Ngày 25- 5, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII, bước sang ngày làm việc thứ năm. Với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu thảo luận tại hội trường hai dự án : Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Buổi sáng, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Báo cáo cho biết: Tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, các cơ quan hữu quan và các chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu QH về dự thảo luật; xin ý kiến của đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước. Qua thảo luận, nhiều đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ QH và đóng góp ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Một số đại biểu cho rằng, bên cạnh việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thì việc công bố về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng là một nhiệm vụ quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp tự giác thực hiện việc dán nhãn năng lượng. Ngoài việc quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị tiết kiệm năng lượng, trong dự thảo luật cần có các quy định về việc khuyến khích dán nhãn năng lượng, công bố về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Liên quan Điều 39 về dán nhãn năng lượng, đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng, lộ trình dán nhãn cần có sự thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng để các bên liên quan cùng thực hiện. Vấn đề là cần đơn giản các loại nhãn và có quy định xử lý đối với những sản phẩm vi phạm không dán nhãn, kinh nghiệm một số quốc gia đã thực hiện và thể hiện tính bắt buộc của pháp luật.
Nội dung kiểm toán năng lượng cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến nêu quy định về kiểm toán năng lượng trong dự thảo luật là chưa thích hợp, không phản ánh được vai trò của kiểm toán năng lượng. Đề nghị bổ sung thêm một số điều luật quy định cụ thể hơn về kiểm toán năng lượng như: chức năng, nhiệm vụ, giá trị pháp lý của kiểm toán…; và nên quy định rõ cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm toán năng lượng vào trong luật này. Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, trong Điều 34 đề cập tổ chức kiểm toán năng lượng, vậy cơ quan này đặt ở bộ, hay ở tỉnh? Cần có chế tài để xử lý nếu người đứng đầu cơ quan Nhà nước và người chịu trách nhiệm kiểm toán không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của luật này.
Về vấn đề ưu đãi đối với hoạt động năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Điều 41) các đại biểu cho rằng, quy định ở điều này còn rất chung chung. Tại Điểm 1 theo quy định của luật, dự án Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí. Nếu quy định như thế này rất khó phân biệt dự án nào được hỗ trợ một phần, dự án nào được hỗ trợ toàn bộ, do đó khó áp dụng trong thực tiễn. Cho ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương XI), các đại biểu đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của bộ, ngành và vai trò của các bộ, làm rõ sự phân công, phối hợp triển khai giữa cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cho rằng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chương trình cần phải làm dài hạn và không nên quyết định đây là một chương trình mục tiêu quốc gia…
Sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà ở và đất
Buổi chiều, QH thảo luận dự án Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế nhà, đất cho biết, dự án luật này đã được QH khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh dự án luật. Về tên gọi của luật, đa số ý kiến đại biểu QH chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế, vì: nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Mặt khác, Nhà nước hiện đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển nhà ở cho người dân… Xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, để bảo đảm thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật nên sửa tên luật là: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Báo cáo giải trình đã nêu một số vấn đề cụ thể còn có ý kiến khác nhau về thẩm quyền quyết định chính sách thuế; đối tượng chịu thuế ; mức thuế suất đối với đất; việc quy định hạn mức đất ở; về chu kỳ tính thuế; về miễn, giảm thuế. Về thời điểm có hiệu lực của luật này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, trong điều kiện hiện nay, trước mắt còn nhiều công việc cần chuẩn bị thì việc quy định thời điểm thi hành 1-1-2011 như dự thảo luật sẽ khó khăn cho tổ chức thực hiện, khó bảo đảm thực thi nghiêm túc. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, xin quy định thời điểm thi hành luật từ ngày 1-1-2012.
Các đại biểu: Vũ Hồng Anh (Hà Nội), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Lê Quốc Dung (Thái Bình) đề nghị làm rõ mục tiêu, nội hàm của luật này và đề nghị đưa nhà ở vào đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ về nhà ở và đất, làm cho giá nhà ở và đất ở nước ta quá cao như hiện nay. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, cần kiểm tra, thanh tra, giám sát tình trạng để hoang phí nhà ở và đất như hiện nay ở một số dự án, ở một số địa phương, sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà ở và đất. Các đại biểu: Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng), Dương Kim Anh (Trà Vinh), Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận), đề nghị có quy định cụ thể về miễn, giảm thuế sử dụng đất đối với các đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đác Lắc) đề nghị bổ sung quy định về đất của các cơ sở tôn giáo trong luật. Một số đại biểu cho rằng, mức thuế suất còn thấp, đề nghị nâng cao hơn để ngăn chặn đầu cơ về đất và nhà ở. Và nâng mức thuế đất đối với đất lấn chiếm, đất bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng…
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo giải trình thêm trước QH, cho biết, giá trị đất để tính thuế là giá đất được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư công bố hằng năm và chu kỳ để tính thuế đất phi nông nghiệp là 5 năm. Để chống tình trạng đầu cơ về đất và nhà ở, ngoài luật này, còn nhiều văn bản pháp luật khác điều chỉnh…
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên phát biểu ý kiến cho biết, Ủy ban Thường vụ QH sẽ phát phiếu xin ý kiến các đại biểu QH về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo luật, trình QH thông qua trong phiên họp tới.
Thông cáo số 5, kỳ họp thứ bảy,QH khóa XII Ngày 25-5-2010, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp. Buổi sáng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Trong buổi làm việc đã có 21 vị đại biểu Quốc hội của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: – Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật; – Nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; – Chính sách của Nhà nước đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; – Bảo đảm cung ứng năng lượng bền vững; – Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sản xuất và sử dụng năng lượng; – Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất công nghiệp; xây dựng; chiếu sáng công cộng; giao thông vận tải; sản xuất nông nghiệp… – Việc sử dụng năng lượng với bảo vệ môi trường; – Các biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; – Về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; – Việc kiểm toán năng lượng; – Trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu kết thúc phiên họp. Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Trong buổi làm việc đã có 18 vị đại biểu Quốc hội của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: – Về tên gọi của luật; – Thẩm quyền quyết định chính sách thuế; – Đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; – Căn cứ tính thuế đất; diện tích đất tính thuế; – Mức thuế suất đối với đất; đối với đất lấn, chiếm; đất phi nông nghiệp; – Về mức thuế suất đối với đất sản xuất; kinh doanh phi nông nghiệp; – Về áp dụng thuế suất đối với đất tại nhà chung cư; – Về quy định hạn mức đất ở; – Về trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở; – Về miễn, giảm thuế; – Thời điểm có hiệu lực của văn bản… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu kết thúc phiên họp. Thứ tư, ngày 26-5-2010, Quốc hội làm việc tại Hội trường. |
Ý kiến ()