Ngày làm việc thứ sáu, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Đại biểu thảo luận trực tuyến và ở tổ về 3 dự án Luật (sửa đổi)
– Hôm nay (25/10), tiếp tục ngày làm việc thứ sáu, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe, thảo luận trực tuyến và thảo luận tại tổ về 3 dự án luật (sửa đổi) và nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tổ ở điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Tham dự có các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tổ ở điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Đối với thảo luận trực tuyến, các đại biểu tại Hà Nội và điểm cầu các tỉnh tập trung nêu ý kiến, quan điểm vào 2 dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
ĐBQH tỉnh họp thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ quan điểm nhất trí, đồng tình với Dự thảo Luật của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và có một số ý kiến tham gia như: về sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, ĐBQH tỉnh đồng ý với Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn đồng bộ, thống nhất với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số quy định chưa theo kịp với thông lệ quốc tế… Do vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.
Về Hợp đồng bảo hiểm, ĐBQH tỉnh cho rằng: Cơ quan soạn thảo đã đưa ra nội dung của Hợp đồng bảo hiểm (điều 14) rất rõ ràng, quy định chung cho tất cả hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều ngành, nghề, lĩnh vực có những từ ngữ chuyên môn, thuật ngữ chuyên ngành (như ngành y) gây khó hiểu cho bên mua bảo hiểm dẫn đến việc hiểu nhầm, hiểu sai nội dung dẫn đến tranh chấp. Do vậy, ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa thêm nội dung (trong trường hợp hợp đồng có từ ngữ chuyên môn, chuyên ngành thì cần phải giải thích rõ ngay trong hợp đồng).
Về Đại lý bảo hiểm, ĐBQH tỉnh cho rằng:Trong báo cáo tổng kết thực tiễn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đánh giá, trong thời gian qua các vụ tranh chấp, phát sinh giữa doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và khách hàng phần lớn đều xuất phát từ đại lý bảo hiểm do các hành vi như: không giải thích rõ quyền lợi cho khách hàng, xúi giục khách hàng kê khai thông tin không trung thực, thông tin sai sự thật về sản phẩm… , từ các vụ việc trên ảnh hưởng đến uy tín của DNBH, làm xấu đi ý nghĩa của bảo hiểm, làm cho thị trường bảo hiểm còn non trẻ của Việt Nam trở nên thiếu chuyên nghiệp và không lành mạnh. Dự thảo luật cũng đã điều chỉnh về hoạt động của đại lý bảo hiểm, điều kiện để trở thành đại lý bảo hiểm, tuy nhiên, các hành vi bị cấm của đại lý bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nêu tại dự thảo luật còn chung chung, chưa cụ thể. Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trong Bộ quy tắc ứng xử có đưa ra các hành vi không được thực hiện của đại lý bảo hiểm rất cụ thể, tuy nhiên chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, do vậy các hành vi này vẫn diễn ra, có hành vi còn công khai, một số tổ chức đại lý còn cổ súy và tạo điều kiện để đại lý thực hiện một số hành vi trên. Vì vậy, ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét việc đưa ra quy định trong luật về nội dung các hành vi bị cấm của đại lý bảo hiểm và chế tài xử lý hoặc đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có những biện pháp nghiêm khắc hơn để khắc phục tình trạng trên.
Về Bảo hiểm vi mô, ĐBQH tỉnh nhất trí về việc đưa nội dung về Bảo hiểm vi mô vào dự thảo luật lần này. Bảo hiểm vi mô đã có từ lâu và trên rất nhiều nước cũng như đã được thí điểm tại Việt Nam và có kết quả tích cực, giúp cho người có thu nhập thấp có hình thức bảo hiểm phù hợp với điều kiện kinh tế và có thể bù đắp được rủi ro phần nào, làm giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Các ĐBQH tỉnh cũng cho rằng: Giá trị của hợp đồng bảo hiểm vi mô thì rất nhỏ nhưng nếu triển khai trên quy mô lớn thì có tác động rất lớn đối với xã hội vì tác động đến nhiều người, nhất là đối tượng người nghèo, người yếu thế. Do đó, đòi hỏi các quy định về tổ chức chủ thể loại hình này phải rất chặt chẽ. Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ quy định rất ngắn gọn trong 2 điều, do đó, ĐBQH tỉnh đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn, đưa ngay vào trong luật để Nhân dân đọc luật có thể hiểu được ngay mà không cần đến nghị định, thông tư hướng dẫn.
Trong chương trình, sau khi nghe các ĐBQH nêu ý kiến, tranh luận ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến và thảo luận tại các tổ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Phóng viên Báo Lạng Sơn tiếp tục phản ánh, thông tin về Kỳ họp đến bạn đọc.
Ý kiến ()