Ngày làm việc thứ 25, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII : Thông qua hai luật
Ngày 19-6, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận hai dự án luật và biểu quyết thông qua hai luật khác.
Băn khoăn về cấp thẻ căn cước
Ðầu buổi sáng, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Phá sản (sửa đổi), với kết quả 86,7% tổng số đại biểu QH tán thành. Luật Phá sản (sửa đổi) gồm 9 chương, 133 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.
Thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, nhiều đại biểu băn khoăn đối với quy định cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Ðại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Ðịnh) và một số đại biểu khác cho rằng, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi nhằm bảo đảm quyền giao dịch của công dân theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa làm rõ mục đích quản lý nhà nước đối với những người dưới 14 tuổi, chưa làm rõ được vai trò và ý nghĩa của các thông tin trong thẻ căn cước công dân đối với đối tượng này trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Ðại biểu Ðỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nêu câu hỏi: Liệu thẻ căn cước có thay thế được giấy khai sinh không, tính khả thi đến đâu? Dự luật đặt vấn đề cấp thẻ căn cước cho các đối tượng này để làm gì khi mà số công dân này hiện chiếm 24% dân số mà không có giao dịch gì phổ biến, như vậy có lãng phí không? Trong khi đó, các đại biểu Ðặng Thị Kim Liên (Yên Bái), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, trẻ em khi sinh ra đã có giấy khai sinh, nếu thêm thẻ căn cước sẽ gây phiền hà, tốn kém.
Ðại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt câu hỏi: Liệu thẻ căn cước có thể thay thế được hộ khẩu, các giấy tờ khác như giấy khai sinh, nhóm máu, mã số thuế, bảo hiểm y tế không? Nếu thay thế được thì có phải tiến hành các dự án khác không, công nghệ đáp ứng được không? – Dự án luật cần có tầm nhìn xa hơn, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để tránh phát sinh những vấn đề bất cập khi thực hiện.
Ðối với quy định về số định danh cá nhân, các đại biểu: Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ băn khoăn với việc thay đổi từ 9 số trong chứng minh nhân dân lên 12 số trong định danh cá nhân, có thể gây tốn kém, ảnh hưởng đến 68 triệu người đã được cấp giấy chứng minh nhân dân. Việc bỏ 68 triệu chứng minh nhân dân cũ với những mối quan hệ đã thiết lập từ lâu nay là một việc làm cần được xem xét thấu đáo. Về kỹ thuật, tăng từ 9 lên 12 con số phải tốn tài nguyên lưu trữ làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu. Vì vậy nên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch, giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho một bộ duy nhất để tiến hành cấp, bổ sung dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quản lý hộ tịch cần gắn với cải cách thủ tục hành chính
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) với 396 phiếu tán thành, chiếm 79,52% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận về dự án Luật Hộ tịch, một số ý kiến cho rằng, không nên quy định số định danh cá nhân trong dự án luật này, vì nội dung về cấp số định danh cá nhân đã được quy định trong dự án Luật Căn cước công dân.
Ðề cập việc cấp giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn quy định trong dự thảo luật, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, việc tiếp tục duy trì cấp hai loại giấy này là cần thiết, vì đó là giấy tờ gốc liên quan nhiều giao dịch pháp lý của người dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, theo quy định trong dự án Luật Căn cước công dân đang được xây dựng, thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh, do vậy cần cân nhắc lại việc cấp giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân. Ðồng thời đề nghị, Chính phủ có giải trình rõ để quy định thống nhất vấn đề này trong Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.
Nhiều ý kiến tán thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về hộ tịch nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quản lý, tra cứu hộ tịch. Tuy nhiên, theo đại biểu Ðặng Thị Kim Liên (Yên Bái), cần có biện pháp quản lý dữ liệu chặt chẽ và quy định cụ thể các cơ quan được truy cập, nhằm bảo đảm bí mật những thông tin liên quan hộ tịch của người dân.
Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định của dự án Luật Hộ tịch với các quy định của dự án Luật Căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Ðề án của Chính phủ về tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:
Loại bỏ “giấy phép con” cản trở hoạt động báo chí
Thông tư 01/2014 của Tòa án Nhân dân tối cao (NDTC) quy định, nhà báo dự các phiên tòa để đưa tin phải trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan. Ðó là “giấy phép con” không phù hợp, không cần thiết. Trong nghị định của Chính phủ đã quy định rất rõ là nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, Bộ Tư pháp không có quyền kiểm tra, kiểm soát Thông tư của Tòa án NDTC nên chỉ có thể tham gia góp ý để Tòa án sửa. Trong trường hợp Tòa án NDTC không sửa thì theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu cơ quan này xem xét chỉnh sửa phù hợp.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()