Ngày hội "khoe sắc" văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 diễn ra cuối tuần qua tại Phú Thọ đã giới thiệu, tôn vinh văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc.
Sắc màu văn hóa truyền thống
Trong không khí vui tươi của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022, đoàn nghệ nhân dân gian tỉnh Lào Cai đã trình diễn nghi lễ Thực hành Then của người Tày. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Vũ Đình Trọng, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Lào Cai, Trưởng đoàn Nghệ nhân dân gian tỉnh Lào Cai tham dự ngày hội, bày tỏ: “Đoàn chúng tôi với 37 nghệ nhân, diễn viên đến ngày hội mong muốn lan tỏa thông điệp: “Lào Cai luôn coi văn hóa truyền thống là gốc rễ để tạo sự đoàn kết các dân tộc”.
Hiện nay, Thực hành Then luôn diễn ra hằng ngày, hằng tháng, hằng quý theo chu kỳ hoạt động văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng, Thái tỉnh Lào Cai. Năm nay, đoàn chúng tôi tự hào vì sở hữu một thầy then trẻ, mới 30 tuổi”.
Trình diễn trích đoạn Lễ hội “Kin khảu máy” của dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu. |
Mặc dù dân số chưa đến 7.000 người, song đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Lự (tỉnh Lai Châu) khá phong phú. Tham dự ngày hội, 16 nghệ nhân, diễn viên của dân tộc Lự đã trình diễn trích đoạn lễ hội “Kin khảu máy” (tức là Mừng cơm mới).
Chị Vàng Tươi đến từ xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cho hay: “Người Lự quan niệm mọi vật xung quanh đều có linh hồn, kể cả thóc lúa và các công cụ lao động. Việc người Lự có nghi thức cúng cho công cụ lao động thể hiện tinh thần yêu lao động và trân quý thành quả lao động. Chúng tôi mong muốn nhân dân cả nước sẽ hiểu thêm về văn hóa truyền thống của người Lự, cũng như nét độc đáo của lễ hội “Kin khảu máy”.
Bên cạnh hoạt động trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, như: Trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu kinh tế-xã hội của các địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc; thi đấu các môn kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tù lu, tung còn, chạy việt dã…
Để ngày hội thành “đặc sản” Tây Bắc
Qua 15 lần tổ chức, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã không ngừng đổi mới nhằm tạo sức hấp dẫn thu hút các đoàn nghệ nhân dân gian địa phương và khách du lịch. Năm nay, các hoạt động văn hóa được xây dựng trên không gian lớn thay vì chia nhỏ như mọi khi.
Cùng với đó, Ban tổ chức có nhiều hoạt động tăng cường giới thiệu các hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh Phú Thọ với những hoạt động dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, tổ chức khám phá các tour tuyến cũng như danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của các tỉnh vùng Tây Bắc. Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội còn có những không gian trưng bày các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) gắn với du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng và gắn kết phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, đơn vị đăng cai ngày hội, cho biết: “Ngày hội có mục đích lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là dịp nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa cũng như phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc tới bạn bè trong nước và quốc tế. Thông qua đó, Ban tổ chức mong muốn khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đến với vùng Tây Bắc. Đây là dịp để tỉnh Phú Thọ tăng cường giao lưu với các tỉnh Tây Bắc nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch”.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: “Văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc là tài sản quý giá, được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Tây Bắc là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó đồng bào các dân tộc là chủ thể sáng tạo, giữ vai trò quan trọng. Mong rằng, ngày hội sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương để nâng tầm trở thành một “đặc sản” của vùng Tây Bắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế”.
Ý kiến ()