Ổn định kinh tế vĩ mô, giữ mức tăng trưởng hợp lý
Thảo luận về tình hình KT-XH năm 2010, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH tại phiên khai mạc. Các ý kiến tập trung thảo luận về những bài học kinh nghiệm được rút ra trong việc chỉ đạo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian qua cũng như những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong những năm tiếp theo.
|
Đoàn đại biểu Quốc Hội Hà Nội làm việc ở tổ. |
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù năm 2010 còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã đạt được kết quả khá toàn diện. Nền kinh tế đã nỗ lực vượt qua giai đoạn suy giảm và từng bước lấy lại đà phục hồi tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế nguy cơ lạm phát cao. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, năm 2010, đã đạt được hai mục tiêu lớn về kinh tế là ổn định kinh tế vĩ mô và giữ mức tăng trưởng hợp lý cao hơn năm 2009. Theo đại biểu này, vừa qua chúng ta đã sử dụng hai công cụ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để điều tiết vĩ mô, trong khi giải quyết hai vấn đề mâu thuẫn là vừa muốn phục hồi tăng trưởng lại vừa muốn kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, nhiều nước khác phục hồi tăng trưởng trong điều kiện không có nguy cơ lạm phát. Việc điều hành, đề ra các chính sách của Chính phủ trong năm 2010 cho thấy sự linh hoạt trong bối cảnh giải quyết hai bài toán mâu thuẫn như vậy. Đại biểu đánh giá cao Nghị quyết 18 của Chính phủ ngày 6-4-2010 đã đưa ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp và cho đến nay tiếp tục thực hiện những giải pháp đó đối với nền kinh tế.
Đại biểu Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh) cho rằng, trong điều kiện phải giảm bội chi ngân sách, nhưng các lĩnh vực văn hóa và xã hội vẫn được quan tâm chăm lo tốt hơn, góp phần thiết thực vào ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Đại biểu Trần Đình Đàn tán thành các mục tiêu về KT- XH trong thời gian tới do Chính phủ đề ra. Theo đó, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; trên cơ sở đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mặt khác chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế…
Khi phân tích, đánh giá những hạn chế, yếu kém; đại biểu Trần Du Lịch và một số đại biểu khác cho rằng, vẫn còn có những hạn chế chưa được giải quyết. Trong sáu tháng đầu năm, có lúc sự phối hợp giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến thị trường có những dấu hiệu biến động. Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm những vấn đề quan trọng trong thời gian tới đối với nền kinh tế là, làm sao nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh. Bởi vì nền kinh tế nước ta chưa mạnh, thậm chí còn 'đuối sức' trong quan hệ toàn cầu do năng suất và chất lượng tăng trưởng chưa cao. Có thể nói, 'căn bệnh trầm kha' nhập siêu do chậm đổi mới mô hình vẫn tồn tại. Theo đại biểu Trần Du Lịch, thời gian qua, vấn đề đầu tư công vẫn chưa hiệu quả, thậm chí đã phá vỡ hai nguyên tắc dựa trên phí tổn cơ hội và dựa trên tính đồng bộ. Do vậy đầu tư không hiệu quả. Một vấn đề khác được nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với 'cái bẫy' tự do hóa thương mại. Chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phải chấp nhận sự cạnh tranh nghiệt ngã hơn trong nhiều lĩnh vực so nhiều nước khác. Sau khủng hoảng, tất cả các nước trên thế giới đều có khuynh hướng bảo hộ mạnh mẽ, chúng ta chưa sử dụng đáng kể công cụ này. Nếu không chuẩn bị tốt hơn vấn đề này thì chúng ta sẽ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại như một số nước. Đây là thách thức lớn đang đặt ra, đòi hỏi phải chủ động chuẩn bị các điều kiện và đề ra những giải pháp hữu hiệu.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Báo cáo của Chính phủ đã đề cập vấn đề thiếu điện nghiêm trọng trong khi các công trình, nhà máy thủy điện làm rất nhiều, lại xảy ra tình trạng thiếu điện thì trách nhiệm thuộc về ai? Một số đại biểu cho rằng, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH, phần lớn các chỉ tiêu không đạt đều thuộc lĩnh vực xã hội và môi trường. Không chỉ riêng năm 2010 mà cả trong năm năm qua, phần lớn các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm đều không đạt kế hoạch. Vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do bụi, khí thải, nước thải từ các khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt… ngày càng trầm trọng. Vì thế cần cân nhắc kỹ hơn trong việc đề ra chỉ tiêu.
Tìm bài học từ Vinashin
Trong thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm vấn đề xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN). Theo chương trình của kỳ họp, Chính phủ đã có báo cáo gửi đến các vị đại biểu QH. Nhiều đại biểu nhất trí với đánh giá thực trạng hiện nay của VINASHIN, chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn. Bài học từ VINASHIN khá sâu sắc, cho thấy việc thiếu cơ chế giám sát, cảnh báo và vấn đề về nhân sự. Trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ; và cần làm rõ thêm trách nhiệm của các bộ, ngành.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, chúng ta chủ trương làm thí điểm các tập đoàn, nhưng dường như việc ra đời của các tập đoàn vừa qua như 'trăm hoa đua nở', tạo nên một lỗ hổng về cơ chế quản lý. Đặc biệt lỗ hổng về mối quan hệ giữa chủ sở hữu là toàn dân, là QH và Chính phủ với những người đại diện. Từ năm 2005, khi Luật Doanh nghiệp ra đời đã xác định đến ngày 1-7-2010 thì Luật Doanh nghiệp không còn hiệu lực. Nhưng với doanh nghiệp nhà nước khi đó quan hệ với người chủ sở hữu, với những người đại diện vốn như thế nào, liên quan quyền và trách nhiệm, thì chúng ta còn lúng túng. Nhiều người đã đề nghị QH sớm ban hành một đạo luật kinh doanh vốn của Nhà nước, tới nay vẫn chưa có. Vấn đề của VINASHIN đã cho thấy có lỗ hổng như vậy. Bài học rút ra là một doanh nghiệp không thể nói rằng tự chủ, làm một ngành chính rồi đa ngành, muốn đầu tư bao nhiêu cũng được. Vấn đề tự chủ như thế nào cần giải quyết bằng một đạo luật.
Theo đại biểu này, ở các nước những tập đoàn lớn của nhà nước thì điều lệ hoạt động của nó dựa trên đạo luật của QH. Vì thế cần có sự công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. QH cần có một nghị quyết yêu cầu Chính phủ, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải minh bạch, công khai về báo cáo tài chính giống như những công ty cổ phần, các công ty đại chúng niêm yết ở thị trường chứng khoán theo quy định như Luật Chứng khoán. Điều đó tạo điều kiện để cả xã hội, toàn dân tham gia giám sát, tránh việc xảy ra vừa qua là báo cáo không minh bạch, giấu giếm. Về lâu dài, những tập đoàn của nhà nước hằng năm phải báo cáo trước QH về kết quả hoạt động, và có một cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của các tổ chức này trước QH.
Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước
Thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2010, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NST.Ư) năm 2011, phần lớn các đại biểu QH đều nêu rõ, trong năm 2010, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt mức kế hoạch, tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch đề ra. Các khoản thu ngân sách đều hoàn thành vượt dự toán, trong đó, thu nội địa ước đạt 325 nghìn tỷ đồng, vượt 10,3% so dự toán. Thu từ khu vực kinh tế quốc doanh tăng 8,5% so dự toán, tăng 28,9% so năm trước là dấu hiệu tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên, để việc thu NSNN có hiệu quả hơn, nhiều đại biểu đề nghị QH sớm triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách vì có những vấn đề, điều khoản không còn phù hợp với thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, trong thu NSNN còn những lĩnh vực bị thất thu cần chú ý, thí dụ như thu từ khai thác quỹ đất. Nhiều tỉnh, thành phố còn để cho doanh nghiệp tự lập dự án kinh doanh để khai thác quỹ đất, dẫn đến thất thu lớn cho Nhà nước. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát phần vốn của Nhà nước chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, dễ gây ra thất thu NSNN. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần tập trung quản lý và kiểm soát các nguồn thu chi của các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước trong sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
Năm 2010, số vượt thu NSNN là 58 nghìn 600 tỷ đồng; trong đó NST.Ư vượt thu 35 nghìn 600 tỷ đồng, Ngân sách địa phương vượt 23 nghìn tỷ đồng. Về vấn đề này, có đại biểu QH đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể với QH về phương án phân bổ chi tiết số vượt thu NST.Ư, trong đó đề nghị nên ưu tiên tăng chi trả nợ và giảm bội chi.
Về tình hình nợ công, Chính phủ đề nghị mức dư nợ công năm 2011 bằng 57,1% GDP. Về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, nợ công ở mức 57,1% là cao, trong thời gian ngắn nữa có thể sẽ vượt mức an toàn (khoảng 60%); vì vậy cần quản lý chặt chẽ nợ công, thay đổi cơ cấu nguồn vốn, bảo đảm trả nợ đến hạn, giảm dần vay nợ; nhất là cần tăng cường hiệu quả đầu tư, bảo đảm duy trì các chỉ số nợ ở trong giới hạn an toàn, phù hợp với tiềm lực của đất nước. Có đại biểu nêu rõ, mức nợ công cần phải được kiềm chế và giảm xuống, bởi nợ công tới mức 60% là có thể gây nhiều khó khăn đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Năm 2011, Chính phủ đề nghị phát hành 45 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị phát hành từ 40 nghìn đến 45 nghìn tỷ đồng. Về vấn đề này, nhiều đại biểu cơ bản nhất trí với Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Có đại biểu nêu rõ, trên thực tế đã có hiện tượng nhiều nơi, nhiều công trình, dự án tranh thủ nguồn trái phiếu Chính phủ bên cạnh các nguồn vốn khác, điều này sẽ dẫn đến việc không thể kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ với QH về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; bao gồm mục tiêu, tổng mức đầu tư, kế hoạch phân bổ cụ thể cho từng lĩnh vực và danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ…
Nhiều đại biểu nhất trí với Ủy ban Tài chính – Ngân sách về nguyên tắc phân bổ NST.Ư năm 2011; trong đó ưu tiên chi cho con người, tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội…
Một số đại biểu nêu ý kiến, Chính phủ không nên đưa ra quá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia mà nên lựa chọn những chương trình, mục tiêu thật sự cần thiết để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ chưa nói đến những công trình đã được đầu tư nhưng không được thực hiện triệt để dẫn đến hiện tượng không hoàn thành như dự kiến, gây lãng phí ngân sách nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và niềm tin của nhân dân. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, xem xét hiệu quả các dự án, các công trình, kết thúc các chương trình đã hoàn thành, lồng ghép và tập trung các chương trình quan trọng, hạn chế mở mới các chương trình…
Ý kiến ()