Tạo điều kiện cho người dân tham gia tố tụng hành chính
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính, nêu rõ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu QH tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII về dự án Luật Tố tụng hành chính, sau đó tổ chức hội thảo, chỉnh lý xin ý kiến các đoàn đại biểu QH. Dự thảo Luật Tố tụng hành chính đã được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét gồm 17 Chương, 264 Điều.
Thảo luận dự án luật này, phần lớn các ý kiến đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính của Ủy ban Thường vụ QH. Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), Trần Thế Vượng (Hải Dương), Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) đề nghị cần giải thích, làm rõ khái niệm 'quyết định hành chính' để tránh tình trạng một số cơ quan 'lách luật', ra quyết định không phải dưới dạng quyết định hành chính gây khó khăn cho tòa án khi xử lý và người dân khởi kiện.
Về khởi kiện vụ án hành chính (Điều 104), đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh); Lê Văn Tâm (Cần Thơ); Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và nhiều đại biểu đồng tình quy định của dự thảo luật: cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý quyết định hành chính, hành vi hành chính có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, không đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện. Quy định này là phù hợp, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người khởi kiện, là bước đổi mới cơ bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Riêng đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) đề nghị cần bổ sung cơ chế, bộ máy, lực lượng cho ngành Tòa án có đủ điều kiện giải quyết hiệu quả các vụ khởi kiện hành chính, để việc thực hiện luật được khả thi.
|
Về phát biểu của Kiểm sát viên (Điều 161) khi tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) tán thành dự thảo luật là khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên chỉ phát biểu về kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng mà không phát biểu về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và nhiều đại biểu lại đề nghị dự thảo luật cần quy định Kiểm sát viên vừa được phát biểu về kiểm sát việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đồng thời phát biểu về việc giải quyết vụ án.
Liên quan việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (NDTC), nhiều ý kiến đồng tình, thống nhất cao với quy định của dự thảo luật vì thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án NDTC thời gian qua về lĩnh vực hình sự và dân sự cho thấy, có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án NDTC có sai lầm nghiêm trọng, nhưng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án NDTC là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm cho nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của Hội đồng Thẩm phán, khiến đương sự và dư luận xã hội bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài. Để khắc phục vướng mắc nói trên, dự thảo luật quy định tại các Điều 228, 229, 237 và 238 cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án NDTC được xem xét lại Quyết định của mình khi có kiến nghị của Chánh án Tòa án NDTC hoặc của Viện trưởng Viện KSNDTC với những thủ tục khá chặt chẽ. Tuy nhiên, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Trần Đình Nhã (Bà Rịa – Vũng Tàu) lại đề nghị, cơ quan yêu cầu Hội đồng Thẩm phán Tòa án NDTC xem xét lại những bản án giám đốc thẩm có sai sót là các cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ QH.
Các đại biểu QH phát biểu ý kiến cũng tán thành dự thảo luật quy định giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính. Việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đất đai trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm tính khả thi của luật này trong việc giải quyết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai cũng được một số đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhấn mạnh, cần có cách diễn đạt khác trong dự thảo luật, tránh dùng luật chuyên ngành này để sửa luật khác. Ngoài ra, các đại biểu còn đề cập một số vấn đề như cần quy định rõ hơn vai trò của luật sư, việc xác minh, thu thập chứng cứ, thẩm quyền của tòa án quân sự giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, vi phạm hành chính trong quân đội… trong dự thảo luật.
Xác định tính độc lập của cơ quan thanh tra
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), phần lớn ý kiến các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra như Ban soạn thảo đã xây dựng. Tuy nhiên, cần làm rõ một số khái niệm về quyền hạn, trách nhiệm và địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan thanh tra cần được tổ chức theo hướng vừa gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối với cơ quan quản lý nhà nước. Điều này sẽ giúp cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ độc lập về nghiệp vụ và tăng khả năng kiểm soát hoạt động thanh tra đối với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Lê Minh Hồng (Hà Nam) lại đề nghị cơ quan thanh tra phải được xây dựng theo hướng bảo đảm tính độc lập cao với cơ quan quản lý nhà nước như Kiểm toán nhà nước, hoặc như cơ quan tư pháp. Vì thanh tra là hoạt động chuyên ngành, có nhiệm vụ thanh tra, phát hiện những vụ việc tiêu cực, nhất là tham nhũng, lãng phí. Đại biểu Lê Minh Hồng cho rằng, việc tách cơ quan thanh tra khỏi cơ quan quản lý nhà nước là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay không đủ điều kiện để thực hiện, vì liên quan đến Luật Tổ chức HĐND, UBND. Nếu thực hiện ngay sẽ làm xáo trộn bộ máy nhà nước. Do vậy, trước mắt vẫn để cơ quan thanh tra hoạt động gắn với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng phải quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thanh tra, tránh trường hợp như Vinashin trước đây, mặc dù thanh tra, kiểm tra tới 11 lần nhưng không phát hiện sai phạm. Nhiều đại biểu đề nghị, không nên quy định thanh tra các cấp là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND, vì như vậy không bảo đảm tính độc lập trong hoạt động thanh tra. Một số đại biểu nêu thí dụ, thực tế nhiều vụ việc tiêu cực tại địa phương mặc dù xảy ra trong thời gian dài, nhưng không bị phát hiện, hoặc phát hiện nhưng không được xử lý kịp thời, do cơ quan thanh tra bị phụ thuộc vào chính quyền cùng cấp. Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) đề nghị, cần làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của cơ quan Thanh tra Chính phủ và khi Chính phủ có vụ việc cần thanh tra thì cơ quan thanh tra sẽ thực hiện theo cơ chế nào.
Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra nhân dân cũng được nhiều đại biểu đề cập. Các đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội), Trần Thị Dung (Điện Biên) và một số đại biểu tán thành với quy định đưa Thanh tra nhân dân vào luật và nâng cao tính pháp lý của Ban Thanh tra nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi giúp Thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, để hoạt động thanh tra nhân dân mang tính thực chất, Ban Thanh tra nhân dân phải do nhân dân tại cơ sở bầu và thanh tra viên không được kiêm nhiệm chức vụ chính quyền. Ban Thanh tra nhân dân chịu sự giám sát của MTTQ cơ sở. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị không nên đưa chế định Thanh tra nhân dân vào dự thảo luật mà nên tách ra quy định trong một văn bản khác. Nếu đưa nội dung này vào dự thảo luật, cần phải tổ chức tổng kết hoạt động của Thanh tra nhân dân trong thời gian qua để sửa đổi cho phù hợp.
Về cơ quan thanh tra chuyên ngành, có nhiều ý kiến trái ngược chung quanh việc thành lập thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, ngành chuyên môn, hay lập cơ quan thanh tra chuyên ngành riêng, hoạt động độc lập. Nhiều đại biểu cho rằng, nên lập cơ quan thanh tra chuyên ngành riêng biệt, còn hoạt động thanh tra tại các bộ, ngành hiện nay chỉ là hoạt động thanh tra, kiểm tra bình thường và không mang tính chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, điều này chưa thể thực hiện trong điều kiện hiện nay và làm phình bộ máy hành chính.
Ý kiến ()