Tập trung chuẩn bị chu đáo cho ngày hội văn hoá vùng Đông Bắc
- Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, năm 2024 với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa” được tổ chức tại Lạng Sơn trong 3 ngày, từ ngày 2 đến ngày 4/11 là sự kiện có quy mô lớn và có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, văn hóa, du lịch đối với tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung.
Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc là hoạt động định kỳ tổ chức 3 năm/lần, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Năm 2024, Ngày hội lần thứ XI diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức. Ngày hội có sự tham gia của 8 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.
Ngày hội năm nay có một số điểm mới đó là các nghi lễ truyền thống liên quan đến cuộc sống và lao động sản xuất của đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc sẽ được tái hiện, trình diễn; ngày hội gắn với chào mừng kỷ niệm 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2024) và 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2024).
Thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đăng cai tổ chức ngày hội và bám sát chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, từ tháng 8/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, thông cáo báo chí về tổ chức ngày hội; phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức cuộc họp ban chỉ đạo, ban tổ chức và tổ chức họp báo thông báo các hoạt động ngày hội.
Sở VHTT&DL là cơ quan thường thực tham mưu UBND tỉnh triển khai ngày hội. Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTT&DL, Phó Trưởng Ban Tổ chức ngày hội cho biết: Ngày hội là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh, vì vậy, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch tùy vào nhiệm vụ của mình để triển khai phù hợp, đảm bảo ngày hội diễn ra an toàn, hiệu quả và để lại ấn tượng sâu đậm. Đồng thời, sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá về Công viên địa chất Lạng Sơn vừa được công nhận là công viên địa chất toàn cầu với mục tiêu thông qua sự kiện góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
“Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc năm 2024 được tổ chức trong bối cảnh các tỉnh vùng Đông Bắc vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Do đó, ngày hội được tổ chức không chỉ nhằm phát huy bản sắc văn hóa, lan tỏa những nét đẹp truyền thống của Nhân dân các dân tộc vùng Đông Bắc mà còn là dịp để động viên, khuyến khích Nhân dân các dân tộc vùng Đông Bắc vượt qua khó khăn, tiếp tục đoàn kết chung tay để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Tỉnh Lạng Sơn rất vui mừng khi được đăng cai Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024. Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực chuẩn bị chu đáo cho sự thành công của ngày hội. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân, không những ở khu vực các tỉnh Đông Bắc mà người dân cả nước đều biết đến bản sắc văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa và du lịch của từng địa phương. Đặc biệt, tỉnh cũng chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để 8 tỉnh vùng Đông Bắc sẽ có những điều kiện thuận lợi nhất khi đến với ngày hội”. |
Cùng với chuỗi các hoạt động đặc sắc của phần lễ và phần hội, một trong những điểm nhấn của ngày hội là lễ khai mạc diễn ra vào 20 giờ ngày 2/11 tại sân khấu chính quảng trường đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn. Để đảm bảo thành công cho lễ khai mạc, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTT&DL phối hợp với sở VHTT&DL các tỉnh xây dựng khung kịch bản chương trình nghệ thuật; đảm bảo chương trình sẽ thể hiện được đầy đủ nhất, đậm đà nhất những nét đặc sắc riêng mang bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc.
Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Minh Thông, Tổng đạo diễn chương trình khai mạc và bế mạc ngày hội cho biết: Hiện chúng tôi đã hoàn tất kịch bản chương trình cho lễ khai mạc và lễ bế mạc ngày hội. Đặc biệt, các tiết mục nghệ thuật trong chương trình khai mạc cũng là điểm nhấn của ngày hội với chủ đề “Đông Bắc – Tự hào và toả sáng” được chúng tôi dàn dựng bài bản và công phu với 3 phần chính: “Sắc màu Đông Bắc”; “Đông Bắc - Bản trường ca quang vinh”; “Đông Bắc - Tự hào và toả sáng”. Màn biểu diễn khai mạc quy tụ gần 600 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên quần chúng và các nghệ nhân tại các địa phương tham gia sự kiện.
Bên cạnh đó, từ ngày 20/10, việc trang trí, chỉnh trang, xây dựng sân khấu, khu vực tổ chức các hoạt động của ngày hội (khu vực công viên Chi Lăng, đường Hùng Vương, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Bảo tàng tỉnh...) đã được thực hiện đảm bảo theo đúng tiến độ.
Song song với đó, công tác truyền tuyên truyền quảng bá sự kiện, chuẩn bị cho các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội cũng được khẩn trương thực hiện. Các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai nhiều hoạt động như: xây dựng các băng - rôn khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn; tuyên truyền lưu động và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở với tần suất 2 lần/ngày trên 1.000 cụm loa tại các xã, phường, thị trấn…
Thành phố Lạng Sơn là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động của ngày hội, vì vậy, việc chuẩn bị được đặc biệt quan tâm. Bà Hoàng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Sau khi nhận được kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc, UBND thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, trong đó giao các phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các phường, xã tích cực phối hợp thực hiện các hoạt động của ngày hội và cử lực lượng tham gia vào chương trình khai mạc, bế mạc ngày hội.
Đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cũng được, các cơ quan, đơn vị được phân công và UBND thành phố Lạng Sơn đặc biệt quan tâm, đảm bảo không để xảy ra những tình huống phát sinh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2021, ngày hội dự kiến tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn nhưng bị hoãn do dịch COVID-19. Lần này ngày hội được tổ chức tại Lạng Sơn trong 3 ngày liên tục, hứa hẹn sẽ thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh. Để đảm bảo cơ sở lưu trú và cung cấp đầy đủ các dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu của du khách, dịp này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn thành phố cũng chủ động lên kế hoạch tiếp đón khách chu đáo.
Bà Hoàng Phương Mai, Trưởng Phòng Kinh doanh, Khách sạn Mường Thanh Luxury Lạng Sơn, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khách sạn hiện có 239 phòng. Chúng tôi luôn cập nhật thông tin về ngày hội và dự đoán trước đây sẽ là sự kiện có khả năng thu hút lượng du khách lớn đến với Lạng Sơn. Do đó, thời gian qua khách sạn đã tăng cường kiểm tra mọi điều kiện về cơ sở vật chất để đảm bảo phục vụ du khách dến Lạng Sơn dịp này một cách chu đáo nhất. Đồng thời, xây dựng phương án tăng cường nhân sự vào giai đoạn cao điểm này phục vụ 24/24 giờ. Ngoài ra, nhân dịp này chúng tôi còn triển khai các chương trình ưu đãi như gói combo phòng nghỉ kèm bữa ăn; giảm giá 10% cho khách đặt phòng trước; hỗ trợ các dịch vụ đi kèm khi đặt tiệc đối với đoàn đông người... Tính đến 27/10, đã có khoảng 75% - 80% số lượng phòng tại khách sạn đã được đặt trong thời gian diễn ra ngày hội.
Chỉ còn ít ngày nữa là Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 chính thức diễn ra, tin tưởng rằng đây sẽ trở thành sự kiện văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc dành cho người dân và du khách.
Ý kiến ()