Nên giao quyền tự chủ từng phần
Thảo luận dự án Luật Giáo dục đại học, các đại biểu tập trung phân tích những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay, cũng như kiểm soát chất lượng của loại hình giáo dục đại học, đặc biệt là mô hình xã hội hóa giáo dục và giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục, nhiều đại biểu cho rằng, việc xã hội hóa giáo dục và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục là rất cần thiết, trong khi ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này không đủ. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa cần được kiểm tra sát sao, tránh tình trạng chất lượng không bảo đảm. Các đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa, Vũng Tàu), Nguyễn Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công khai việc kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường đại học để người dân biết khả năng giảng dạy của các trường. Thực tế, hiện nay, nước ta có quá nhiều trường đại học, trong đó có nhiều trường được thành lập từ chủ trương xã hội hóa, nhưng chất lượng không kiểm soát được. Do vậy, mặc dù được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có số lượng trường đại học đứng hàng đầu thế giới, nhưng không có trường nào trong tốp 200 trường đại học hàng đầu của châu Á. Đây là điều đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), việc xã hội hóa giáo dục đại học không phải là nguyên nhân chính khiến chất lượng giáo dục đi xuống. Vấn đề là Nhà nước phải quản lý có hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng của cơ sở đó, kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên.
Về vấn đề giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học, nhiều đại biểu cho rằng, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được thực hiện từ lâu, nhưng phần lớn các trường chỉ thực hiện phần “quyền” mà không mấy quan tâm “trách nhiệm”. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa, Vũng Tàu) đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổng kết, đánh giá lại mô hình hoạt động của các đại học quốc gia và các đại học vùng. Thời gian qua, những trường nói trên được giao những quyền nhất định, thậm chí nhiều trường thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng còn được quyền tự tuyển sinh, tuy nhiên, chất lượng đào tạo không như mong đợi. Cùng quan điểm trên, đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, không thể giao hết quyền tự chủ cho các trường đại học mà không có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước chỉ nên giao quyền tự chủ từng phần cho các trường dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của từng trường cụ thể.
Nghiêm cấm quảng cáo sai sự thật
Thảo luận về dự án Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Quảng cáo trong bối cảnh hoạt động quảng cáo ở nước ta đang phát triển mạnh, nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện, trong khi hệ thống pháp luật về quảng cáo không còn phù hợp, khiến nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo nhưng không xử lý được.
Các đại biểu Phạm Thị Hồng Nga và Phạm Thanh Hùng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, hoạt động quảng cáo còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, người tiếp nhận quảng cáo sai sự thật không biết khiếu nại đến cơ quan, tổ chức nào. Các đại biểu này đề nghị, Luật cần quy định cụ thể và có chế tài nghiêm khắc đối với những quảng cáo sai sự thật. Liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, các đại biểu QH có nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) và Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) cho rằng, nên giao Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) và nhiều đại biểu khác lại đề nghị, công tác quản lý nhà nước nên giao Bộ Thông tin và Truyền thông, vì hiện nay, có tới 80% thị phần quảng cáo được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với những nội dung trên, các đại biểu đề cập đến các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời, thủ tục cấp phép quảng cáo, diện tích quảng cáo trên các các loại hình báo chí…
Bảo vệ quyền lợi người lao động và sức khỏe nhân dân
Tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nêu rõ, Luật này được QH khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23-6-1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1995. Đây là lần đầu nước ta có Bộ luật Lao động hoàn chỉnh để thể chế hóa quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động. Sau 15 năm thi hành, Bộ luật Lao động hiện hành cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, điều chỉnh hợp lý quan hệ lao động và các quan hệ xã hội khác có liên quan mật thiết đến quan hệ lao động, phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, tranh chấp lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Tuy nhiên đến nay, tình hình kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, của thị trường lao động, quan hệ lao động nói riêng đã có những thay đổi mới đòi hỏi Bộ luật Lao động cần phải được sửa đổi, bổ sung. Bộ luật Lao động hiện hành gồm có lời nói đầu, 17 chương và 223 điều.
Thẩm tra về dự án Luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động như Tờ trình của Chính phủ. Trong điều kiện phát triển của nền kinh tế cùng với những mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, đặc biệt là mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, tăng năng suất tổng hợp, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục có những thay đổi sâu sắc. Là một đất nước có lợi thế về lao động, Việt Nam cần hướng đến các chính sách bảo đảm việc làm bền vững, xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chủ yếu tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định như: Hợp đồng lao động và những vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu… Bổ sung một số quy định mới, như: thỏa ước lao động tập thể ngành, mức lương tối thiểu ngành… Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần phải tiếp tục quan tâm vấn đề tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là các vấn đề về tiền lương và tiền lương tối thiểu; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động; bổ sung những quy định mới nhằm đáp ứng và bao quát được sự phát triển của thị trường lao động.
Về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Tờ trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ, Luật Công đoàn hiện hành được QH thông qua ngày 30-6-1990 và được Nhà nước công bố ngày 7-7-1990, sau hơn 20 năm thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn của tổ chức công đoàn trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn năm 1990 do được ban hành vào giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường nên hiện nay một số điểm không còn phù hợp, bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu tình hình mới. Luật Công đoàn (sửa đổi) được kết cấu sáu chương và 33 điều.
Báo cáo thẩm tra dự án luật này của Ủy ban Pháp luật thể hiện sự tán thành đối với việc sửa đổi Luật Công đoàn năm 1990 cũng như những quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật đã nêu trong Tờ trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công đoàn sẽ là bước chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động của công đoàn, đồng thời, xác định rõ hơn vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn chủ trương không hành chính hóa tổ chức và hoạt động công đoàn; đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp và công đoàn tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở. Mặt khác, việc xây dựng Luật Công đoàn phải xuất phát từ đặc thù của hệ thống chính trị nước ta, nhưng cần tính đến yếu tố hội nhập trong việc xây dựng tổ chức và hoạt động công đoàn trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), Tờ trình của Chính phủ cho biết: Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Tỷ lệ đang hút thuốc lá, thuốc lào hiện nay (tổng dân số từ 15 tuổi trở lên) là 23,8%, tương đương 15,3 triệu người, trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu là 19,9% (khoảng 12,8 triệu người), tỷ lệ hút thuốc lào là 6,4% (khoảng 4,1 triệu người), còn lại là tỷ lệ sử dụng các dạng thuốc lá khác. Đối với người hút thuốc lá thụ động: tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ gần 70%, của trẻ em gần 50% là rất cao. Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm do khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hóa học. Tại Việt Nam, trong số bốn nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV/AIDS và tiếp theo là rượu và tai nạn giao thông.
Đối với nam giới, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm với gần 11% tổng số ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm). Các văn bản pháp luật về PCTHTL, kể cả quản lý kinh doanh thuốc lá được ban hành từ những năm 1986-2000 đến nay phần nhiều đã lạc hậu, không theo kịp các yêu cầu mới nảy sinh. Dự án Luật có năm chương và 32 điều.
Báo cáo thẩm tra về luật này của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật PCTHTL. Đồng thời cho rằng, đến nay mới trình dự án Luật PCTHTL là quá chậm. Dự án Luật PCTHTL mang đậm tính nhân văn, đó là vận động, tuyên truyền cộng đồng, người dân ý thức phòng ngừa tác hại của thuốc lá, nâng cao trách nhiệm của người hút thuốc lá, cấm hút thuốc ở nơi công cộng, cấm quảng cáo thuốc lá, cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh…; quy định của dự thảo Luật vừa bảo đảm quyền được bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc lá cũng như quyền và nghĩa vụ của người hút thuốc lá, phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam và bảo đảm quyền của mỗi người dân. Tuy nhiên, một số ý kiến của Ủy ban còn băn khoăn về tính khả thi và tác động của dự án Luật.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền cho biết: Nghị định số 74/2005/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7-6-2005 về phòng, chống rửa tiền (Nghị định 74) có hiệu lực từ ngày 1-8-2005. Qua sáu năm thực hiện, Nghị định 74 và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam. Nghị định 74 ra đời đã đáp ứng được yêu cầu quản lý về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam. Nghị định 74 là văn bản pháp lý đầu tiên đưa ra khái niệm rửa tiền và các biện pháp phòng, chống rửa tiền và là cơ sở để Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Sau sáu năm triển khai thực hiện Nghị định 74 và các văn bản hướng dẫn, một số vướng mắc đã nảy sinh ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền. Dự thảo lần thứ 4 Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm năm chương và 53 điều.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền như Tờ trình của Chính phủ. Tội rửa tiền đã được quy định trong Bộ luật Hình sự của nước ta, tuy nhiên các quy định về phòng và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước ta với các tổ chức quốc tế. Ủy ban đề nghị cần làm rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của nước ta.
Ý kiến ()