 dân tộc Nùng, Tày, Kinh cùng sinh sống. Người dân nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế từ các mô hình trồng cây ăn quả và kinh doanh.
Người dân thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng kiểm tra mô hình tưới nước, bón phân tự động cho cây na
Ông Nguyễn Văn Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quán Thanh cho biết: Trước đây, mỗi khi có thông tin gì liên quan đến “việc làng, việc nước”, trưởng thôn phải thông báo trên loa truyền thanh hoặc tìm đến từng hộ dân để báo tin. Từ 3 năm trở lại đây, thôn đã thành lập nhóm zalo với sự tham gia của đại diện tất cả các hộ. Mọi thông tin được tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhanh chóng. Thậm chí người dân đang chăm sóc cây na trên núi đá xa xôi, hẻo lánh hay con em đi làm xa quê cũng biết được thông tin… Từ đó, giúp việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc chung của thôn được triển khai kịp thời, thuận lợi.
Một đổi thay rõ nét khác ở thôn Quán Thanh chính là việc xây dựng mô hình chăm sóc cây ăn quả tự động. Ông Nguyễn Văn Dũng, người dân thôn Quán Thanh cho biết: Năm 2022, với sự hỗ trợ một phần nguồn lực của Nhà nước, gia đình tôi cùng một số hộ trên địa bàn đã xây dựng mô hình tưới, chăm sóc cây na, cây bưởi tự động. Theo đó, các hộ thực hiện mô hình này chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển chạy máy tưới nước, bón phân đến từng gốc cây. Việc ứng dụng công nghệ vào quá trình chăm sóc giúp tiết giảm nhiều thời gian, công sức cho người dân.
Không dừng lại ở đó, việc triển khai xây dựng thôn thông minh còn góp phần không nhỏ vào đổi thay ở nhiều mặt đời sống khác của người dân trên địa bàn thôn Quán Thanh. Cụ thể, tháng 4/2022, thôn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để tổ chức triển khai phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, hỗ trợ các hộ dân đăng ký cửa hàng số; lắp đặt mạng wifi miễn phí ở nhà văn hóa thôn phục vụ cho các cuộc hội họp, sinh hoạt của người dân; sản phẩm na được đưa lên bán tại các sàn thương mại điện tử; lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát tại 4 điểm khu vực công cộng, tuyến đường trục chính để quản lý trật tự an toàn xã hội; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng gồm 40 bóng đèn ứng dụng công nghệ số để bật, tắt tự động… Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn thôn có 50 hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, có hộ đạt 250-300 triệu đồng/năm.
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Để hỗ trợ thôn Quán Thanh xây dựng mô hình thôn thông minh, năm 2022, nguồn lực Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, người dân trong thôn đóng góp hơn 150 triệu đồng. Mặc dù năm 2022, UBND xã mới chính thức triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh theo hướng dẫn của cấp trên, song trên thực tế ngay từ những năm trước đó, với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung sức của Nhân dân, UBND xã đã hướng dẫn người dân trên địa bàn thôn Quán Thanh từng bước thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí thôn thông minh như: lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, phát triển các cửa hàng số, xây dựng các mô hình sản xuất… trị giá hàng trăm triệu đồng.
Qua đây có thể thấy việc hoàn thành xây dựng thôn thông minh ở Quán Thanh không chỉ góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc giúp xã Chi Lăng được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2022. Đồng thời, việc hoàn thành xây dựng thôn thông minh ở Quán Thanh còn là nền tảng quan trọng để hướng tới xây dựng xã thông minh theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Mô hình thôn thông minh là 1 trong 4 tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu. Để đạt tiêu chí này, thôn cần có ít nhất một mô hình thôn thông minh ứng dụng chuyển đổi số để sản xuất hàng hóa, ứng dụng quản lý tự động hóa. Trong đó, thôn có tổ công nghệ số cộng đồng; đại diện thôn có ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh kiến nghị của người dân trong cộng đồng thôn; nhà văn hóa thôn được trang bị mạng Wifi miễn phí; 100% trụ sở cơ quan, tổ chức và hộ dân trong thôn được gắn địa chỉ số trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam (Vpostcode); 100% sản phẩm OCOP của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử; có ít nhất 1 mô hình ứng dụng chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực. |
Ý kiến ()