Ngày 27-5, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu QH thảo luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và NSNN năm 2010 trong những tháng đầu năm.
Bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, giảm nhập siêu và bội chi NSNN
Hầu hết các ý kiến phát biểu của các đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ trình QH lần này, cho rằng, năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, an sinh xã hội được chăm lo, chính trị ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Các đại biểu cho rằng, Chính phủ đã có những giải pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng nền kinh tế nước ta còn có những diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu của các cơ quan chức năng nhiều hạn chế. Giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời chỉ đạo ngành ngân hàng có cơ chế phù hợp để nhiều doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là cần thiết, nếu không bội chi NSNN sẽ vượt mức cho phép, dư nợ Chính phủ sẽ tăng cao và nguy cơ lạm phát khó tránh khỏi. Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tập trung thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Một số mặt hàng cao cấp, xa xỉ, không nên khuyến khích nhập khẩu. Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, tăng trưởng và tăng thu NSNN năm 2009 và những tháng đầu năm là tốt, nhưng cần làm rõ vì sao bội chi NSNN vẫn cao. Đề nghị Chính phủ nêu rõ chỉ số ICO năm 2009 là bao nhiêu, phải công khai chỉ số ICO để các đại biểu QH và nhân dân đánh giá hiệu quả của sự đầu tư và phát triển. Đề nghị Chính phủ trong năm 2010, chỉ đạo kiên quyết không làm phát sinh thêm chi NSNN và tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn ra đầu tư theo hình thức BOT. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nợ công là bao nhiêu, để QH có thể giám sát tốt hơn. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) và một số đại biểu cho rằng, tình trạng lãng phí, thất thoát là đáng lo ngại. Công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản còn bị buông lỏng, dẫn đến việc vi phạm pháp luật, tiêu cực trong quản lý, khai thác khoáng sản còn diễn ra kéo dài ở nhiều nơi. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, về khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ rừng… Một số đại biểu nhận xét, còn một số yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước, nhiều công trình dự án không bảo đảm tiến độ, không ít công trình thực hiện dở dang, chất lượng kém, gây lãng phí. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) chất lượng thống kê, dự báo chưa chính xác, gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan trong điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành trước những mặt hạn chế, tồn tại được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành đề án về tái cấu trúc nền kinh tế, trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế – xã hội năm năm tiếp theo. Đề nghị QH, Chính phủ xây dựng lộ trình giảm bội chi NSNN dưới 5% GDP thời gian tới. Một số đại biểu đề nghị chủ động gắn các giải pháp kinh tế với việc kiểm soát giá cả, giữ ổn định các mặt hàng thiết yếu như giá xăng, dầu, thuốc chữa bệnh; tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) và một số đại biểu đề nghị làm rõ tình trạng cắt điện liên tục của ngành điện, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Cần làm rõ nguyên nhân thiếu điện và có giải pháp khắc phục tình trạng tùy tiện, cửa quyền của ngành điện. Đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Công thương về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc để thiếu điện là gì và giải pháp tháo gỡ thời gian tới như thế nào để bảo đảm điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống? Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số đại biểu đề nghị triển khai thực hiện chiến lược kinh tế biển, ưu tiên ngân sách cho biển đảo; xây dựng hệ thống cảng biển; nghiên cứu xây dựng Luật Khai thác hải sản, tập trung bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường biển…
Quan tâm các vấn đề xã hội
Theo đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi), Báo cáo của Chính phủ trình QH lần này chưa đánh giá, phân tích rõ các vấn đề giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và môi trường. 8/25 chỉ tiêu năm 2009 chưa đạt kế hoạch tập trung chủ yếu là nhóm chỉ tiêu xã hội, môi trường. Cần làm rõ nguyên nhân chủ quan không đạt kế hoạch của các nhóm chỉ tiêu này và sớm có giải pháp khắc phục. Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. Một số đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Tình trạng các cơ quan chức năng cho phép thành lập một số trường đại học, cao đẳng ở các địa phương, trong khi cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy chưa bảo đảm, thiếu đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn…, gây bức xúc trong nhân dân. Kiến nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo sớm khắc phục tình trạng nói trên.
Đại biểu Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) cho rằng, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống; học sinh vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành đối với trẻ em, bạo lực học đường cùng với thái độ thờ ơ của nhiều người… đang là nỗi lo của xã hội. Chính phủ, các ngành, đoàn thể và địa phương cần tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đồng bộ về cả chất và lượng của ngành giáo dục; đồng thời phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng và gia đình để quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, giúp các em có lối sống lành mạnh, ứng xử phù hợp các chuẩn mực về đạo đức và các quy tắc trong xã hội.
Đại biểu Nguyễn Sáng Vang (Tuyên Quang), Sùng Chúng (Lào Cai), Chu Lê Chinh (Lai Châu), Danh Út (Kiên Giang), Bùi Thị Hòa (Đác Nông) cho rằng, Chính phủ đã có nhiều cải cách trong lĩnh vực y tế, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, người có thu nhập thấp chưa được hưởng những dịch vụ y tế có chất lượng tốt. Ở vùng miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số thiếu cơ sở y tế, cán bộ, nhân viên y tế. Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát quy hoạch, quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và khu vực để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh cho nhân dân, hạn chế tình trạng tập trung quá đông về các bệnh viện tuyến trung ương. Mặt khác, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ y, bác sĩ về công tác lâu dài ở vùng đặc biệt khó khăn. Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn gần 12%, nhưng chưa bền vững và tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, rất dễ trở thành hộ nghèo do thiên tai, dịch bệnh. Chuẩn nghèo xây dựng năm 2006 dựa trên nhu cầu chi tiêu cơ bản của hộ nghèo, mà nhu cầu chi tiêu lại phụ thuộc vào giá cả, nên khi giá cả tiêu dùng tăng sẽ dẫn đến hệ quả làm giảm giá trị thực tế của chuẩn nghèo; đề nghị Chính phủ sớm công bố chuẩn nghèo mới. Một số đại biểu cho rằng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng có xu hướng ngày càng tăng, sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa; cần có giải pháp khắc phục. Một số đại biểu cho biết, đời sống của người lao động nói chung, trong đó có người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp ép công nhân làm việc quá thời gian theo quy định của pháp luật và trả lương chậm, trả lương không đầy đủ như cam kết. Đề nghị cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về lao động, buộc các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các điều khoản trong Bộ luật Lao động về giao kết hợp đồng lao động, bảo đảm chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ), đề nghị sớm xây dựng đề án hệ thống an sinh xã hội.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, bảo đảm tài nguyên môi trường
Nhiều đại biểu quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các đại biểu: Hà Sơn Nhin (Gia Lai), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), đề nghị cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa của nông dân. Một số đại biểu đề nghị mở rộng diện các xã, huyện vùng miền núi thuộc Nghị quyết của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, đi liền với giải quyết chế độ, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ cấp xã. Có chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo. Đại biểu Nguyễn Sáng Vang (Tuyên Quang) đề nghị tăng chi phí cho công tác bảo vệ và trồng rừng. Đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) đề nghị, các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo vùng miền núi nên hợp nhất thành một chương trình tổng thể; vì nếu nhiều bộ, ngành cùng tham gia sẽ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và phân tán nguồn lực…
Làm rõ hơn nhiều vấn đề đại biểu QH quan tâm
Một số thành viên Chính phủ đã tham gia đóng góp ý kiến tại hội trường, làm rõ và bổ sung thêm các nội dung liên quan các vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo với QH một số nội dung liên quan ý kiến đại biểu QH thảo luận chung quanh bội chi ngân sách, quản lý nợ quốc gia, nợ Chính phủ; vấn đề dự báo liên quan thu ngân sách và bội chi năm 2009 và vấn đề về quản lý chi ngân sách năm 2009. Theo đó, những năm vừa qua thu ngân sách cũng đã tăng, nhưng không tăng nhanh được. Nước ta phải thực hiện việc giảm động viên, khuyến khích cho các doanh nghiệp, từng bước tích tụ tăng khả năng sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, chủ động hội nhập. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, năm 2009, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, chúng ta đã áp dụng rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tài chính và tiền tệ.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu ý kiến làm rõ thêm việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Trong đó, đề cập hệ thống các chỉ tiêu về môi trường của năm 2009. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt tám nhóm chỉ tiêu bằng bốn nhóm giải pháp, phân công trực tiếp các bộ trưởng phụ trách các nhóm chỉ tiêu. Bên cạnh đó, đã xây dựng một số chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu đó. Chính phủ đã cân đối và dành một phần chi ngân sách Nhà nước cho công tác này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm 2010 sẽ tổ chức tổng kết và đánh giá các chỉ tiêu về môi trường nhằm xác định lại phương pháp luận và các cơ sở khoa học để quyết định đưa ra bao nhiêu chỉ tiêu phù hợp nhất.
Bộ trưởng LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, vấn đề chuẩn nghèo trong thời gian qua… Bộ trưởng cho rằng, Nghị quyết 30a của Chính phủ đã ban hành nhằm góp phần giải quyết vấn đề này. Sau một năm đã thực hiện được những mục tiêu đề ra. Những nội dung, hạng mục thực hiện chương trình đều dựa trên ý kiến, sự bàn bạc lựa chọn của cán bộ, người dân địa phương tại từng xã, từng huyện. Thực hiện Nghị quyết 30a là một sự đổi mới về đầu tư cho các chương trình giảm nghèo. Mức đầu tư đối với từng huyện dựa trên khả năng về ngân sách của Nhà nước. Đến nay, đông đảo cán bộ và nhân dân nhiều địa phương đánh giá cao hiệu quả của chương trình này.
Phát biểu ý kiến kết thúc phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ và tại hội trường, cho thấy các đại biểu QH đã dành thời gian thỏa đáng nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan QH và các cơ quan hữu quan. Các ý kiến đề cập khá toàn diện. Các vấn đề đại biểu nêu lên đều hệ trọng và thiết thực, thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân. Sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, chính xác để gửi Chính phủ và các cơ quan hữu quan xem xét xử lý trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
Ý kiến ()