Ngày hội kết nối “tài nguyên” di sản công viên địa chất giữa các quốc gia
Từ ngày 12 đến 15-9, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 600 đại biểu, khách quý trong nước, quốc tế đến dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng (APGN-8) cùng thắp lên tình đoàn kết, chia sẻ, hợp tác, kết nối “tài nguyên” di sản CVĐC toàn cầu giữa các quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, Hội nghị APGN-8 là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, các nhà nghiên cứu, quản lý, học giả từ các nước có cơ hội gặp gỡ, kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, sáng tạo không ngừng, phát huy vai trò CVĐC toàn cầu UNESCO thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tất cả đoàn CVĐC đến dự hội nghị đồng tình hưởng ứng, đặc biệt bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên với tư cách nhà khoa học, đã nêu ra trước hội nghị vấn đề rất thời sự: "Trước thềm diễn ra hội nghị, chúng ta đã chứng kiến Cao Bằng và nhiều tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu do bão số 3 gây ra. Vì vậy nhiệm vụ CVĐC cùng với phát triển bền vững phải cấp thiết xây dựng chương trình hành động về chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro để bảo vệ trái đất và nhân loại".
Hội nghị diễn ra 6 nhóm chủ đề về giải pháp phát triển bền vững gắn với chống biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học… thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý tham gia, đưa ra nhiều định hướng, chiến lược giá trị phát triển mô hình CVĐC.
Hội nghị cũng là điểm hẹn văn hóa di sản CVĐC đặc sắc bởi mỗi đoàn đại biểu đem bản sắc văn hóa độc đáo của từng quốc gia đến giới thiệu, quảng bá. Không gian văn hóa các dân tộc mạng lưới CVĐC toàn cầu được các quốc gia trưng bày giới thiệu để các đại biểu có thể tìm hiểu về di sản địa chất và sản phẩm du lịch đặc sắc. Cao Bằng có hơn 20 gian hàng CVĐC giới thiệu sản phẩm thủ công làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, làm hương thơm, giấy bản, ngói máng và giới thiệu nhiều sản phẩm OCOP. Gian hàng CVĐC tỉnh Hà Giang, Đắk Nông, Lạng Sơn giới thiệu sản phẩm quế, hồi, trầm hương, thổ cẩm…
Bạn bè trong nước và quốc tế được hòa mình trải nghiệm về văn hóa đặc sắc của CVĐC Non nước Cao Bằng. Di sản CVĐC Non nước Cao Bằng là báu vật của tạo hóa ban tặng với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng và di sản văn hóa đặc sắc hiếm nơi nào có được.
Từ Hội nghị APGN-8, Cao Bằng vinh dự là điểm đến của các nước CVĐC toàn cầu UNESCO để trao đổi, kết nghĩa học hỏi kinh nghiệm, kết nối du lịch… thắm tình đoàn kết giữa các quốc gia, xây dựng trái đất xanh, bình yên, hạnh phúc cho nhân loại.
Ý kiến ()