Ngày làm việc cuối đợt I, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: ĐBQH tỉnh góp ý kiến vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế
– Hôm nay (30/10), Quốc hội khóa XV tiến hành họp ngày cuối đợt I Kỳ họp thứ hai, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe, thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025).
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu trực tuyến trước Quốc hội từ điểm cầu tỉnh về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
Trong chương trình buổi sáng, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu trực tuyến trước Quốc hội từ điểm cầu tỉnh về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
ĐBQH tỉnh cơ bản đồng tình với 5 quan điểm; 6 nhóm mục tiêu; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như báo cáo đã nêu. Trong đó, đại biểu tập trung nêu ý kiến tham gia về Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 5 là Nâng cao chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cụ thể là về cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Theo ĐBQH tỉnh, trong báo cáo có nêu về bối cảnh nền kinh tế trong nước “Tính tự chủ của nền kinh tế thấp, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài”, đại biểu cho rằng nội dung này đánh giá hoàn toàn đúng bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp. Trên thực tế hiện nay, mặc dù là nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo gần như lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn. Vì vậy, đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành từ đó tăng khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong mục tiêu chưa đề cập đến việc tự chủ của ngành nông nghiệp, từ việc chưa đưa ra mục tiêu nên trong báo cáo cũng chưa nêu nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề này. ĐBQH tỉnh đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, xem xét đưa nội dung tiến tới tự chủ về nguyên liệu sản xuất vào trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đối với nội dung nhiệm vụ giải pháp thứ 8 có nêu: xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về giá cả, thị trường (xây dựng trang Web thông tin hàng ngày thị trường giá cả nông sản chủ lực trong nước và thế giới; thông tin các danh mục sản phẩm, giá cả nông sản chủ lực của các doanh nghiệp trong nước), dự báo nhu cầu trong nước và thế giới…. ĐBQH tỉnh cho rằng đây là nội dung mà các doanh nghiệp, thương lái cũng như người nông dân đang rất mong đợi, tuy nhiên trong Danh mục các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp có 10 đề án, không có đề án nào thực hiện về nhiệm vụ này. Vì vậy, ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có giải pháp thực hiện nhiệm vụ này đạt hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của người nông dân.
Để góp phần thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về giá trị sản phẩm lâm nghiệp đối với các tỉnh miền núi có thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó bao gồm cả Lạng Sơn hiện nay đang gặp khó khăn trong việc không được cải tạo rừng nghèo kiệt là rừng sản xuất sang trồng rừng mới có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần thu nhập, giảm nghèo bền vững, ĐBQH tỉnh đề xuất Chính phủ có cải cách về thể chế, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng phù hợp với từng vùng, tạo điều kiện để người dân có thể dựa vào rừng phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo giữ và bảo vệ rừng.
Đại biểu các ban HĐND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành của tỉnh tham gia họp thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Theo dự kiến chương trình, Đợt II của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8-13/11/2021, Phóng viên Báo Lạng Sơn sẽ phản ánh, thông tin kịp thời đến với bạn đọc.
Ý kiến ()