Ngày 26-5, ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Luật Bưu chính.
Quy định chặt chẽ việc nuôi con nuôi
Buổi sáng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp. Mở đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật NCN. Dự án luật này đã được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu QH và trong quá trình hoàn thiện, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã làm việc với đại diện Đại sứ quán của chín nước ký Hiệp định NCN với nước ta, một tổ chức quốc tế và một số tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Dự thảo Luật NCN gồm 5 chương, 52 điều.
Nhìn chung, các ý kiến phát biểu thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ QH và khẳng định dự thảo luật có tính khả thi cao.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là phí NCN quy định tại Điều 12 dự thảo luật. Đại biểu QH Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) và nhiều đại biểu tán thành cần có quy định về lệ phí đăng ký NCN và phí giải quyết việc NCN nước ngoài, nhưng cần quy định cụ thể các loại phí nhằm bảo đảm công khai, minh bạch các khoản chi trong NCN có yếu tố nước ngoài, tránh kẽ hở phát sinh tiêu cực. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, quy định người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết NCN nước ngoài bao gồm cả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi và thù lao cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng là không hợp lý. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị cần quy định rõ mức phí ngay trong luật, trong khi một số đại biểu lại đề nghị Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Có đại biểu đề nghị cần xây dựng quỹ hỗ trợ nhân đạo cho việc NCN do tổ chức Nhà nước phi lợi nhuận quản lý và quỹ này được trích từ ngân sách Nhà nước và các tổ chức, cá nhân đóng góp.
Về NCN ở khu vực biên giới (Điều 42) vẫn còn ý kiến khác nhau. Đại biểu Hoàng Thương Lượng (Yên Bái), Tống Văn Thoóng (Lai Châu), Danh Út (Kiên Giang) và nhiều đại biểu cho rằng NCN ở khu vực biên giới là vấn đề phức tạp, liên quan một số nước có chung đường biên giới với nước ta và vấn đề dân tộc, tôn giáo, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số. Do vậy, cần có những quy định rất chặt chẽ. Chính phủ căn cứ vào Luật NCN và tình hình thực tế để quy định việc giải quyết NCN giữa công dân Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Lệ Chi (Cần Thơ) và một số đại biểu cho rằng không nên đưa Điều 42 vào dự thảo luật; nếu có việc NCN thì áp dụng quy định về NCN có yếu tố nước ngoài.
Thảo luận về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung trường hợp cha, mẹ nuôi chết, gặp điều kiện khó khăn không thể tiếp tục NCN, việc chấm dứt NCN phải tự nguyện từ hai phía cha, mẹ nuôi và con nuôi. Sau khi dẫn chứng có người con nuôi ở độ tuổi chưa thành niên hư hỏng, nghiện hút, gây phát sinh nhiều phiền toái cho cha, mẹ nuôi và cha, mẹ nuôi rất muốn chấm dứt việc NCN, đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) đề nghị không nên quy định “cứng” chỉ chấm dứt NCN khi con nuôi đã thành niên.
Các đại biểu cũng phát biểu nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề khác trong dự thảo Luật. Đại biểu Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) và một số đại biểu đồng tình nguyên tắc giải quyết việc NCN là chỉ cho làm con nuôi nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước, quy định Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài trong dự thảo luật là chặt chẽ, khắc phục được bất cập và tiêu cực trong quản lý, giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Một số đại biểu đề nghị cần quy định thêm các hành vi bị cấm; độ tuổi tối thiểu của cha, mẹ nuôi phải từ 25 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này mới đủ độ “chín”, bảo đảm điều kiện chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt. Các đại biểu cũng cho rằng, Điều 39 quy định về thông báo tình hình phát triển con nuôi còn chung chung, quy định trong thời hạn ba năm kể từ ngày giao nhận con nuôi mới thông báo là chưa hợp lý, cần quy định thời gian ngắn hơn như định kỳ sáu tháng, một năm kể từ ngày giao nhận con nuôi là phải thông báo cho Bộ Tư pháp và cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước nơi con nuôi cư trú. Đại biểu Tống Văn Thoóng đề nghị cần quy định theo hướng cải cách hành chính, hạn chế những thủ tục rườm rà, không cần thiết trong việc NCN.
Nâng cao chất lượng hoạt động của điểm bưu điện – văn hóa xã
Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu QH thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bưu chính. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bưu chính, cho biết sau khi được chỉnh lý, dự thảo luật này có 10 chương, 47 điều, tăng một điều so với dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ 6.
Hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) cho rằng, người dân nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, rất cần có điểm bưu điện văn hóa xã. Vì vậy, vẫn nên quy định trong Luật Bưu chính về điểm bưu điện – văn hóa xã. Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đác Lắc) nhận xét, hiện nay, người dân ở nhiều xã đang rất thiếu thông tin, thiếu báo đọc, chưa tiếp cận được thông tin điện tử. Vì vậy, để người dân có điều kiện nhận được nhiều thông tin bổ ích thì sự có mặt của điểm bưu điện văn hóa xã là rất quan trọng. Đại biểu này đề nghị dự thảo Luật nên có những điều khoản quy định những hoạt động cần thiết để hỗ trợ các điểm bưu điện – văn hóa xã hoạt động. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu khác cho rằng, điểm bưu điện – văn hóa xã đang mất dần vai trò của mình và gây lãng phí cho Nhà nước, vì vậy, dự thảo luật không quy định cụ thể về điểm bưu điện – văn hóa xã mà sẽ quy định tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ là hợp lý.
Về hoạt động Bưu chính công ích, đại biểu Nguyễn Viết Lểnh (Bình Định), Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) và một số đại biểu khác đồng ý với dự thảo luật giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp bưu chính của nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước giao. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn Khoản 4 (Điều 34) khi quy định Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng giảm dần căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể trong việc bảo đảm thời gian vận chuyển bưu phẩm cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Cũng tại Điều 34, Khoản 2 quy định Nhà nước hỗ trợ việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thông qua phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ khác. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) đề nghị làm rõ hơn, công khai những chính sách hỗ trợ cho hoạt động bưu chính công ích là gì để bảo đảm rõ ràng, minh bạch hoạt động của bưu chính công.
Ý kiến ()