Ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về ba dự án luật
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII, ngày 28-5, buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp và việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào.
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII, ngày 28-5, buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp và việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào.
Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, và thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật PCCC
Phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung Luật PCCC là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến góp ý. Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị không nên chỉ sửa đổi một vài điều mà cần mở rộng hơn nữa phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung đối với dự án Luật này, vì Luật PCCC ban hành đã gần 12 năm, từ đó đến nay nhiều văn bản pháp luật mới đã ban hành có các quy định liên quan đến PCCC phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó Luật PCCC hiện hành (2001) cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các văn bản pháp luật đó. Các đại biểu Trần Thanh Hải, Lê Ðông Phong (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, những nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật PCCC hiện hành là cần thiết nhưng chưa đủ, chưa bao quát hết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện Luật PCCC hiện hành nhằm bảo đảm luật khi ban hành đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tình hình cháy nổ đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hiện nay.
Các đại biểu QH đề nghị cần có quy định để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ và chính quyền địa phương quản lý nhà nước về PCCC đối với các khu chung cư, khu đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, ký túc xá sinh viên… Cần nghiên cứu thêm về chủ trương, chính sách với lực lượng dân phòng tham gia PCCC vì không thể dàn trải kinh phí cho hoạt động này, cần thực hiện theo hướng hỗ trợ trực tiếp những người tham gia PCCC… Về phòng cháy đối với Nhà máy điện hạt nhân (khoản 6, Ðiều 1), các đại biểu cho rằng cần có lực lượng PCCC chuyên ngành có tính đặc thù, bảo đảm phù hợp với điều kiện PCCC tại khu vực nhà máy điện hạt nhân.
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu QH có những ý kiến khác nhau. Có đại biểu cho rằng, cơ sở để tiến hành sửa đổi Ðiều 170 chưa rõ ràng bởi việc đăng ký lại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ÐTNN) không chỉ là vấn đề thủ tục hành chính mà còn gắn liền với những trách nhiệm khác của bản thân doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Các cơ quan chức năng cần tìm hiểu để làm rõ nguyên nhân vì sao đến ngày 31-5-2013, có 2.916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp có vốn ÐTNN được thành lập theo Luật Ðầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Do đó, chưa nên sửa Ðiều 170.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, việc một số doanh nghiệp chưa đăng ký lại không chỉ có nguyên nhân từ phía bản thân doanh nghiệp mà còn do sự thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước ta. Việc sửa đổi Ðiều 170 nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và một số giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần có thêm thời gian để thực hiện thì việc xem xét sửa đổi Ðiều 170 Luật Doanh nghiệp là hết sức cần thiết và cấp bách. Ðây cũng chính là vấn đề có thể giải quyết và mang lại hiệu quả ngay cho các doanh nghiệp có vốn ÐTNN cũng như hoạt động thu hút đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật; nghe Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Báo cáo thẩm tra dự án Luật này và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, đa số các đại biểu QH đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
Về vấn đề đối tượng không chịu thuế (khoản 1, Ðiều 1), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) và một số đại biểu cho rằng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT quy định 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, trong đó có 18/25 nhóm hàng hóa, dịch vụ được giữ nguyên, có 6/25 nhóm được đề nghị sửa đổi, bổ sung là chưa phù hợp với Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020. Vì theo chiến lược cải cách thuế, thì mục tiêu hoàn thiện đối với thuế GTGT là giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế và nhóm chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ áp dụng một mức thuế suất… Ðại biểu này đề nghị, ngoài mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu, dự thảo luật vẫn giữ hai mức thuế suất là 5% và 10%, mở rộng diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.
Về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế (khoản 4, khoản 5, Ðiều 1), đại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và một số đại biểu QH tán thành với quy định của dự thảo luật và cho rằng, việc quy định cụ thể ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ là phù hợp đặc điểm và điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong hành thu. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) lại cho rằng, cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu một tỷ đồng/năm thì số lượng các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp tính trực tiếp là khá lớn. Mặt khác, chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý, áp dụng thuế GTGT vì ở nước ta, thuế GTGT đã được áp dụng trong khoảng thời gian khá dài song các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách thuế.
Về giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở (khoản 2, Ðiều 2); đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Cạn) và nhiều đại biểu QH tán thành với quy định của dự thảo luật và cho rằng, việc giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thật sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư, ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2. Do vậy, cần cân nhắc toàn diện trước khi ban hành chính sách này. Với mức giảm dự kiến không lớn, thời gian thực hiện ngắn (chỉ trong 01 năm) thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác. Do vậy, đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31-12-2014 (thực hiện từ 1-7-2013 đến hết 31-12-2014).
Theo Nhandan
Ý kiến ()