Ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII Thảo luận hai dự án luật
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG Ngày 15-11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII vào ngày làm việc thứ 19, thảo luận hai dự án: Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Giám định tư pháp.Cần thiết ban hành, nhưng nhiều quy định chưa rõ ràngBuổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống rửa tiền. Hầu hết ý kiến phát biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành luật này như nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, nhưng còn băn khoăn vì nội dung chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế của nước ta mà chưa thật sự xuất phát từ yêu cầu thực tế của Việt Nam (Bùi Văn Phương - Ninh Bình).Về phạm vi điều chỉnh của luật, đa số ý kiến phát biểu không tán thành đưa nội dung tài trợ khủng bố vào luật này. Theo các ý kiến này, tài trợ cho khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật...
|
Ngày 15-11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII vào ngày làm việc thứ 19, thảo luận hai dự án: Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Giám định tư pháp.
Cần thiết ban hành, nhưng nhiều quy định chưa rõ ràng
Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống rửa tiền. Hầu hết ý kiến phát biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành luật này như nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, nhưng còn băn khoăn vì nội dung chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế của nước ta mà chưa thật sự xuất phát từ yêu cầu thực tế của Việt Nam (Bùi Văn Phương – Ninh Bình).
Về phạm vi điều chỉnh của luật, đa số ý kiến phát biểu không tán thành đưa nội dung tài trợ khủng bố vào luật này. Theo các ý kiến này, tài trợ cho khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố. Dự án Luật Phòng, chống khủng bố đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Tiền, tài sản tài trợ cho khủng bố có thể có nguồn gốc hợp pháp hoặc bất hợp pháp, đều phải bị ngăn cấm. Nếu chỉ quy định phòng, chống tài trợ cho khủng bố từ tội hoạt động rửa tiền như dự án luật là chưa đầy đủ (Lương Văn Thành – Hải Phòng, Phạm Đức Châu – Quảng Trị, Phạm Trường Dân – Quảng Nam, Đỗ Văn Đương – TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Minh Kha – Cần Thơ,…). Cũng có một số ý kiến khác (Cao Sĩ Kiêm – Thái Bình, Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Hà Nội) tán thành như quy định của dự thảo là phạm vi điều chỉnh bao gồm cả nội dung tài trợ khủng bố. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhấn mạnh, nội dung về chống khủng bố trong dự thảo luật rất mờ nhạt, cần có luật riêng, nhưng trong khi chưa xây dựng được luật riêng thì đồng ý đưa vào luật này để điều chỉnh.
Vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu tham gia thảo luận là quy định về cơ quan phòng, chống rửa tiền. Dự án luật quy định: Cơ quan phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phòng, chống rửa tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định (Điều 43). Theo đó, Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chức năng làm đầu mối thu thập, xử lý và chuyển giao các thông tin liên quan đến rửa tiền,… Trong khi đó, hành vi rửa tiền theo định nghĩa (Điều 4) không chỉ liên quan đến các giao dịch ngân hàng. Do đó, hầu hết ý kiến phát biểu cho rằng việc giao cơ quan (Cục) phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin, kể cả thông tin không liên quan đến hoạt động ngân hàng là chưa phù hợp, khó khả thi. Do vậy, loại ý kiến này đề nghị, Cơ quan phòng, chống rửa tiền phải là Cơ quan phòng, chống tội phạm thuộc Bộ Công an (Lương Văn Thành, Đỗ Văn Đương, Nguyễn Minh Kha, Bùi Văn Phương…).
Nhiều ý kiến nhận xét rằng, trong dự thảo luật còn quá nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa cụ thể và quá chung chung, thí dụ như: Giao dịch có giá trị lớn (là bao nhiêu?), đáng ngờ, nghi ngờ… Điều 4 – giải thích từ ngữ cũng có nhiều chỗ chưa rõ ràng, khó hiểu. Nhiều ý kiến cũng đề cập việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vì dự án luật này liên quan Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và nhiều đạo luật hiện hành khác; nhất thiết không được vượt qua hai Bộ luật Hình sự và Dân sự. Các ý kiến phát biểu cũng lưu ý cần rà soát những quy định liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Việc kiểm soát hiệu quả hoạt động rửa tiền là cần thiết, nhưng cần bảo đảm không xâm hại các quyền cơ bản của công dân (quyền bí mật, riêng tư…), phải tôn trọng các quy định của Hiến pháp và các đạo luật khác có liên quan vấn đề này.
Thận trọng trong việc xã hội hóa giám định tư pháp
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp, hầu hết ý kiến phát biểu đồng tình với việc ban hành luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác giám định.
Nhiều đại biểu đồng tình với những quy định nhằm xã hội hóa công tác giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu của các nghị quyết về công tác cải cách tư pháp. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cân nhắc và có bước đi thận trọng đối với công tác xã hội hóa giám định tư pháp, vì đây là những hoạt động liên quan đến công tác giữ gìn an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn xã hội cho nên đòi hỏi sự chính xác cao. Đại biểu Nguyễn Xuân Phúc (Quảng Nam) và một số đại biểu đồng tình với xu hướng xã hội hóa giám định tư pháp nhằm huy động nguồn lực của xã hội vào công tác này, tuy nhiên cần có lộ trình cụ thể và có cơ chế thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm chất lượng.
Một số đại biểu đề nghị chuyển giám định pháp y từ ngành công an hiện nay sang ngành y tế, để bảo đảm chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị nên giữ nguyên giám định pháp y ở ngành công an nhằm bảo đảm hiệu quả công tác điều tra. Các đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) cho rằng, công tác giám định pháp y liên quan chặt chẽ đến công tác điều tra các vụ án đòi hỏi sự chính xác và tính bí mật cao. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ pháp y ngành công an hiện nay được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu công việc. Do vậy, giữ nguyên giám định pháp y tại ngành công an là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, ngành công an và y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi nghiệp vụ thường xuyên trong công tác giám định pháp y.
Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, việc duy trì tổ chức pháp y tại công an các tỉnh là cần thiết. Điều này nhằm giúp cơ quan điều tra các tỉnh xác minh nhanh chóng và có hiệu quả các vụ án. Tuy nhiên, thời gian tới cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, máy móc cho cơ quan giám định pháp y các tỉnh để đáp ứng yêu cầu công việc.
Liên quan đến tính hiệu lực, hiệu quả của luật, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, công tác giám định tư pháp nhằm bổ trợ cho công tác điều tra hình sự, làm căn cứ để truy tố, xét xử, do vậy đề nghị ban soạn thảo rà soát các văn bản pháp luật liên quan, tránh chồng chéo với Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự…
Cùng với những nội dung nói trên, các đại biểu đề nghị đưa ra tiêu chí cụ thể việc tuyển chọn cán bộ giám định tư pháp, cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác giám định tư pháp, các bước thực hiện giám định tư pháp…
Theo Nhandan
Ý kiến ()