Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Tổ đại biểu tỉnh Lạng Sơn thảo luận ở tổ về hai dự án luật sửa đổi
– Hôm nay (23/10), tiếp tục ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe, thảo luận tại tổ về 2 dự án luật (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số báo cáo trong công tác của các cơ quan khối nội chính – tư pháp.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tổ ở điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Tham dự có các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành khối nội chính – tư pháp liên quan.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tổ ở điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Trong chương trình buổi sáng, các đại biểu đã nghe: Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Thảo luận ở tổ về 2 dự án luật này, các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra của các uỷ ban của Quốc hội. Các ĐBQH cho rằng, việc ban hành 2 luật này để sửa đổi là cần thiết để khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành và làm cho các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn trong tình hình mới.
Đại biểu Quốc hội tỉnh nêu ý kiến thảo luận tại tổ
Đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh đồng tình phương án 1 tại Điều 15 quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, mà không cần qua đấu thầu đối với hoạt động, nhiệm vụ chính trị; còn các loại phim khác thì nên đấu thầu để tạo được sự cạnh tranh công bằng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh.
Đối với vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về sản xuất, phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng, các ĐBQH tỉnh nhất trí và ủng hộ nội dung như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Dự thảo Luật. Theo đó, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải có trách nhiệm tự phân loại, hiển thị kết quả tự phân loại theo quy định tại Điều 33 của Dự thảo Luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại. Tuy nhiên, các ĐBQH tỉnh cho rằng, tiêu chí phân loại phim như tại khoản 2 Điều 33 do Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định cần được quy định rõ ràng, đơn nghĩa, cụ thể để tránh hiểu đa nghĩa, suy diễn theo nhiều cách hiểu khác nhau. Đối với xử lý vi phạm luật này, các ĐBQH tỉnh đề nghị cần có chế tài xử phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những trường hợp bị phát hiện vi phạm; cần có cổng thông tin điện tử ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (BigData) và trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) hoặc trung tâm hoặc bộ phận tiếp nhận, xử lý các nguồn thông tin của người dân cảnh báo về các trang thông tin điện tử, các nguồn phổ biến phim trên không gian mạng vi phạm các quy định của Luật này để đảm bảo tính kịp thời trong việc xử lý các phim vi phạm.
Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 43), ĐBQH tỉnh đồng ý với đa số ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần cân nhắc việc thành lập Quỹ khi chưa đủ điều kiện giải pháp về khả năng tài chính độc lập, mục đích và cơ chế quản lý quỹ chưa được rõ ràng, tránh việc thành lập nhưng hoạt động không được hiệu quả.
Đối với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh thảo luận, góp ý vào một số nội dung cụ thể như: Tại khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 19 Dự thảo Luật, chỉ cần sửa đổi các nội dung về sáng kiến theo hướng dùng cụm từ “Sáng kiến được người đứng đầu bộ, ban, ngành tỉnh công nhận theo Điều lệ sáng kiến” là đầy đủ, xúc tích, khi đó không cần tiến hành thêm một hội đồng để xem xét thêm.
ĐBQH tỉnh đề nghị sửa đổi cụm từ “Phạm vi ảnh hưởng” thành cụm từ “Khả năng áp dụng, nhân rộng”; sửa đổi cụm từ “Hiệu quả áp dụng” bằng cụm từ “Khả năng mang lại lợi ích thiết thực” để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về thuật ngữ. Tại điểm d khoản 2 Điều 104 và điểm d khoản 2 Điều 105 (Thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua) nên sửa nội dung về sáng kiến theo hướng “d. Giấy chứng nhận sáng kiến do người đứng đầu, bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận”. Đề nghị bổ sung về nội dung “đề án khoa học” vào điểm d khoản 2 Điều 104 và điểm d khoản 2 Điều 105 của Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành kèm theo, vì đối tượng “đề án khoa học” đã được bổ sung vào Điều 18, 19, 20 của Dự thảo Luật thi đua khen thưởng để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm tiêu chí về tác giả chính và số lượng đồng tác giả đối với các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, đề án khoa học khi sử dụng sáng kiến, đề tài và đề án khoa học làm tiêu chí xét tặng các danh hiệu thi đua. Từ đó có thể tránh việc lợi dụng để có tên trong sáng kiến, đề tài và đề án khoa học để là đồng tác giả với mục đích làm tiêu chí xét danh hiệu…
Đối với hình thức “Huân chương thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật, các ĐBQH tỉnh nhất trí với Uỷ ban xã hội chưa đủ điều kiện bổ sung vào dự thảo luật lần này.
Trong chương trình làm việc buổi chiều nay và cả ngày làm việc thứ năm (24/10), Quốc hội dành phần lớn thời gian để nghe, thảo luận trực tuyến các báo cáo: công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; báo cáo công tác năm 2021 của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao; công tác thi hành án năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn); các báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Phóng viên Báo Lạng Sơn sẽ tiếp tục phản ánh, thông tin về kỳ họp tới độc giả.
Ý kiến ()