Ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII
Đại biểu QH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại hội trường. Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013; thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013Ngày 31-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ chín. Buổi sáng, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệpTiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, để thực hiện...
Đại biểu QH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thảo luận tại hội trường. |
Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013; thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013
Ngày 31-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ chín. Buổi sáng, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra, Chính phủ cần triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, trong đó cần quan tâm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo các đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), Huỳnh Thành (Gia Lai), trong hai năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường cũng như giải quyết hàng tồn kho. Tuy nhiên, vẫn chưa đem lại những hiệu quả như mong muốn. Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý; ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục rà soát các khoản nợ và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp như, cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ giải “bài toán hàng tồn kho” như: đất, nhà, xi-măng, sắt thép… để các doanh nghiệp thu hồi vốn, khôi phục sản xuất. Trước mắt, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát tổng hợp, kết hợp với kê khai của doanh nghiệp để xác định đầy đủ giá trị mà vốn NSNN đang nợ doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản và mua sắm công để có giải pháp giải cứu giúp doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ hướng dẫn các địa phương thống nhất trên toàn quốc thực hiện việc hỗ trợ tính giá và đơn giản thủ tục miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
Nhiều ý kiến tập trung thảo luận, góp ý kiến đối với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ đang thực hiện. Các đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai), Phạm Văn Cường (Lào Cai) cho rằng, thời gian qua việc điều hành, triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội còn chậm và thiếu tập trung, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, việc thực hiện 16 mục tiêu chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 31%, do vậy Chính phủ cần có đánh giá và đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu này. Đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên) đề nghị, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo và tăng nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo đảm an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu phát hành trái phiếu phục vụ các dự án an sinh xã hội, nhất là đối với 62 huyện nghèo của cả nước. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, hiện nay nhiều dự án treo đang gây khó khăn cho người dân trong vùng dự án, do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết thu hồi những dự án treo trong thời gian dài. Cùng với những nội dung nêu trên, một số đại biểu phát biểu ý kiến nêu lên những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý thị trường vàng (đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Bà Rịa – Vũng Tàu). Đồng thời đề nghị Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này.
Cũng trong buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Liên quan đến dự án công trình Thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, sau khi phát hiện thấm nước qua đập thủy điện, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý. Đến nay, kết quả chống thấm đã đạt chuẩn cho phép. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi để đánh giá cũng như có các giải pháp phù hợp để bảo đảm an toàn cho dự án này.
Về công tác quản lý thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm trước QH trong quản lý thị trường vàng, trong đó có việc không thông tin kịp thời đến người dân liên quan đến chủ trương của Nhà nước trong điều hành thị trường vàng, gây lo lắng trong nhân dân. Trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm ổn định thị trường vàng trong nước, chống tình trạng vàng hóa, đô-la hóa trong nền kinh tế.
Đề cập đến việc thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu theo lộ trình, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, đề xuất thực hiện tăng lương tối thiểu chung cho cán bộ, công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công từ ngày 1-7-2013, với mức tăng thêm 100 nghìn đồng/người/tháng.
Ưu tiên ngân sách nhà nước cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2012; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013. Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ sự nhất trí kết quả thực hiện NSNN năm 2012 như báo cáo của Chính phủ, đồng thời tập trung đóng góp ý kiến đối với dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013.
Nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với việc dự toán NSNN đối với các chương trình mục tiêu quốc gia như Báo cáo của Chính phủ, qua đó góp phần quan trọng tạo điều kiện giúp các địa phương, bộ, ngành chủ động hơn trong việc đầu tư, thu, chi, không trông chờ, ỷ lại vào T.Ư. Việc thu, chi ngân sách trong năm tới cần tăng cường chi đầu tư phát triển, giảm tối đa chi hành chính. Các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. NSNN cần tập trung cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần huy động đầu tư, các nguồn vốn của xã hội phục vụ phát triển các lĩnh vực quan trọng này.
Vấn đề điều chỉnh mức lương tối thiểu theo lộ trình được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Theo đó, hầu hết đại biểu nhấn mạnh, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ trong tình hình kinh tế đất nước và cân đối NSNN năm 2013 gặp rất nhiều khó khăn… Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu hoặc tăng lương một phần theo lộ trình chỉ có thể thực hiện được khi cắt giảm các khoản đầu tư khác, trong khi đầu tư phát triển cho đất nước đang là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Các đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ngô Thị Minh (Quảng Nam) và một số đại biểu khác cho rằng, trước mắt, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu nên tập trung cho những người về hưu, người có thu nhập thấp… Bên cạnh đó, cần chú trọng giải quyết chính sách cho các cựu TNXP đã cống hiến tuổi xuân cho các cuộc kháng chiến của dân tộc.
Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Trần Quang Chiểu (Nam Định), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phát biểu ý kiến đề cập hiệu quả đầu tư từ NSNN, đồng thời cần làm tốt công tác giám sát thu, chi NSNN. Theo đó, việc phân bổ NSNN cần triển khai đúng đối tượng, phù hợp, kịp thời hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Trong chi đầu tư phát triển, cần chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, hạn chế đầu tư xây dựng trụ sở… Bên cạnh đó, cần mở chiến dịch truy thu các khoản thuế nợ đọng kéo dài, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng chây ỳ, trốn nợ thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm chống gian lận thương mại, chống chuyển giá, gửi giá trong hoạt động của các doanh nghiệp; nghiên cứu miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khi tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn. Trong khi đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn, nên tránh thu các loại phí gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, trong đó cần cân nhắc kỹ về việc thu phí sử dụng đường bộ dự kiến thực hiện từ ngày 1-1-2013…
Theo Nhandan
Ý kiến ()