Ngày 13-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII sang ngày làm việc thứ 21. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận dự án Luật Phòng, chống mua bán người. Đại biểu Quốc hội các đoàn: Đà Nẵng, Hòa Bình, Nam Định, Bình Dương, Quảng Ngãi thảo luận ở tổQuản lý và tạo điều kiện để kiểm toán độc lập phát triển Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác kiểm toán và đáp ứng nhu cầu phát triển.Về quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập và Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán (Điều 10, Điều 11), một số ý kiến nhất trí với dự án Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan chịu...
Ngày 13-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII sang ngày làm việc thứ 21. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận dự án Luật Phòng, chống mua bán người.
Đại biểu Quốc hội các đoàn: Đà Nẵng, Hòa Bình, Nam Định, Bình Dương, Quảng Ngãi thảo luận ở tổ
Quản lý và tạo điều kiện để kiểm toán độc lập phát triển
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác kiểm toán và đáp ứng nhu cầu phát triển.
Về quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập và Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán (Điều 10, Điều 11), một số ý kiến nhất trí với dự án Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, đối với quy định về cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kiểm toán… tại điểm d, khoản 2 Điều 10, một số ý kiến nêu vấn đề, việc thực hiện đăng ký kinh doanh như hiện hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tức là do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện, vì vậy không đồng ý với quy định trong dự án luật. Một số đại biểu cho rằng, không nên giao việc cấp phép cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà nên giao Bộ Tài chính phụ trách như dự thảo Luật quy định, vì còn những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn về tài chính, kinh tế.
Tại điểm c, khoản 1 và khoản 5 Điều 15 quy định, không cho phép kiểm toán viên được hành nghề với tư cách cá nhân mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán. Về vấn đề này, có đại biểu đề nghị nên xem xét thêm vì quy định như vậy sẽ làm giảm khả năng phục vụ các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, kiểm toán độc lập đòi hỏi kiểm toán viên phải có chuẩn mực đạo đức cao, có trách nhiệm lớn trong việc bảo đảm tính chính xác, tính trung thực, tính tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu để cho các kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân thì không thể kiểm soát được các hành vi và mối quan hệ của cá nhân kiểm toán viên trong khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, quy định các kiểm toán viên hành nghề chỉ được hành nghề trong các doanh nghiệp là cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan quản lý giám sát chất lượng hoạt động của kiểm toán viên.
Thảo luận về quy định không cho phép các tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán tại Điều 20, có ý kiến cho rằng, quy định này là quá chặt và chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ kiểm toán của Việt Nam còn mới, lực lượng kiểm toán viên chưa nhiều, khả năng thu hút nhà đầu tư chưa cao, do đó nếu không cho phép pháp nhân tham gia thành lập doanh nghiệp sẽ hạn chế khả năng phát triển loại hình này. Bởi vậy, quy định trong dự án Luật về việc không cho tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại.
Về phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán (Điều 46), một số ý kiến đề nghị cần làm rõ, có nên cho phép các doanh nghiệp kiểm toán được phép cung cấp các dịch vụ như quy định tại khoản 2, Điều 46 (tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán…) hay không, liệu có dẫn đến tình trạng 'vừa đá bóng vừa thổi còi' hay không? Tuy nhiên, có đại biểu tán thành với dự án Luật vì cho rằng, các kiểm toán viên chính là những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính nói chung nên việc cho phép các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán… là hợp lý. Vừa sử dụng được trình độ, kiến thức của đội ngũ kiểm toán viên, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Về kiểm toán bắt buộc, nhiều ý kiến nhất trí ngoài những doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật hiện hành đã quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm, cần thiết bổ sung thêm đối tượng bắt buộc kiểm toán bao gồm báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn Nhà nước. Ý kiến khác đề nghị phải mở rộng đối tượng bắt buộc kiểm toán bao gồm cả báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án từ nhóm B sử dụng vốn Nhà nước trở lên.
Một số đại biểu cho rằng, Điều 67 quy định các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Trong đó, mục K đưa ra những hành vi '… gian lận, sai sót hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu…' là rất khó xác định trong thực tế công tác kiểm toán nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan điều tra, cơ quan an ninh. Nhiều đại biểu nêu ý kiến, dự án Luật có quá nhiều quy định giao cho Bộ Tài chính phụ trách là không hợp lý và đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét và sắp xếp lại cho hợp lý hơn.
Huy động sức mạnh toàn xã hội vào việc phòng, chống mua bán người
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với quy định của dự án Luật, nhằm đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn loại tội phạm này. Tuy nhiên, luật cần làm rõ một số vấn đề và quy định cụ thể hơn những biện pháp phòng, chống mua bán người. Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động mua bán người là hành vi đáng lên án và phải bị trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, số lượng các vụ mua bán người có chiều hướng gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp. Do vậy, bên cạnh các chế tài đủ mạnh để phòng, chống loại tội phạm này, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng, muốn phòng, chống mua bán người có hiệu quả, phải tăng cường giáo dục ngay trong gia đình, nhà trường để phòng, chống tận gốc. Thực tế, thời gian qua, chúng ta mới chỉ giải quyết phần ngọn và theo hướng giải quyết hậu quả của việc mua bán người. Đại biểu này đề nghị, dự án luật cần xây dựng cơ chế lồng ghép hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các hoạt động ngoại khóa đối với học sinh, nhất là vùng biên giới; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công tác phòng, chống mua bán người. Đồng tình với ý kiến nói trên, đại biểu Hoàng Hữu Trí (Tiền Giang) cho rằng, phòng ngừa mua bán người là biện pháp đắc lực và mang lại hiệu quả cao, nhưng dự án luật chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng ngừa mua bán người. Bên cạnh đó, tội phạm mua bán người thường có tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của người nước ngoài, khiến việc xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, các hoạt động quan hệ quốc tế quy định trong luật nhằm phòng, chống mua bán người và giải quyết hậu quả mới ở mức khung, chưa có biện pháp cụ thể, do vậy cần quy định rõ trong luật. Các đại biểu Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn), Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) đồng tình với việc dự án luật dành hẳn một chương quy định các biện pháp phòng ngừa hoạt động mua bán người. Tuy nhiên, các đại biểu này đề nghị, luật cần quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ đời tư của nạn nhân bị mua bán, giúp họ hòa nhập cộng đồng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, vì đây là những đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất.
Đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) cho rằng, dự án luật còn nhiều bất cập, chồng chéo với các luật khác. Đơn cử, dự án luật quy định, nạn nhân được trợ giúp pháp lý tại các cơ sở nhà nước, nhưng trong Luật trợ giúp pháp lý không quy định những đối tượng là nạn nhân bị mua, bán người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý tại các trung tâm trợ giúp của Nhà nước. Bên cạnh đó, dự án Luật quy định Bộ Công an có trách nhiệm chính trong phòng, chống, xử lý mua bán người. Tuy nhiên, hoạt động mua bán người diễn ra phức tạp, có tính chất xuyên quốc gia. Do vậy, luật cần đưa ra quy chế phối hợp các ngành, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan… trong hoạt động phòng, chống mua bán người để nâng cao hiệu quả của hoạt động phòng, chống mua bán người. Một số đại biểu đề nghị, ngành lao động, thương binh và xã hội cần tăng cường kiểm tra, thanh tra lao động tại các cơ sở, nhất là các cơ sở có hoạt động nhạy cảm, như vũ trường, quán bar… nhằm phát hiện các trường hợp mua bán người, để kịp thời xử lý.
Cùng với các ý kiến nói trên, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, nhằm đạt hiệu quả cao trong hoạt động phòng, chống mua bán người và các biện pháp xử lý đối với người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của hoạt động mua bán người; chính sách đối với những người trực tiếp tham gia phòng, chống mua bán người.
| Dự kiến từ 22 – 24-11 sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ Ngày 13-11, đồng chí Trần Đình Đàn, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH cho biết, dự kiến có năm thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Đó là, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu; Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Theo tổng hợp của Đoàn thư ký kỳ họp, đến thời điểm này, có 185 câu hỏi của các đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ. Trong đó, Bộ Công thương nhận được câu hỏi liên quan đến các nhóm vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch và tiến độ xây dựng các nhà máy điện và tình trạng thiếu điện hiện nay; công tác điều hành xuất, nhập khẩu và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu. Bộ Y tế nhận được các chất vấn về các nhóm vấn đề: Tình trạng quá tải tại các bệnh viện và các biện pháp giảm tải bệnh viện; công tác quản lý giá thuốc và quản lý viện phí; công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Tài chính nhận được các câu hỏi liên quan đến quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, vấn đề nợ công; trách nhiệm của bộ đối với quản lý vốn trong các doanh nghiệp nhà nước; công tác quản lý giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thời điểm cuối năm. Bộ Giao thông vận tải nhận được các nhóm câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của bộ đối với công tác quản lý Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); việc bố trí vốn triển khai các công trình giao thông đường bộ; vấn đề ùn tắc giao thông, nhất là ở các đô thị lớn và các giải pháp khắc phục. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được 19 câu hỏi của đại biểu QH, trong đó tập trung vào công tác quản lý nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty lớn; dự án khai thác bô-xít tại Tây nguyên; công tác điều hành trong phát triển kinh tế – xã hội. Dự kiến, Chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ sẽ diễn ra trong các ngày 22, 23 và sáng 24-11, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên VOV và VTV. |
PV
Theo Nhandan
Ý kiến ()